Sống sao cho trọn vẹn kiếp người

Một trong những hành vi phổ biến nhất của con người cũng là một trong những điều khiến chúng ta rối trí nhất: Khuynh hướng chúng ta nổi giận khi nói chuyện của... người khác. Bất cứ ai có tài khoản Facebook, Twitter hay chơi diễn đàn đều biết chuyện người ta có thể đỏ mặt tía tai khi lên án sự sai trái của những người khác ra sao. Và họ phản ứng không khác gì loài dã thú.

Đằng sau sự "trừng phạt" nhân danh công lý

Năm 2013, Justine Sacco, cựu Giám đốc Truyền thông của Công ty IAC, viết trên Twitter: "Chuẩn bị đi châu Phi. Hi vọng sẽ không bị AIDS. Đùa thôi. Tôi là người da trắng mà!".

Nói như thế quả là rất ngốc nghếch. Sacco xứng đáng bị phê phán nghiêm khắc vì điều đó. Nhưng hàng nghìn, hàng nghìn người đã phản ứng lại tin nhắn Twitter đó, cực đoan tới mức, như nhà báo Jon Ronson đã giải thích, không chỉ sự nghiệp mà cả cuộc đời của Sacco lao dốc. Nên nhớ trước đó cô là một người hầu như vô danh, với chỉ 170 người theo dõi trên Twitter.

Nếu mục đích tối thượng của sự trừng phạt là sửa chữa hành vi sai lầm tồi tệ của Sacco, thì cô hẳn đã hiểu được sau vài trăm tin nhắn trả lời trên Twitter. Nhưng tại sao đám đông lại trở nên đông đúc và dữ tợn như thế?

Luật An ninh mạng được phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội.

Luật An ninh mạng được phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội.

"Có vẻ như não bộ của chúng ta được thiết kế thích thú với việc trừng phạt người khác" - Nichola Raihani, một nhà tâm lý học nghiên cứu về sự hợp tác của con người ở Trường University College London, nói với vox.com.Với những nhà nghiên cứu như Raihani, đây là một bí ẩn của tạo hóa. Trừng phạt những người lạ là một hành vi nguy hiểm. Họ có thể đáp trả và làm hại chúng ta, do đó đe dọa tới sự sinh tồn của chúng ta trong dài hạn. Trong khi đó, Darwin đã khẳng định rằng sự tiến hóa là để giúp ích cho sự sinh tồn trong dài hạn.

Trừng phạt một bên thứ ba không hoặc rất ít liên quan tới mình, giống như "nhảy khỏi vách đá", Raihani so sánh. Nhưng đây lại là một đặc điểm mang tính bản chất của loài người. Hệ thống công lý của chúng ta được xây dựng trên những thẩm phán và bồi thẩm đoàn, tức không gì khác là một tập hợp những kẻ thuộc một bên thứ ba đóng vai trò người trừng phạt. Các nhà tâm lý học từng thực hiện các nghiên cứu cho phép những người tham gia xử lý những người làm sai trong môi trường phòng thí nghiệm, và lựa chọn áp đảo là sự trừng phạt. Các nghiên cứu chụp ảnh hệ thần kinh cho thấy trừng phạt người khác kích hoạt các vùng phần thưởng trong não bộ, có nghĩa là nó mang lại cảm giác thích thú cho chúng ta.

Một thí nghiệm năm 2014 của Đại học New York đã tìm hiểu xem trong những tình huống nào con người có thể lựa chọn các giải pháp khác thay vì sự trừng phạt sau khi chứng kiến một hành vi sai trái.

Theo đó, trong một trò chơi chia một gói 10 USD cho vài người, những người tham gia nghiên cứu được lựa chọn hoặc trừng phạt kẻ ích kỷ (những người lấy nhiều hơn phần chia công bằng) hay đền bù cho các nạn nhân (những người lấy đúng hoặc ít hơn).

Kết quả thật đáng tò mò. Khi chính những người tham gia là nạn nhân của sự bất công, họ thường ít khi lựa chọn sự trừng phạt, mà muốn được bồi thường (chỉ có hai bên). Nhưng khi họ ra quyết định đại diện cho những người khác (như một bồi thẩm đoàn, một bên thứ ba), họ liên tục ra phán quyết trừng phạt.

Môn thể thao đẫm máu

Việc đòi hỏi "trừng phạt" người khác dẫn tới sự tấn công, bạo lực, lăng nhục tập thể theo chủ nghĩa tự xử và nó không khác gì một môn thể thao đẫm máu. Cảm giác chung của những người bị tấn công, lăng nhục như trải nghiệm kể trên là tuyệt vọng và bất lực. Sự tấn công này khiến nạn nhân đánh mất lòng tự trọng và sự tự tin về giá trị bản thân... Họ có xu hướng coi mình là phế phẩm, không xứng đáng để được yêu thương, để được kết nối.

