Sòng phẳng

'Tiền thuế bảo vệ môi trường (BVMT) phải đưa vào ngân sách và chi lại cho bảo vệ môi trường thì người dân mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác'- phát ngôn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Cuối cùng, thuế BVMT trong xăng dầu cũng tăng kịch khung lên mức 4.0000 đồng trong mỗi lít xăng, sau quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Và thời điểm là từ ngày 1.1.2019. Nhưng chưa đầy 24h sau đó, xăng dầu đồng loạt tăng giá, cao nhất tới 360 đồng mỗi lít.

15.700 tỉ đồng có thể là một khoản thu cho ngân sách, nhìn từ quyết định này, nhưng rõ ràng, nó không phải là tin tức vui vẻ gì cho dân, cho các doanh nghiệp, cho cả nền kinh tế khi mà xăng dầu là loại mặt hàng “đầu vào của đầu vào” mà những tính toán tác động luôn chỉ là lý thuyết.

Báo Người Lao Động dẫn lời một giám đốc công ty vận tải bình luận mức tăng kịch khung này trong hai chữ “chết chắc”. Chết, vì doanh nghiệp (DN) vận tải đã điêu đứng trước những cơn biến động không ngừng của giá xăng dầu. Chết, vì giá cước sẽ đội theo giá xăng dầu.

“Trước đây, vận chuyển một chuyến xe container hàng từ TPHCM - Đà Nẵng, sau khi trừ chi phí, nhà xe còn dư 6 triệu đồng. Khi giá dầu từ 14.000 đồng/lít, sau nhiều đợt tăng giá, lên 18.000 đồng/lít thì một chuyến xe chỉ dư 1-2 triệu đồng”. Và tương lai thì đúng là không còn tính, không còn tự quyết được nữa.

Trở lại với phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Tiền thuế bảo vệ môi trường phải đưa vào ngân sách và chi lại cho bảo vệ môi trường...”. Điều đó đúng, như một lẽ công bằng cần thiết và tối thiểu.

Những con số luôn khách quan: Theo số liệu từ chính Bộ Tài chính, năm 2016, tổng số tiền thuế BVMT thu qua xăng dầu lên tới 42.300 tỉ đồng thì số thực chi cho môi trường chỉ 12.290 tỉ đồng. Trong cả giai đoạn 2012-2016, thu ngân sách từ thuế BVMT đã tăng gấp 4 lần, từ 11.160 tỷ đồng lên 41.924 tỉ đồng. Có nghĩa, trong 4 năm, số thu đã tăng thêm 30.000 tỉ. Trong khi đó, chi cho BVMT luôn rất “khiêm tốn”: Nếu 2012 chỉ 9.000 tỉ đồng thì 2016 chỉ 12.290 tỉ đồng.

Số thu còn lại được sử dụng cho các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và cả để tăng lương... - những nhiệm vụ cũng quan trọng nhưng không có bất kỳ mối liên hệ nào tới môi trường.

15.700 con số rất nhỏ trong cơ cấu thu của ngân sách Nhà nước, nhưng lại là những khoản chi không nhỏ đối với DN, đối với người dân, chưa kể những tác động kép làm đội giá, làm gia tăng lạm phát.

Cho nên, sòng phẳng trong thu chi, sòng phẳng trong mục đích phải là một yêu cầu giấy trắng mực đen, một thứ sòng phẳng mang tính điều kiện và phải được giám sát từ những người đại diện của dân.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/song-phang-632290.ldo