Sóng ngầm trước trận Mỹ gặp Iran

Lần chạm trán giữa hai đối thủ địa chính trị lâu năm - Mỹ và Iran - tối 29/11 trong khuôn khổ World Cup càng trở nên căng thẳng do các cuộc biểu tình tại Iran suốt nhiều ngày qua.

Khi các cầu thủ Iran và Mỹ ra sân vào ngày 29/11 (giờ địa phương), hàng triệu người hâm mộ sẽ mổ xẻ từng động tác của họ, không chỉ là các đường chuyền bóng, phạm lỗi và đánh đầu, mà còn cả việc tuyển Iran có hát quốc ca, cách ăn mừng bàn thắng hay đề cập tới cuộc biểu tình tại quê hương họ không.

Các cầu thủ Iran đã từ chối hát quốc ca trong trận đầu tiên gặp Anh. Sau đó, họ dừng hành động này trong trận đối đầu xứ Wales.

World Cup 2022 trở thành một chiến tuyến khác trong cuộc xung đột giữa 2 đối thủ địa chính trị lâu năm, giữa lúc Iran rúng động suốt 10 tuần qua bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ sau cái chết của Mahsa Amini (22 tuổi) hôm 16/9.

Lần này, mọi thứ diễn ra trong khuôn khổ sự kiện được theo dõi nhiều nhất thế giới, theo New York Times.

Cấm vật dụng gây kích động căng thẳng

Tình trạng bất ổn trong nước lan sang tận Qatar và thể hiện rõ trong 2 trận đấu của Iran trong khuôn khổ World Cup 2022.

Khán giả la ó quốc ca Iran, trong khi cầm những biểu ngữ của cuộc biểu tình: “Phụ nữ, cuộc sống, tự do”. Nhân viên an ninh sân vận động đã mời những người này ra khỏi sân.

Trong khi đó, liên đoàn bóng đá Mỹ sử dụng quốc kỳ không có biểu tượng Hồi giáo của Iran trong bài đăng trên mạng xã hội, nói rằng động thái này nhằm ủng hộ những người biểu tình ở Iran trước trận đấu ngày 30/11.

Sau đó, cơ quan này đã phải xóa bài đăng khi Liên đoàn bóng đá Iran gửi đơn khiếu nại tới Ủy ban đạo đức của FIFA, nói rằng Mỹ không tôn trọng quốc kỳ của Cộng hòa Hồi giáo Iran và yêu cầu khai trừ nước này khỏi World Cup.

Với hy vọng tổ chức kỳ World Cup suôn sẻ, Qatar - quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Washington và thân thiện với Tehran - tăng cường an ninh tại các trận đấu có Iran và cấm một số đồ vật mang tính kích động.

 Cổ động viên Iran xuất hiện trên khán đài khi tuyển Iran gặp tuyển xứ Wales, mang theo áo tưởng nhớ Mahsa Amini. Ảnh: Reuters.

Cổ động viên Iran xuất hiện trên khán đài khi tuyển Iran gặp tuyển xứ Wales, mang theo áo tưởng nhớ Mahsa Amini. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, một số người Iran lo sợ có thể đụng độ với nhân viên an ninh tại sân vận động, hoặc với nhóm ủng hộ chính phủ trong các cuộc biểu tình.

Khi Iran đánh bại Xứ Wales vào tuần trước, đội an ninh đã được triển khai để "giải tán xung đột nhỏ” giữa các cổ động viên Iran bên ngoài sân vận động. Một quan chức Qatar cho biết vụ việc đã được xử lý nhanh chóng để kiềm chế căng thẳng.

"Tôi sẽ không dự trận đấu vào hôm 29/11 vì tôi cảm thấy không an toàn ở Qatar”, Azi - người Canada gốc Iran - nói, mặc chiếc áo phông in khẩu hiệu biểu tình ở Iran. Cô cho biết thêm đội an ninh sân vận động không cho cô vào sân vì trang phục này.

Tình huống tương tự cũng xảy ra khi Hila Yadegar - 37 tuổi - cùng chồng dự định đến sân bày tỏ ủng hộ với người biểu tình trong trận gặp xứ Wales. Cô khá lo lắng về vấn đề an ninh tại Qatar. “Tôi chặn ghế ở cửa phòng khách sạn, mặc dù cửa đã khóa”, cô nói thêm.

Khi được hỏi về lo ngại an ninh cùng khiếu nại của người hâm mộ, quan chức Qatar cho biết giới chức luôn đảm bảo mọi trận đấu tại World Cup đều "an toàn và chào đón tất cả khán giả".

Các vật dụng "làm gia tăng căng thẳng và gây rủi ro cho sự an toàn của người hâm mộ" sẽ không được phép mang vào sân vận động, quan chức này cho biết.

Chính trị hóa giải đấu

Trong khi đó, giải đấu giờ nhuốm màu sắc chính trị, khi đội Iran đứng trước áp lực phải về phe những người biểu tình, theo Reuters.

