Sóng ngầm sau lời tuyên bố

Với tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga cách đây ngót 31 năm, Tổng thống Donald Trump đang tạo ra một 'cơn sốt' ngoại giao và quân sự vượt ra khỏi biên giới của hai cường quốc này.

Trên thực tế, với việc Nga và Mỹ nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản INF, thỏa thuận ra đời từ năm 1987 này đã có dấu hiệu lung lay từ trước khi có tuyên bố ngày 20-10 vừa qua của Tổng thống Donald Trump. Hơn nữa, cứ nhìn vào cái cách nước Mỹ rút khỏi một loạt các thỏa thuận đa phương và song phương kể từ khi ông Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng đến nay, sẽ thấy việc INF đứng trước bờ vực sụp đổ không phải điều quá bất ngờ. Bởi vậy, thay vì phỏng đoán về khả năng sống còn của INF, điều mà dư luận quan tâm là sự biến mất của hiệp ước này sẽ để lại những hệ lụy gì?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Foreign Policy Form

Ngay từ khi mới ra đời, INF được xem là bước tiến lớn nhằm hạn chế chạy đua vũ trang. Theo đó, Mỹ và Nga cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn từ 500km tới 5.500km. Thế nên, nếu thỏa thuận này đổ vỡ cũng đồng nghĩa rằng "tấm lá chắn" ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn, với hậu quả khôn lường là chiến tranh hủy diệt hàng loạt, cũng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev mới đây cho rằng, Mỹ hủy bỏ INF với ý đồ triển khai các tên lửa tầm trung tới gần lãnh thổ những nước mà Washington coi là đối thủ, đầu tiên là Nga và sau đó là Trung Quốc. Chưa rõ thực hư ý đồ đó ra sao, song theo nhận định của các chuyên gia phân tích quân sự, một khi đã thoát khỏi sự ràng buộc của INF, Mỹ sẽ rảnh tay phát triển các hệ thống quân sự mới, đồng thời dễ dàng triển khai các hệ thống tên lửa mặt đất ở châu Á hay đem tới châu Âu những tên lửa tầm ngắn và tầm trung hiện đại nhất. Nói cách khác, nước Mỹ sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc đối phó với sự tiến bộ về tiềm lực quân sự của các cường quốc khác như Nga hay Trung Quốc.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ trở thành “chất xúc tác” để Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ phát triển các chương trình vũ khí, trong khi Nga cũng nhanh chóng tăng cường bố trí binh lực và ồ ạt triển khai các loại vũ khí mới. Điều đó phần nào được minh chứng qua tuyên bố của người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, khi ông này nói rằng với tuyên bố rút khỏi INF, Mỹ đang bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang và đặt nước Nga vào thế phải tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia.

Tương lai của INF cũng không phải là thứ chỉ xuất hiện trong những cuộc bàn bạc to nhỏ ở Nhà Trắng hay Điện Kremlin. Do hiệp ước này có vai trò quan trọng đặc biệt đối với an ninh châu Âu nên sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, nhiều quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lên tiếng hối thúc Mỹ nỗ lực giải quyết bất đồng với Nga thay vì từ bỏ INF. Bởi đơn giản, một châu Âu vốn đang trở nên dễ tổn thương trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng không hề muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới xảy ra ngay trên lục địa của họ.

Cũng nên nhớ rằng, châu Âu chứ không phải Mỹ mới nằm trong tầm bắn tên lửa tầm trung của Nga. Và người châu Âu lo ngại rằng khi không còn bất cứ hiệp định kiểm soát vũ khí nào làm lá chắn, có thể lãnh thổ của họ sẽ trở thành bãi chiến trường để hai siêu cường tha hồ bày binh bố trận.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moscow ngày 24-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã cảnh báo, trong trường hợp Mỹ rút khỏi INF, đồng thời đưa tên lửa tầm ngắn và tầm trung đến châu Âu, nước Nga sẽ buộc phải “đáp trả một cách tương xứng”. Ông Vladimir Putin cũng không quên gây áp lực lên các thành viên NATO khi nói rằng Moscow sẽ trừng phạt bất cứ quốc gia nào cho Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của mình. "Nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước INF, câu hỏi chính đặt ra là họ sẽ làm gì với các tên lửa tầm trung. Nếu họ đưa chúng đến châu Âu, tất nhiên chúng tôi sẽ đáp trả và các nước châu Âu đồng ý cho Mỹ triển khai tên lửa cũng phải hiểu rằng họ đang đặt chính lãnh thổ của họ vào nguy cơ bị tấn công đáp trả", người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh.

Thế nên trong trường hợp Tổng thống Donald Trump vẫn một mực quyết tâm rút Mỹ khỏi INF, hố sâu ngăn cách giữa Washington và các đồng minh ở châu Âu sẽ càng bị nới rộng.

Dù đến nay tuyên bố của ông Donald Trump vẫn chỉ là tuyên bố và chưa rõ khi nào sẽ là “thời điểm thích hợp” để ông đưa nước Mỹ ra khỏi hiệp ước INF, song có thể thấy tuyên bố ấy đang tạo ra những chuyển động mạnh mẽ về mặt chính trị, ngoại giao và thậm chí là những thay đổi đáng kể về mặt quân sự ngay trên thực địa.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/song-ngam-sau-loi-tuyen-bo-553046