Sống như đóa hoa

Hình ảnh Giang ngồi trên chiếc xe lăn tới trường cùng với ánh mắt ngời sáng niềm vui của cậu bé ấy đã trở thành chiếc cầu nối để chúng tôi có thể gặp lại nhau một cách thân tình, gần gũi hơn. Tôi không còn là vị khách qua đường tần ngần đứng nhìn theo bóng dáng chiếc xe lăn của cậu. Và cậu cũng sẵn sàng kể cho tôi nghe về câu chuyện của mình. Chúng tôi, vì một lẽ nào đó, mà trở thành những người bạn biết hỏi han, lắng nghe nhau trong một buổi chiều giao mùa giữa tháng Tư.

Sống như đóa hoa

Hình ảnh Giang ngồi trên chiếc xe lăn tới trường cùng với ánh mắt ngời sáng niềm vui của cậu bé ấy đã trở thành chiếc cầu nối để chúng tôi có thể gặp lại nhau một cách thân tình, gần gũi hơn. Tôi không còn là vị khách qua đường tần ngần đứng nhìn theo bóng dáng chiếc xe lăn của cậu. Và cậu cũng sẵn sàng kể cho tôi nghe về câu chuyện của mình. Chúng tôi, vì một lẽ nào đó, mà trở thành những người bạn biết hỏi han, lắng nghe nhau trong một buổi chiều giao mùa giữa tháng Tư.

Cậu bé Hoàng Ngọc Giang được ông đẩy xe lăn cho đến trường.

Lần đầu tiên tôi biết đến cậu bé Hoàng Ngọc Giang (thôn 1, xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa) là khi vô tình bắt gặp cậu cùng chiếc xe lăn chậm rãi trên con đường bê tông dẫn vào trường THCS Hoằng Đồng. Ngay cả khi có xe lăn hỗ trợ, cậu bé cũng không thể tự di chuyển một mình mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của người ông đi bên cạnh. Khi chiếc xe lăn ấy vừa chạm bánh vào cổng trường, cậu bé nở nụ cười tươi rói, người như lao hẳn về phía trước ý chừng giục ông đẩy xe nhanh hơn một chút. Điều còn đọng lại trong tâm trí tôi nhiều nhất chính là ánh mắt của Giang khi được đến trường và gặp gỡ bạn bè. Niềm vui tưởng chừng như giản đơn với bất kì một đứa trẻ nào đang trong độ tuổi cắp sách đến trường. Nhưng với Giang thì không, đó là cả một nỗ lực! Nỗ lực để được sống trọn với những điều mà đáng ra Giang phải được hưởng. Nỗ lực để vươn lên chiến thắng bệnh tật và số phận kém may mắn. Nỗ lực để tự giành lấy ước mơ của đời mình.

Mọi sinh hoạt hằng ngày của Giang đều nhờ ông bà.

Hình ảnh Giang ngồi trên chiếc xe lăn tới trường cùng với ánh mắt ngời sáng niềm vui của cậu bé ấy đã trở thành chiếc cầu nối để chúng tôi có thể gặp lại nhau một cách thân tình, gần gũi hơn. Tôi không còn là vị khách qua đường tần ngần đứng nhìn theo bóng dáng chiếc xe lăn của cậu. Và cậu cũng sẵn sàng kể cho tôi nghe về câu chuyện của mình. Chúng tôi, vì một lẽ nào đó, mà trở thành những người bạn biết hỏi han, lắng nghe nhau trong một buổi chiều giao mùa giữa tháng Tư.

Cậu bé Giang mở đầu câu chuyện bằng những chia sẻ về căn bệnh bẩm sinh của mình. Giang điềm tĩnh nói: Ngay từ khi sinh ra, em đã phải chấp nhận sống chung với căn bệnh đột biến gen đốt sống số 7 suốt đời. Gia đình đã nỗ lực mang em đi chạy chữa khắp nơi, gõ cửa hầu khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Xanh Pôn, Bạch Mai, Nhi Việt Nam – Thụy Điển. Thậm chí, gia đình đã gửi mẫu tủy sống của em sang Nhật để xét nghiệm, chuẩn đoán nhưng cuối cùng chỉ nhận lại một kết quả chung là không có khả năng điều trị. Sau bao nỗ lực, chấp nhận dốc cạn từng đồng để mong tìm được cơ hội dù biết là mong manh, cuối cùng, gia đình đành bất lực chấp nhận sự thật em phải sống chung với bệnh tật, “được đến đâu hay đến đó”.

Cậu bé Giang luôn được bạn bè thương yêu, giúp đỡ.

