Sông Mekong trở thành yếu tố cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc

Sông Mekong đang trở thành yếu tố cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một ngư dân trên đoạn sông Mekong chảy qua Thái Lan. Ảnh: Reuters

Một ngư dân trên đoạn sông Mekong chảy qua Thái Lan. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn duy trì việc cấp ngân sách cho các chương trình phát triển và môi trường tại khu vực hạ lưu sông Mekong, hoạt động vốn có từ thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Trung Quốc và Mỹ gần đây chuyển sang khía cạnh khoa học khi chính phủ hai nước đưa ra báo cáo khác biệt về 11 con đập của Bắc Kinh tác động đến những quốc gia ở hạ nguồn.

Hoạt động xây đập của Trung Quốc ở thượng nguồn đã gây ảnh hưởng đến dòng chảy sông Mekong tại các nước hạ nguồn như Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam – những quốc gia sông Mekong đóng vai trò quan trọng về nông nghiệp, thủy sản.

Mỹ trong nhiều thập niên qua đã quảng bá các dự án trên sông Mekong để tạo thêm ảnh hưởng đến khu vực. Ông Witoon Permpongsacharoen tại Mạng lưới Sinh thái và Năng lượng Mekong đánh giá: “Điều này trở thành vấn đề địa chính trị giống như Biển Đông, giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Năm 2019 ghi nhận mức hạn hán kỷ lục tại hạ lưu sông Mekong trong thập niên qua. Những năm gần đây, người dân khu vực chia sẻ rằng số lượng thủy sản họ bắt được ngày càng ít và kích thước thì nhỏ đi.

Một đại sứ Mỹ miêu tả việc Trung Quốc tích trữ nước ở 11 con đập trên đoạn sông Mekong chảy qua nước này đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng triệu người ở những quốc gia thuộc vùng hạ lưu dòng sông.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản hồi với Reuters rằng cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ. Bộ này nhấn mạnh: “Các quốc gia ngoài khu vực nên kiềm chế và tránh gây rắc rối”. Khẩu chiến giữa Bắc Kinh và Washington nổ ra sau khi nghiên cứu do công ty chuyên về nước có trụ sở tại Mỹ Eyes on Earth được Washington hỗ trợ vốn trong tháng 4 kết luận rằng các đập của Trung Quốc đã trữ nhiều nước khi xảy ra hạn hán năm 2019.

Ngoài ra, Eyes on Earth dựa trên ảnh vệ tinh và dữ liệu của Ủy hội Sông Mekong (MRC) đưa ra đánh giá rằng “nước mất tích” ở hạ nguồn từ năm 2010. Đại sứ Mỹ tại Campuchia Patrick Murphy thừa nhận ông rất bất ngờ với phát hiện này.

Trong tháng 7, tờ Thời báo Hoàn cầu đã đăng bài viết phản bác báo cáo của Eyes on Earth.

Mỹ đã chi 120 triệu USD cho Sáng kiến Hạ nguồn Mekong kể từ khi thành lập cách đây 11 năm.
Nhưng Trung Quốc cũng “chịu chi” không kém, năm 2016, Bắc Kinh bảo trợ để Hợp tác Lan thương-Mekong (LMC) lập quỹ 300 triệu USD trợ cấp nghiên cứu đối với 5 quốc gia hạ nguồn sông Mekong.

LMC thường tổ chức các cuộc họp ngoại trưởng thường niên và còn lên kế hoạch về hội nghị thượng đỉnh bao gồm cả sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Michael DeSombre từng nói: “Chúng tôi thực sự muốn khuyến khích Trung Quốc hợp tác với Ủy hội Sông Mekong thay vì cố gắng hình thành tổ chức riêng mà nước này kiểm soát”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/song-mekong-tro-thanh-yeu-to-canh-tranh-moi-giua-my-va-trung-quoc-20200724181412075.htm