'Song lang': Khi cải lương gắn kết và mở lối cho những tâm hồn cô độc

Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Leon Lê là lời tri ân rất chân thành đến môn nghệ thuật cải lương thông qua một câu chuyện đầy ray rứt về những con người cô đơn.

Trailer bộ phim 'Song Lang' Tác phẩm lấy đề tài cải lương với Isaac trong vai chính.

Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Leon Lê
Diễn viên chính: Liên Bỉnh Phát, Isaac (365)
Zing.vn đánh giá: 8/10

Song lang là bộ phim đầu tay của đạo diễn Leon Lê, và Ngô Thanh Vân đóng vai trò nhà sản xuất.

Song lang là bộ phim đầu tay của đạo diễn Leon Lê, và Ngô Thanh Vân đóng vai trò nhà sản xuất.

Bộ phim Song lang lấy bối cảnh Sài Gòn của thập niên 1980. Ở đó, Dũng “thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát) là một tay anh chị chuyên đòi nợ thuê. Gã sống lặng lẽ tại căn tập thể cũ, không ai thân thích.

Một ngày nọ, khi đi đòi nợ tại đoàn cải lương Thiên Lý, Dũng chạm mặt Linh Phụng (Isaac) - kép nam chính của đoàn. Họ mới đến thành phố và bắt đầu những buổi diễn đầu tiên.

Cả hai không ngờ rằng sau lần gần gỡ tình cờ đó, sợi dây liên kết vô hình giữa hai con người cùng nặng lòng với cải lương đã hình thành, và khiến số phận của họ thay đổi mãi mãi.

Lời tri ân chân thành đến môn nghệ thuật cải lương

Ngay từ những hình ảnh quảng bá đầu tiên của Song lang, khán giả đã có thể dễ dàng nhận ra đây là tác phẩm nói về cải lương - bộ môn nghệ thuật kịch hát có nguồn gốc từ vùng Nam Bộ, đến nay đã có tuổi đời kéo dài hơn trăm năm.

Thông qua bối cảnh và câu chuyện của các nhân vật trong phim, đạo diễn Leon Lê muốn dành lời tri ân chân thành nhất đến thứ món ăn tinh thần không thể thiếu tại khu vực miền Nam, đặc biệt trong quãng thời gian 1950-1980.

Nhưng Song lang không đơn thuần giới thiệu lịch sử hình thành, hay tập trung đi sâu khắc họa cải lương với mục tiêu tôn vinh giá trị của bộ môn nghệ thuật một cách trực tiếp. Cải lương được Leon Le đưa vào trong phim rất tự nhiên, bình dị, đời thường, nhưng vẫn không phải là đối tượng chính để khai thác.

Đó đơn giản là những buổi diễn đầu tiên tại thành phố của một gánh hát nhìn bên ngoài tưởng như hào nhoáng, nhưng phía sau luôn mang gánh nặng miếng cơm manh áo. Đó là những phút giây thăng hoa tuyệt diệu trên sân khấu của người nghệ sĩ, nhưng phía sau cánh gà là nỗi niềm cô đơn ít ai thấu hiểu.

Song lang là lời tri ân đầy khéo léo tới bộ môn nghệ thuật cải lương vang bóng một thời.

Đó là những bi kịch của người nghệ sĩ khi phải lựa chọn giữa nghệ thuật và mưu sinh. Nhưng đó còn là niềm đam mê mãnh liệt với những lời ca tiếng nhạc đầy mê hoặc, là những lời truyền đạt chân tình giữa người thầy và người trò để làm sao có thể diễn xuất có tâm, có tình, có hồn.

Sợi dây kết nối hai nhân vật chính của Song lang chính là cải lương. Dù là những cá nhân có cuộc đời và hướng đi hoàn toàn khác biệt, họ mang một điểm chung là đều nặng lòng với các câu ca đầy tâm trạng thống thiết, bi ai của người nghệ sĩ trên sân khấu, của tiếng đàn, nhịp phách réo rắt giúp dẫn dắt từng lời ca một cách tài tình.

Song lang đã miêu tả cải lương dưới nhiều góc độ của nhiều đối tượng nhân vật, từ người nghệ sĩ đến khán giả, hay từ cả kẻ bàng quan, mang định kiến hoặc coi thường. Không lý tưởng hóa, không khuôn mẫu với những chi tiết khô khan, bộ phim đưa khán giả trở lại trải nghiệm cảm xúc cũ thân thuộc của một thời đã xa.

