'Sóng ngầm' chưa dứt trong căng thẳng Ấn - Trung

Tuy tháo ngòi nổ tại khu vực biên giới, nhưng cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và thương mại.

Hôm qua (6/7), các binh sĩ của Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu rút lui tại vị trí PP14 ở khu vực thung lũng Galwan, nơi xảy ra tranh chấp khiến hàng chục binh sỹ của hai bên thiệt mạng. Tuy tháo ngòi nổ tại khu vực biên giới, nhưng động thái này chưa thể chấm dứt đến từ phía Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ và thương mại.

Một người giơ tấm bảng kêu gọi tẩy chay các ứng dụng di động của Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ngày 30/6 ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Getty

Một người giơ tấm bảng kêu gọi tẩy chay các ứng dụng di động của Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ngày 30/6 ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Getty

Hôm nay, người dùng TikTok Ấn Độ nhận được thông báo rằng, ứng dụng này đã bị khóa theo lệnh cấm của chính phủ Ấn Độ.

Tiktok là 1 trong số 59 ứng dụng, trong đó chủ yếu là của Trung Quốc bị khóa vào đêm qua tại Ấn Độ. Mặc dù các ứng dụng của Trung Quốc bị cấm chỉ mang tính biểu tượng nhưng động thái này là phản ứng của Ấn Độ sau cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng vào tháng trước.

Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho biết, các ứng dụng này "gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công của Ấn Độ". Theo bộ này, họ đã nhận được nhiều khiếu nại từ các nguồn khác nhau về việc các ứng dụng trên một số nền tảng bị sử dụng để đánh cắp và chuyển dữ liệu người dùng đến các máy chủ trái phép ở bên ngoài Ấn Độ. Tuyên bố nhấn mạnh, "việc khai thác, thu thập và tổng hợp các dữ liệu bởi các yếu tố thù địch với an ninh quốc phòng của Ấn Độ, mà cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, là một vấn đề đáng quan ngại sâu sắc và cần phải có biện pháp khẩn cấp".

Pangvan Duggal, một chuyên gia bảo mật của Ấn Độ cho biết: "Với việc cấm các ứng dụng này, Ấn Độ đã đưa ra một thông điệp với tất cả phần còn lại của thế giới rằng, chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ ứng dụng nào nhằm mục đích gây tổn hại cho các vấn đề an ninh quốc gia của Ấn Độ”.

Theo đó, các ứng dụng này bị cấm trên cả các thiết bị sử dụng Internet di động và không di động để bảo vệ lợi ích của hàng chục triệu người sử dụng Internet và di động Ấn Độ.

Ngay sau khi ứng dụng Tiktok bị khóa tại Ấn Độ, một người dân nước này cho biết: “Chúng tôi đã chuyển sang sử dụng ứng dụng Rizzle. Đây là một ứng dụng video của Ấn Độ. Theo tôi, nội dung mới là điều quan trọng để thu hút được người theo dõi, chứ không phải nó được làm từ ứng dụng gì”.

Theo giới chuyên gia, động thái của Ấn Độ giáng một đòn nặng lên tham vọng trở thành siêu cường kỹ thuật số của Trung Quốc và làm thiệt hại hàng triệu USD cho các công ty Trung Quốc. Động thái này cũng có thể mở đường cho các quốc gia khác tẩy chay các ứng dụng của Trung Quốc.

Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, căng thẳng giữa hai nước còn lan sang thương mại. Hôm qua, chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này quyết định sẽ không tham gia bất cứ thỏa thuận thương mại nào có Trung Quốc là thành viên do những vấn đề nước này đang phải đối mặt đều có liên quan tới Trung Quốc. Theo đó, Ấn Độ đã quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) năm 2019.

Vụ việc diễn ra trong lúc đang căng thẳng sau vụ đụng độ đẫm máu giữa binh lính hai nước tại thung lũng Galwan ở Ladakh hôm 15/6. Trong vụ việc, Ấn Độ cho biết họ có 20 binh sĩ thiệt mạng và 76 người bị thương. Trung Quốc vẫn chưa công bố số liệu thương vong của mình. Đây là vụ đụng độ gây thương vong nghiêm trọng nhất từng xảy ra giữa hai bên trong vòng 45 năm qua. Theo một thỏa thuận ký từ năm 1996, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không được mang súng hoặc chất nổ vào khu vực biên giới. Cả hai nước đều đổ trách nhiệm cho nhau về vụ ẩu đả ở thung lũng Galwan./.

Vũ Anh Tuấn/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/song-ngam-chua-dut-trong-cang-thang-an-trung-1068098.vov