Khái niệm “được đến đâu hay đến đó” mà Giang dành để nói về cuộc đời chỉ như mới bắt đầu của mình khiến lòng tôi nghẹn lại. Cả tôi, Giang và người nhà của cậu bé nữa, chẳng ai hiểu một cách tường tận về căn bệnh đột biến gen đốt sống số 7 thực chất là như thế nào nhưng nhìn cơ thể yếu ớt của em ngày ngày bị bệnh tật gặm nhấm, ăn mòn mới thấy được những gì mà Giang phải chịu đựng. Căn bệnh ấy khiến tay và chân của Giang đều bị liệt, không thể tự chủ động sinh hoạt cá nhân. Vì gánh nặng mưu sinh, bố mẹ của Giang thường xuyên xa nhà nên mọi công việc chăm nom, nuôi dạy Giang đều do ông bà đảm nhận. Thương đứa cháu ngay từ khi sinh ra đã phải sống chung với bệnh tật, ông bà cố gắng lo toan, vun vén cho Giang được bằng bạn bằng bè, không thua kém ai. Nhưng tuổi tác của ông bà ngày càng cao, sức khỏe yếu đi nhiều, mỗi lần nhìn đứa cháu gò mình trên chiếc xe lăn chỉ biết nuốt nước mắt vào trong mà thầm trách số phận.

Phải chấp nhận số phận nghiệt ngã như thế nhưng cậu bé Giang lại mang trong mình sự tự tin, yêu đời đến lạ. Cậu bảo: “Có sao đâu ạ! Mình cứ xem mình là một người bình thường thì mọi chuyện diễn ra xung quanh mình cũng sẽ bình thường như thế”. Có lẽ từ những suy nghĩ như vậy mà Giang luôn ấp ủ ước mơ, khát vọng được cắp sách đến trường như biết bao bạn bè đồng trang lứa. Đối với Giang, quãng thời gian đến trường giúp cậu thực sự được sống trọn vẹn với con người của mình, được thỏa sức mơ mộng với những ước mơ về ngày mai. Ở đó, Giang được vui đùa với bạn bè và được tiếp thu thêm những kiến thức mới, mở mang trí tuệ, sự hiểu biết cho bản thân.

Giang ham học, đặc biệt luôn dành thời gian để đọc sách mỗi ngày.

Để được đến trường, Giang phải chịu đựng mỗi cơn đau âm ỉ, nhức nhối, phải vượt lên và chiến thắng những mặc cảm, nỗi tự ti trong lòng. Và hơn hết, Giang phải thuyết phục được người ông của mình làm một chiếc xe lăn cải tiến, rồi đều đặn mỗi sáng đẩy xe đưa em đến trường. Khi mới nghe Giang thủ thỉ nguyện vọng được đi học, ông bà không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của cậu bé. Nhưng chính khát khao cháy bỏng của cậu bé lúc ấy khiến ông bà thương xót, đồng ý làm mới xe lăn và trở thành người bạn đồng hành của đứa cháu trên con đường đến trường. Thỏa khát khao, Giang đến trường và cố gắng học thật tốt. Nhận thức được sức khỏe mình không tốt, ở trên lớp, cậu tập trung nghe giảng để có thể hiểu bài ngay trên lớp, có điều gì không hiểu hay còn lăn tăn sẽ hỏi lại thầy cô, bạn bè. Về nhà, cậu chỉ cần ôn lại một chút những kiến thức đã học. Mỗi ngày, ngoài thời gian đến lớp, cậu bé Giang thường dành hai tiếng để đọc sách. Giang thường chọn những cuốn sách hay về cách để cân bằng cuộc sống, tìm kiếm niềm vui, nguồn năng lượng tích cực và những giá trị chân – thiện – mỹ của cuộc sống. Cậu bé đọc vanh vách với tôi đoạn văn nổi tiếng trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy như đang giãi bày nỗi lòng của chính mình: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. Có lẽ vì sợ phải “xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí” mà trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, Giang nói nhiều đến ước mơ. Hỏi em mơ ước điều gì, cậu cuối xuống hồi lâu nhìn ngắm đôi bàn chân vô giác của mình: “Nếu tồn tại khả năng điều ước trở thành hiện thực thì em chỉ ước mình sẽ có một sức khỏe tốt hơn để có thể tự chăm sóc cho bản thân và báo hiếu, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ”.

Chia tay cậu bé Hoàng Ngọc Giang khi ráng chiều đã lên màu thẫm đỏ. Tôi không làm sao gạt ra khỏi tâm trí hình ảnh cậu bé nhọc nhằn giữ mình ngồi vững trên tấm phản gỗ, mắt dõi theo từng dòng chữ trong cuốn sách đã đọc được quá nửa. Cảm ơn tôi đã đủ dũng cảm – Đó là cuốn sách mà Giang thích nhất. Chẳng vì lẽ gì, chỉ đơn giản là vì cuốn sách ấy có câu chuyện cuộc đời Giang: “Thế giới đối xử tốt với bạn vì bạn xứng đáng, thi thoảng có ức hiếp bạn, hãy tin rằng nó chỉ vô tình thôi. Đôi khi, gắng gỏi thêm chút nữa là để bản thân có tư cách không cần làm những việc mình không thích; để vào lúc gặp được người mình thích, sẽ không vì bản thân chẳng đủ tốt mà không thể níu giữ bước chân người ta; để tránh nói rới rộng khoảng cách với bạn bè; để tương lai có thể nhìn thấy cùng một thế giới; để nhìn rõ bản thân cuối cùng có thể đi tới đâu”.

Hương Thảo - Nguyễn Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-dia-chi-tam-long/song-nhu-doa-hoa/99533.htm