Sóng lớn ở châu Âu

Các cuộc biểu tình của phong trào 'áo vàng' đang trở thành cơn sóng dữ làm chao đảo chính trường Pháp và một số quốc gia châu Âu. Trong bối cảnh đó, ngăn chặn biểu tình, bạo loạn và giải quyết bất đồng, chia rẽ trong nước đang là yêu cầu cấp bách đặt ra.

Các cuộc biểu tình của phong trào “áo vàng” đang trở thành cơn sóng dữ làm chao đảo chính trường Pháp và một số quốc gia châu Âu. Trong bối cảnh đó, ngăn chặn biểu tình, bạo loạn và giải quyết bất đồng, chia rẽ trong nước đang là yêu cầu cấp bách đặt ra.

Các cuộc biểu tình của phong trào “áo vàng” tại Pháp tạm lắng xuống trong dịp Giáng sinh, nhưng hiện diễn biến phức tạp trở lại với số người tham gia tăng nhanh trong khoảng hai tuần qua. Bộ Nội vụ Pháp cho biết, cuối tuần trước đã có 84.000 người biểu tình tuần hành trên toàn nước Pháp theo lời kêu gọi của phong trào “áo vàng”. Đáng chú ý, Bourges đã trở thành một “điểm nóng” mới về bất ổn an ninh. Tại Paris, các cuộc biểu tình trở nên căng thẳng sau khi xảy ra nhiều vụ đụng độ với cảnh sát trên Đại lộ Champs-Élyseés và chung quanh Khải Hoàn môn. Để đẩy lùi những người biểu tình, cảnh sát đã phải sử dụng đạn hơi cay và vòi rồng.

Truyền thông Pháp cho biết, làn sóng biểu tình, bạo loạn tại nước này dâng cao trở lại từ đầu tháng 1, sau khi Tổng thống E.Macron đưa ra tuyên bố cứng rắn chống lại phong trào “áo vàng”. Bộ trưởng Nội vụ Pháp O.Ca-xta-nê cho biết, riêng ngày 5-1, khoảng 50.000 người tham gia biểu tình trên khắp nước Pháp để chỉ trích và kêu gọi ông E.Macron từ chức. Các cuộc biểu tình đã chuyển hướng bạo lực khi đoàn biểu tình tuần hành vào trung tâm Paris. Người biểu tình ném chai lọ và đá vào cảnh sát, đốt cháy một số ô-tô và rào chắn, đập phá văn phòng của người phát ngôn Chính phủ Pháp… Cuối tuần qua, cảnh sát phải bắt giữ và thẩm vấn 244 người trên toàn nước Pháp, trong đó, 156 người ở Paris, vì đã “tham gia vào nhóm âm mưu hành động bạo lực”, “mang vũ khí bị cấm”, “bạo lực đối với các nhân viên an ninh”.

Tính đến nay, các cuộc biểu tình mỗi cuối tuần của phong trào “áo vàng” ở Pháp đã bước sang tuần thứ 9, gây bất ổn an ninh nghiêm trọng và tổn hại không nhỏ cho kinh tế Pháp. Kể từ khi phong trào biểu tình bắt đầu vào giữa tháng 11-2018, đã có 10 người chết tại các điểm bị những người “áo vàng” phong tỏa và hơn 1.600 người bị thương. Tuần qua, Chính phủ Pháp đã phải huy động hơn 80.000 cảnh sát và hiến binh cùng sự tăng cường của 14 xe bọc thép để ngăn chặn bạo loạn. Hoạt động kinh doanh tại một số khu vực ở thủ đô Paris bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu vào dịp Giáng sinh của nhiều hãng sụt giảm tới hàng triệu ơ-rô. Các lĩnh vực thương mại, du lịch, đầu tư của Pháp đang và sẽ là “nạn nhân” của bạo loạn trong năm nay.

Đáng chú ý là các cuộc biểu tình “áo vàng” nêu trên dường như “không có hồi kết” bởi nó vẫn tiếp diễn ngay cả khi ông E.Macron đã đưa ra một số nhượng bộ về chính sách, theo yêu cầu của phần lớn người dân. Báo chí Pháp trích dẫn nhận định của các nhà phân tích và nhiều người dân Pháp cho rằng, hoạt động biểu tình đang bị một số đảng phái chính trị lợi dụng, dần bị biến tướng và nhằm vào các doanh nghiệp lớn.

Điều khiến Liên hiệp châu Âu (EU) lo ngại hiện nay là phong trào biểu tình, bạo loạn tại Pháp đang tạo nên “hiệu ứng đô-mi-nô” và có xu hướng lan rộng ra nhiều nước châu Âu. Cuối tuần trước, một cuộc biểu tình lớn của phong trào “áo vàng” tương tự ở Pháp với hàng trăm người tham gia, cũng đã diễn ra tại thủ đô Luân Đôn của Anh. Những người tham gia biểu tình đã tuần hành dọc các tuyến phố trung tâm trước khi tập trung tại quảng trường Trafalgar nhằm phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ và yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử. Các cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra từ tháng 11-2018 và đặt ra các thách thức an ninh cho nước Anh trong bối cảnh chỉ còn hơn hai tháng nữa là “xứ sở sương mù” sẽ rời EU. Trước đó, phong trào biểu tình “áo vàng”, khởi nguồn từ nước Pháp, cũng đã lan tới một loạt quốc gia khác như Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Bồ Đào Nha... Tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, hàng trăm người biểu tình đòi cắt giảm thuế đã đổ xuống đường nhằm làm gián đoạn hoạt động giao thông.

Các cuộc biểu tình nêu trên đều có một điểm chung là lấy cảm hứng từ phong trào “áo vàng” của Pháp và người biểu tình đều bất mãn, phản đối chính sách hiện hành của chính phủ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là làn sóng biểu tình đã và đang có nguy cơ bị một số đảng phái chính trị lợi dụng để gây chia rẽ, bất ổn an ninh, chính trị kéo dài, làm “cản bước” tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, đây là “làn sóng dữ” mà lãnh đạo EU nói chung, từng nước thành viên EU nói riêng cần đặc biệt cảnh giác và tìm cách hóa giải các bất đồng, để giảm thiểu nguy cơ biểu tình biến thành bạo loạn kéo dài trước khi quá muộn.

HÀ VIỆT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/38903702-song-lon-o-chau-au.html