Sống mãi trong trái tim đồng đội

Nỗi đau của mẹ

Trên chuyến xe về xã Đại Thắng (Đại Lộc, Quảng Nam) có 3 người đàn ông tóc đã hoa râm đều từng là lính Sư đoàn 315, trong đó có hai người quê ở thôn Phú Bình Đông. Họ cùng chung tâm nguyện đóng góp sức mình để làm vơi bớt đau thương cho các gia đình liệt sĩ. Lớn tuổi nhất là Đại tá CCB Phạm Tấn Bá, nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn 315. Ông nói khẽ khàng: "Có lẽ không nơi đâu trên đất nước này có 5 gia đình một tộc, một làng có những người con trai duy nhất hy sinh để lại nỗi đau khủng khiếp cho cha mẹ. Ở gần nhau, cùng lớn lên và đi bộ đội nên tôi biết họ hơn ai hết".

Các CCB Sư đoàn 315 (Quân khu 5) bên căn nhà của liệt sĩ Nguyễn Lai mới được xây dựng.

Tiểu đội trưởng Nguyễn Lai của Đại đội 1, Huyện đội Đại Lộc là người to cao, đẹp trai có tiếng. Trong trận đánh ở thôn Ngọc Kinh, xã Đại Hồng cuối năm 1966, anh bị thương nặng. Tiểu đội trưởng Bá khiêng anh chạy ra khỏi vòng vây và anh đã hy sinh trên lưng đồng đội. Cuộc chiến đang tiếp diễn, anh Bá đưa Nguyễn Lai xuống một căn hầm phủ cỏ. Buổi tối các anh quay lại thì thấy bọn địch từ dấu máu đã lấy được xác Lai và đưa lên khỏi miệng hầm. Biết chúng có âm mưu thâm độc hòng tiêu diệt luôn đồng đội, họ kiểm tra và phát hiện dưới lưng bạn mình nhiều quả lựu đạn. Các anh lần lượt tháo gỡ an toàn và đưa được liệt sĩ về cho các mẹ chị ở thôn Lâm Tây chôn cất. Sau khi Nguyễn Lai ngã xuống, người vợ cũng xung phong vào bộ đội trả thù chồng và hy sinh khi hai người chưa kịp có đứa con nào. Cậu con lớn ra đi, chồng và con trai út cũng bị bom Mỹ chết, đứa con gái lấy chồng xa, bà Thuấn vò võ một mình đến tuổi 90. Nhìn cảnh bà lụm cụm ra đồng kiếm thêm từng hạt lúa, củ khoai, anh không khỏi thắt lòng. Bà mất, đứa cháu họ gọi bằng cố đứng ra thờ phụng trong căn nhà cũ kỹ, xuống cấp.

Khẩu đội trưởng cối 60 Nguyễn Văn Thanh là con trai duy nhất của bà Thự. Anh rất dũng cảm, lanh lợi nên khẩu cối trong tay anh bắn đâu trúng đó. Có mặt trong nhiều trận đánh làm nên tên tuổi Đại đội 1, anh hy sinh trong một lần chiến đấu, chưa kịp có vợ sinh con. Người mẹ buồn phiền mất sớm. Bây giờ thờ phụng là người cháu gọi bằng cậu. Đi cùng đợt tòng quân với ông Phạm Tấn Bá lần đó có Nguyễn Văn Lợi, con trai duy nhất của bà Thỏa. Ở khác đơn vị, không gặp gỡ nhiều nhưng ông biết rõ Lợi bị thương tại vùng B, đồng đội gửi về thôn. Anh bò về nhà cha mẹ mình nhưng vết thương quá nặng và đã hy sinh trong hầm vườn nhà. Sợ địch biết, gia đình âm thầm chôn cất, không dám khóc thành tiếng. Con gái ở xa, bà Thỏa trước khi mất để di chúc nhà cửa cho người cháu họ là Nguyễn Tám thờ phụng. Ngôi nhà này trước đây thuộc diện tình nghĩa với số tiền 12 triệu nhưng xây dựng mấy mươi năm đã hư hỏng. Người cháu ở nhà mình, hàng ngày chạy qua hương khói.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Kim và Nguyễn Văn Lý là chị em ruột, con của ông bà Đương. Chị Kim đi bộ đội thuộc đơn vị hậu cần Quân khu 5. Chị hy sinh trong một lần tải gạo gặp lũ, nước trên nguồn đổ về đột ngột, cuốn mất xác. Mọi người chỉ kịp thấy mái tóc đen dài của chị trôi vút qua. Anh Lý cũng ngã xuống ở quê hương. Người con gái lấy chồng xa, ông bà nương tựa vào nhau và mất sớm sau giải phóng. Trước đó còn kịp hiến đất của mình để làm nhà thờ tộc.