New York Times nhận định việc không đưa ra dấu hiệu đoàn kết với phe biểu tình có thể khiến đội tuyển bị hàng triệu người hâm mộ xa lánh, khi nhiều người cho rằng họ là “công cụ” của chính phủ Iran.

Nhiều người không nghĩ Iran nên tham gia kỳ World Cup này vì tình trạng bất ổn trong nước. Một số nhà hoạt động kêu gọi cấm Iran tham gia giải đấu. Gần đây hơn, một số người hâm mộ phẫn nộ khi xuất hiện bức ảnh chụp các cầu thủ ăn mừng “dù có trẻ em thiệt mạng trong các cuộc biểu tình”.

Điều khiến nhiều người tò mò là tuyển Iran sẽ làm gì trong trận đấu tiếp theo: Làm hài lòng chính phủ đã tài trợ cho đội bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt quy định thể thao, hoặc giành lấy sự ủng hộ của phe biểu tình trên đường phố.

Tùy thuộc vào kết quả - chiến thắng, hay thậm chí một trận hòa có lẽ là đủ, trước Mỹ sẽ đưa họ vào vòng tiếp theo - mà xung đột nội bộ của Iran có thể thu hút sự chú ý của lượng lớn khán giả trong nước, ít nhất là vài ngày nữa.

“Đây là lý do trận Mỹ đấu với Iran sẽ là trận đấu quan trọng và mang tính chính trị nhất trong lịch sử World Cup”, Omid Djalili - diễn viên hài người Anh gốc Iran - nói.

Ông khẳng định mình không hề nói quá: “Họ càng tiến sâu, càng có nhiều người quan tâm tới các cuộc biểu tình này”.

Tuyển Iran hát quốc ca trước trận đấu với Xứ Wales tại World Cup ở Al Rayyan, Qatar hôm 25/11. Ảnh: AP.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Iran sử dụng thành công của đội tuyển để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thể hiện sức mạnh và sự thống nhất.

Trước khi tuyển Iran lên đường sang Qatar, các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin về hình ảnh các cầu thủ gặp gỡ Tổng thống Ebrahim Raisi. Họ đã cùng ông chụp ảnh với áo đấu in tên tổng thống ở mặt sau.

Nhóm biểu tình và người Iran ở nước ngoài đã ngay lập tức phản ứng, khi họ có tư duy “hoặc về phía chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi”. Họ nói sẽ không ủng hộ đội tuyển.

Nima, người hâm mộ bóng đá từ Tehran, nói mình bức xúc trước việc chính phủ Iran “cướp” cả môn bóng đá. “Tôi thậm chí không thể thoải mái cổ vũ cho đội tuyển quốc gia vì những gì họ đã làm”, anh nói.

Những người khác đã cảm thấy khó lựa chọn, hoặc thuyết phục trước các cử tri của đội tuyển.

Trong suốt giải đấu, các cầu thủ đã nhiều lần lên tiếng về cuộc biểu tình và đăng thông điệp trên mạng xã hội bày tỏ tình đoàn kết với người dân Iran.

“Bàn thắng này là món quà dành cho người dân của tôi ở Iran”, Ramin Razaeean - người đã ghi bàn vào lưới Xứ Wales ở phút thứ 101 để ấn định chiến thắng - cho biết sau đó. “Đặc biệt là những người đang đau khổ”.

Nima cho rằng các cầu thủ phải tiến xa hơn nữa, bằng cách bắt chước cắt tóc như một vận động viên bóng đá bãi biển Iran đã làm gần đây, để thể hiện tình đoàn kết với phụ nữ biểu tình xé bỏ khăn trùm đầu và cắt tóc của họ.

“Iran là một quốc gia hâm mộ bóng đá, nhưng tôi nghĩ trong nhiều thập niên tới, điều người Iran nhớ nhất về kỳ World Cup này không phải là ai đã chơi hay, mà là ai đã thể hiện quan điểm gì”, Karim Sadjadpour - chuyên gia về Iran và thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế - nhận định.

Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn luôn căng thẳng. Hai nước cắt đứt quan hệ chính thức vào năm 1980. Đội tuyển 2 nước gặp nhau lần đầu tiên tại World Cup 1998 ở Pháp.

Khi đó, các cầu thủ Iran giúp xoa dịu bất ổn địa chính trị bằng cách trao hoa hồng trắng, biểu tượng hòa bình, cho tuyển Mỹ trước trận đấu. Tuy nhiên, xung đột giữa 2 nước vẫn "lơ lửng" bên ngoài sân cỏ.

Sau khi Iran giành chiến thắng 2-1, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ca ngợi: "Tối nay, một lần nữa, những đối thủ mạnh và kiêu ngạo đã nếm mùi thất bại cay đắng dưới tay các bạn”.

Hỗn loạn tại khu vực cho cổ động viên ở Qatar Đám đông vượt gấp đôi sức chứa 40.000 người đã kéo đến công viên Al Bidda ở Doha hôm 20/11, khiến cảnh sát phải ngăn bớt những cổ động viên quá khích.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/song-ngam-truoc-tran-my-gap-iran-post1380202.html