Thậm chí với lớp khán giả còn xa lạ hay chưa từng biết tới cải lương, khi theo dõi Song Lang có thể không thể nắm bắt hay hiểu hết loạt chi tiết liên quan tới bộ môn, thì những trích đoạn cải lương vẫn tỏ ra hấp dẫn, mê hoặc.

Tất cả cho thấy lòng yêu mến rất nhiệt thành của Leon Lê đối với cải lương, đồng thời khẳng định nỗ lực tri ân bộ môn nghệ thuật vang bóng một thời đến khán giả hiện đại của anh là rất thành công.

Nỗi niềm ray rứt của những tâm hồn lạc lõng

Song lang (hay song loan) là một loại nhạc cụ mang tính biểu trưng của dàn nhạc tài tử và cải lương, có tác dụng giữ nhịp điệu. Đồng thời, danh xưng ấy cũng có thể hiểu là “hai người đàn ông”.

Nhân vật chính của bộ phim Song lang là Dũng “thiên lôi” - tay anh chị chuyên đòi nợ thuê. Lạnh lùng, đơn độc, gã dường như chẳng có chút gì liên hệ gì đến nghệ thuật nói chung hay bộ môn cải lương nói riêng.

Nhưng càng theo dõi, cuộc đời và quá khứ nhiều thăng trầm của tay anh chị càng dần hiện rõ. Bên trong vẻ ngoài trầm lặng đó hóa ra ẩn giấu một tâm hồn từng rất lạc quan, bay bổng theo lời ca tiếng nhạc trên sân khấu, một tâm hồn thuần khiết phải từng ngày đối chọi với cuộc sống nghiệt ngã mà gã không thể tránh khỏi một cách đơn độc.

Mối quan hệ của Dũng và Linh Phụng để lại nhiều nỗi niềm ray rứt.

Cho đến một ngày, anh gặp Linh Phụng. Linh Phụng có hoàn cảnh và quá khứ gần như trái ngược với Dũng, ngoại trừ nỗi cô đơn không ai thấu hiểu. Và từ đó, hai con người cô đơn với cùng trái tim nặng lòng với cải lương đã tìm thấy nhau, cùng chia sẻ cảm xúc, nỗi niềm riêng thầm kín, để nhận ra bản thân đang thực sự tìm kiếm điều gì.

Mối quan hệ không tên của Dũng và Linh Phụng chưa tới mức tri kỉ, cũng không hẳn là tình yêu, thậm chí còn chưa thể coi là tình bạn hữu. Đó đơn thuần là sự đồng điệu về tâm hồn của hai con người xa lạ trong thoáng chốc.

Họ đến với nhau với cùng một niềm đam mê thầm kín mãnh liệt, chỉ chờ đợi ai đó phát hiện ra và khẽ hé mở. Nhưng như thế cũng là đủ mạnh mẽ, đủ ray rứt, và đủ để khắc cốt ghi tâm với bất cứ ai.

Khắc họa chân thực một góc Sài thành những năm 1980

Một điểm nhấn không thể không nhắc đến trong Song lang là bộ phim đã đem đến cho khán giả một góc Sài Gòn của thập niên 1980 một cách đầy chân thực và hoài niệm.

Đội ngũ sản xuất của bộ phim đã rất khôn ngoan khi lựa chọn nhiều bối cảnh đơn giản, đặc trưng nhất, để xây dựng không gian Sài Gòn xưa. Từ những cảnh nội là căn nhà tập thể nhỏ hẹp, đến những quán hàng nhỏ nhắn, đơn sơ, rồi đến bối cảnh ngoại là vài con phố nhỏ hẹp, tất cả tạo nên bầu không gian Sài Gòn cách đây hơn 30 năm đầy hợp lý.

Không dừng lại tại đó, Song lang còn đem đến nhiều chi tiết miêu tả nếp sống thường nhật của người dân bình thường vô cùng phù hợp với thời đại.

Đó là những quầy cho thuê băng đĩa với loạt băng phim bộ Quỳnh Dao, đó là băng trò chơi Contra của hệ máy điện tử bốn nút NES, hay mấy trò chơi con trẻ như giật xèng, tạt lon…

Đồng thời, cũng không thể không nhắc đến đoàn cải lương Thiên Lý với những buổi diễn kín đặc khán giả. Đây là thời kỳ mà cải lương còn là môn nghệ thuật rất được ưa chuộng, còn các nghệ sĩ cải lương được mến mộ chính là những ngôi sao. Nhờ đó, Sài Gòn xưa cứ thế, cứ thế hiện lên đầy gần gũi và hoài niệm.