Các anh Nguyễn Văn Chín (bộ đội) và Nguyễn Văn Mười (du kích) con bà Thế trước khi hy sinh đều là bạn đồng môn của Đại tá Phạm Tấn Bá. Họ đã từng có những ngày đi học hồn nhiên, vô lo. Vậy mà ngày anh trở về, căn nhà thân quen của bạn chỉ còn mỗi người mẹ gầy gò thui thủi ra vào cho đến khi nhắm mắt. Cô con gái lớn đã chết vì bom cũng chưa kịp có con cái, bây giờ cả nhà liệt sĩ không còn ai thân thích.

Nghĩa tình đồng đội

Mỗi lần về thăm quê, viếng nhà đồng đội, Đại tá Phạm Tấn Bá không khỏi xót xa khi nhìn nỗi đau của những người mẹ. Địa phương quá nhiều liệt sĩ nên ưu tiên những nhà rách nát xây trước; tạm ở được, tính sau. Khi các mẹ mất, việc làm nhà tình nghĩa càng thêm khó khăn bởi không còn người thân thích. Đại tá Phạm Tấn Bá đem ý tưởng vận động kinh phí làm nhà cho 5 gia đình này bàn với những người bạn thân thiết là CCB Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Ngọc Ánh. Kiên trì đi xin, họ đã được các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng ủng hộ 350 triệu đồng (mỗi nhà 70 triệu đồng) và bàn giao ngay cho địa phương từ sau Tết. Suốt mấy tháng nay, các CCB liên tục đi về, đôn đốc, trông coi. Vui hơn nữa, từ bệ phóng là số tiền tài trợ, Ban dân chính thôn Phú Bình Đông đã vận động thêm con cháu của liệt sĩ đóng góp từ 30-150 triệu đồng cùng công sức bỏ ra để xây nhà khang trang hơn. Một vấn đề nảy sinh với gia đình bà Thế có hai con Nguyễn Văn Chín, Nguyễn Văn Mười hy sinh. Không còn ai huyết thống thờ tự, đã thế nền nhà bà trước đây ở giữa đồng lúa buộc phải di dời nên Ban dân chính thôn và các CCB đồng ý giao suất nhà tình nghĩa này cho anh Nguyễn Ty, cháu trong họ tộc của liệt sĩ. Anh Ty hiện thờ người em hy sinh ở chiến trường K đồng thời đảm đương thờ toàn bộ gia đình bà Thế. Trường hợp gia đình của Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Văn Lý, con cháu lo được việc xây nhà nên nhất trí trao tặng lại cho gia đình liệt sĩ Lê Năm, cán bộ đại đội Tiểu đoàn R20. Vậy là tình làng nghĩa xóm càng thêm ấm áp...

Ở nhà liệt sĩ Nguyễn Lai, bà Tào Thị Hai, em dâu trong họ từng chăm sóc cụ Thuấn cuối đời nay tiếp tục là nàng dâu hiếu thảo. Bà nói: "Được các CCB giúp tiền, tôi liền động viên con cháu đi làm ăn xa, góp thêm để có nơi thờ tự rộng rãi. Không có các CCB khởi xướng, không biết đến bao giờ mới thay được căn nhà rách trước đây". Ngày 22-7, tại thôn Phú Bình Đông, buổi khánh thành, bàn giao nhà tình đồng đội trở thành ngày vui hội ngộ của cả xóm thôn. Đại tá Phạm Tấn Bá nói rằng, đây có lẽ là một trong những ngày vui nhất của cuộc đời ông.

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_192650_song-mai-trong-trai-tim-dong-doi.aspx