Sông nuốt đất, người dân lo lắng

Hàng chục hộ dân sinh sống dọc con Krông Nô, đoạn qua huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đang hết sức lo lắng khi diện tích đất canh tác sản xuất nông nghiệp liên tục sụt lở xuống sông trôi theo dòng nước vì nạn khai thác cát. Mặc dù người dân đã nhiều kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn, để đấu tranh, ngăn chặn, nhưng đến nay tình trạng này vẫn bị bỏ ngỏ...

Một tàu hút cát đang hoạt động trên sông Krông Nô đoạn qua xã Đắk Nang.

Ông Hồ Doãn, thôn Phú Cường, xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, bức xúc: “Bà con chúng tôi khai khẩn mới có được ít diện tích đất để trồng trọt sản xuất chăm lo cho cuộc sống.

Trước đây, để đến bờ song, chúng tôi phải đi bộ hết quãng đường dài mới tới nơi.

Vậy mà từ khi chính quyền địa phương cho các tàu hút cát về đây hoạt động, diện tích đất sản xuất của bà con ngày càng bị thu hẹp vì sạt lở. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền xã, nhưng họ vẫn cứ cho tàu đến hút cát bình thường”.

Ông Trà Văn Câu, người dân cùng thôn Phú Cường, cho biết: “Trước đây chiều rộng lòng sông khoảng hơn 30 m, nhưng đến nay sau hơn 10 năm, nạn khai thác cát lậu đã khiến mặt sông bị sạt lở, ăn sâu vào diện tích đất hai bên bờ đến gần 100m, lòng sông bị biến dạng, những bụi tre, bãi ngô của bà con sau mỗi lần bị các đối tượng khai thác cát lậu hút cát cứ thế mà trôi theo dòng nước. Tôi và nhiều hộ dân khác có ý kiến phản ánh thì các đối tượng hút cát cho người đến hăm dọa”.

Được biết, việc khai thác cát trên các đoạn sông Krông Nô đã được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép cho các công ty, thế nhưng việc quản lý việc hút cát có đúng theo quy định hay không thì không ai đo đếm được khối lượng.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Quyến, Chủ tịch xã UBND xã Đắk Nang, huyện Krông Nô cho biết: Theo Quyết định cấp phép thì tỉnh chỉ cho các đơn vị khai thác cát được phép khai thác với độ sâu tối đa là 3m, nhưng với lưu lượng sông như vậy thì không biết điểm nào dưới 3 m, điểm nào trên 3 m.

Tuy nhiên bây giờ có điểm chưa đến 3m, cũng có điểm sâu hơn 3 m khoảng 7, 8 m.

Nhưng qua làm việc với bên khai thác cát và Thanh tra tỉnh thì đối với những điểm sâu quá thì cấm khai thác và chỉ được khai thác ở những điểm đúng quy định.

Trước đó, để chống sạt lở bờ sông Krông Nô, đoạn qua xã Nâm N’Dir, huyện Krông Nô, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã hỗ trợ UBND huyện Krông Nô 6 tỷ đồng để triển khai công trình kè chống sạt lở khu vực này.

Một lãnh đạo huyện Krông Nô cho biết, hiện UBND huyện đang phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý khẩn cấp hai khu vực xung yếu đang bị sạt lở mạnh, với tổng chiều dài gần 1 km đang xảy ra tại xã Nâm N’Dir.

Đơn vị thi công sẽ gia cố khu vực sạt lở bằng việc đóng cọc tre bên ngoài, sau đó gia cố bằng đá bên trong và đắp đất đầm chặt. Công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 8 tới đây, trước cao điểm mùa mưa lũ năm 2018.

Theo ông Trần Văn Khánh- phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, tình trạng sạt lở ven sông Krông Nô mấy năm gần đây diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân.

Trong đó, nổi bật là do việc khai thác cát làm vật liệu xây dựng và lưu lượng dòng chảy bị thay đổi do quá trình sản xuất điện.

Bên cạnh việc xây dựng đê kè tại các khu vực xung yếu nhằm hạn chế sạt lở đất đai, cây trồng của người dân, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng kiến nghị chính quyền tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk phối hợp chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép.

Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/song-nuot-dat-nguoi-dan-lo-lang-tintuc409963