Sông Mekong đang thoi thóp trước thế 'nội công - ngoại kích'

Ngày 20.3, tại TP Cần Thơ, diễn đàn 'Bảo vệ con người và hệ sinh thái sông Mekong, trong bối cảnh nhiều biến động' do Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers – IR) phối hợp cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Liên minh cứu sông Mekong (Save the Mekong coliation – StM) và Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) thực hiện.

Hình ảnh cạn kiệt nước ở ĐBSCL. (Ảnh: TM)

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng các ngành chức năng nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã cảnh báo về thực trạng thoi thóp của sông Mekong trước thế “nội công – ngoại kích”.

Theo IR, Mekong là một trong những dòng sông lớn và có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Dòng sông này đã tạo nên một vùng sản xuất lúa gạo lớn, nguồn cá tự nhiên cao nhất nhì thế giới. Đặc biệt, ở hạ lưu - nơi sinh sống của trên 60 triệu người, đa số sống bằng nghề canh tác lúa nước, trồng cây sử dụng nước và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy, Mekong là một trong những khu vực trên thế giới bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu toàn cầu. Dễ thấy nhất là những thay đổi về đa dạng sinh học, làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng sự phát triển bền vững trên lĩnh vực nông nghiệp - xương sống của nhiều quốc gia trong lưu vực.

Thế nhưng, tác động ấy như càng được thúc đẩy nhanh hơn, nghiêm trọng hơn khi có sự xuất hiện của những đập thủy điện trên thượng nguồn sông. Hiện, ngoài 7 công trình đập trên dòng chính đã hoàn thành ở Trung Quốc thì 11 con đập đang và sẽ xây dựng trên sông đoạn chảy qua Lào và Campuchia được đánh giá sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với nguồn phù sa, nguồn thủy sản, chất lượng nước, đa dạng sinh học…

Quang cảnh diễn đàn.

Tại diễn đàn, các chuyên gia đưa ra thí dụ cụ thể. Mùa khô năm 2016, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra dữ dội ở các tỉnh ĐBSCL; lượng nước đổ về ĐBSCL thấp kỷ lục, gây nên hạn mặn gay gắt nhất trong gần 100 năm qua; từ đó dẫn đến những thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Trong khi đó, đáng lo hơn là nhiều quốc gia lại chưa có chiến lược ứng phó bền vững nhưng lại làm vấn đề nghiêm trọng hơn. Đó là việc tiếp tục canh tác lúa với mật độ cao: 2 vụ, 3 vụ, thậm chí 7 vụ/2 năm… đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhu cầu nước tưới nhiều nhất trong lưu vực.

Điều này được xem như tự đưa mình vào tình thế khó khăn cho việc phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh nước đang dần hiếm. Vì vậy, theo các diễn giả, bên cạnh việc tiếp tục kiên quyết đấu tranh với thủy điện đầu nguồn, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu..., chúng ta cần thay đổi ngay chính mình.

Thanh Mai

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/song-mekong-dang-thoi-thop-truoc-the-noi-cong-ngoai-kich-596724.ldo