Khi lăng nhục phá hủy một nạn nhân, họ cũng mất đi tiếng nói, khả năng đáp trả và quyền được lắng nghe. Phải mất rất nhiều thời gian để các nạn nhân trở lại cuộc sống gần như bình thường. Monica Lewinsky là một ví dụ. Đầu năm 1998, cuộc tình của Lewinsky, lúc đó là một thực tập sinh 25 tuổi, với tổng thống Bill Clinton, bị đưa ra ánh sáng, biến cô thành nạn nhân quy mô toàn cầu đầu tiên của làm nhục công cộng thời Internet. Chỉ có vài năm trước đó thôi, người ta vẫn tiếp cận thông tin và thời sự chủ yếu qua báo chí, radio và tivi. Câu chuyện của Lewinsky là "một cú nhấn chuột làm rung chuyển thế giới", theo lời của chính cô.

Monica Lewinsky bị lăng nhục ở mức độ nào? Ở mức khó để hình dung ra được. Cô nói rằng tên cô xuất hiện trong gần 40 bài rock và rap. Tờ New York Magazines cẩn thận đếm lại, và hóa ra Lewinsky đã nhầm to: có tới 128 bài hát, từ tiếng Anh, Pháp, Đức tới Tây Ban Nha và Ba Lan nhắc tới tên cô. Hầu hết mang hàm ý tục tĩu, thiếu lành mạnh.

Trong 17 năm, Lewinsky vật lộn với cuộc sống, bị trầm cảm liên miên, gặp các bác sĩ tâm lý. Trong những ngày tháng đó, mẹ của Lewinsky bắt cô mở cửa buồng tắm khi tắm, và đêm đêm ngồi bên giường cô để canh không cho cô tự tử.

Năm 2015, Lewinsky bước ra ngoài ánh sáng, và gây chú ý bằng một bài diễn thuyết nổi tiếng trên TED, hướng sự chú ý của công luận tới số phận của những nạn nhân như cô.

Monica Lewinsky diễn thuyết tại TED.

Không phải ai cũng may mắn như Lewinsky. Lăng nhục, bạo lực ngôn từ trên Internet không để lại vết thương vật lý với nạn nhân. Nhưng tác động tinh thần thì khủng khiếp hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng nhiều. Một phân tích tổng hợp cho thấy, lần đầu tiên tỷ lệ tự tử vì bị sỉ nhục trên mạng nhiều hơn đáng kể so với bị ức hiếp trực tiếp. ChildLine - một tổ chức phi lợi nhuận của Anh chuyên giải quyết những vấn đề của người trẻ đã đưa ra một thống kê đáng kinh ngạc: Từ năm 2012 tới 2013, các cuộc gọi và email yêu cầu được giúp đỡ liên quan tới xúc phạm trong thế giới ảo tăng tới 87%.

Sống cho trọn vẹn kiếp người

Dù chính phủ Việt Nam đã soạn thảo và đưa ra Luật An ninh mạng nhưng việc xử lý lăng nhục hay bạo lực mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Quá trình điều tra kéo dài đầy mệt mỏi và căng thẳng, tiêu tốn rất nhiều chi phí liên quan... Cuộc sống của nạn nhân và gia đình, người thân có thể bị xáo trộn vô cùng.

Hàng ngày, người ta online, đặc biệt là những người trẻ - những người chưa được trang bị để đối phó với điều này, và vì thế họ bị lạm dụng, bị làm tổn thương đến mức không thể tưởng tượng có thể sống tiếp tới ngày hôm sau nữa hay không, và một số thảm kịch đã xảy ra.

Vậy nên, có lẽ, ở thời điểm hiện tại, con người vẫn cần thử học cách tôn trọng lẫn nhau.

Tôn trọng người khác không có nghĩa là không bắt họ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Ngược lại, bắt "kẻ phạm tội" chịu trách nhiệm về hậu quả của hành vi của mình chính là tôn trọng họ. Vì lúc đó chúng ta coi họ như một cá thể độc lập, có ý chí luân lý, có đầy đủ nhận thức và tự do lựa chọn cho các hành vi của mình. Nhưng chúng ta cần tôn trọng nhân phẩm của người khác, kể cả khi họ không nhất thiết được coi là "xứng đáng" để được tôn trọng.

Thế giới này bình thường vốn dĩ đã quá khắc nghiệt rồi. Con người, nếu được hãy bớt cay nghiệt và khắt khe với nhau để mọi người đều có thể bình yên sống sao cho trọn vẹn kiếp người.

Đỗ Tiến

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/song-sao-cho-tron-ven-kiep-nguoi-618766/