Bầu không khí thập niên 1980 của Sài Gòn được tái hiện qua nhiều chi tiết khác nhau, chứ không chỉ dừng lại ở cải lương.

Phần hình ảnh và âm thanh của Song lang thực sự tạo ra điểm cộng lớn. Hình ảnh trong phim trau chuốt, mượt mà với thủ pháp quay phim truyền thống: chủ yếu là góc máy cận và trung cận, góc máy đặt ngang thân nhân vật để bắt trọn nhân vật và bối cảnh vào một khung hình. Màu sắc của bộ phim mang hiệu ứng trầm đục với nhiễu hạt, trên khung hình cố định với tỷ lệ 3:2 nhằm tạo ra bầu không khí hoài cổ.

Với âm nhạc, bên cạnh các giai điệu dựa trên trích đoạn cải lương như Mỵ Châu - Trọng Thủy, Lữ Bố hí Điêu Thuyền…, thì các bản nhạc nền cũ được đưa vào cẩn thận, khéo léo, thông qua nhiều phương tiện khác nhau như loa phát thanh phường, đài phát thanh…

Mối lương duyên lửng lơ và còn tiếc nuối

Có nhiều ưu điểm nổi bật rất đáng khen ngợi, nhưng Song lang vẫn có thể khiến khán giả cảm thấy còn đôi phần tiếc nuối khi bước ra khỏi rạp chiếu.

Sở hữu phần kịch bản chỉn chu, gọn gàng, gần như không có chi tiết dư thừa, nhưng chính điều đó lại khiến bản thân bộ phim trở nên có phần còn vội vàng, chưa thực sự thuyết phục khi xây dựng sự chuyển biến trong tâm lý và cảm xúc của các nhân vật, đặc biệt là Dũng “thiên lôi”.

Khi bộ phim kết thúc, khán giả có thể sẽ thắc mắc: tại sao lại là Linh Phụng? Tại sao chỉ nhờ một chút tác động của Linh Phụng mà Dũng thay đổi nhiều đến thế sau bao nhiêu năm vật lộn với cuộc đời đầy khắc nghiệt đến mức chai lì?

Sự tương tác giữa Linh Phụng và Dũng thiếu những chi tiết đắt giá để khán giả có thể cảm thấy tác động thực sự đến Dũng. Do đó, động lực khiến nhân vật thay đổi bản thân là chưa đủ mạnh mẽ, thuyết phục.

Điều đó xảy ra do nhân vật Linh Phụng của Isaac có lối xây dựng thiếu cân bằng so với Dũng của Liên Bỉnh Phát. Từ đầu đến cuối, Dũng được mặc định là nhân vật chính, được ưu tiên thời lượng và đất diễn rộng rãi, đầu tư xây dựng hoàn cảnh quá khứ, cuộc sống hiện tại, cùng tâm lý khá kỹ càng, chi tiết.

Còn Linh Phụng ngoài những cảnh diễn xuất trên sân khấu thì bản thân nhân vật lại khá nhạt nhòa, chỉ là mẫu hình tượng nhân vật đam mê nghệ thuật cải lương điển hình, không có gì nổi bật. Thậm chí, tình yêu cải lương vô hạn cùng tâm lý có phần đơn giản, ngây ngô của anh cũng chưa được thể hiện rõ ràng.

Mối quan hệ giữa hai nhân vật chính còn thiếu đi tính cân bằng.

Điều đó khiến việc Linh Phụng có thể tác động đến Dũng không thể nào mạnh mẽ, thuyết phục giống như cách Dũng tác động đến Linh Phụng. Hậu quả là chuyện Dũng có thể thay đổi bản thân như bộ phim thể hiện bỗng trở nên quá dễ dàng, không phù hợp với tâm lý nhân vật đã phải chịu đựng như miêu tả ban đầu.

Nửa đầu bộ phim diễn ra khá chậm rãi, với nội dung chủ yếu xoay quanh việc xây dựng nhân vật Dũng cùng một vài phân cảnh nói về Linh Phụng. Sau đó, cuộc gặp gỡ định mệnh giúp tạo ra biến chuyển của cả hai nhân vật diễn ra, có thời lượng tương đối dài, nhưng vẫn chưa đủ chi tiết cần thiết để họ thay đổi tâm lý.

Và khi đôi nhân vật bắt đầu có biến chuyển đáng kể, bộ phim đem đến cái kết khá chóng vánh và gây sốc. Công bằng mà nói, đoạn kết phim hoàn toàn có thể nằm trong dự đoán của người xem. Nó khá ấn tượng, để lại nhiều điều suy ngẫm.

Song, giá như kết phim được xử lý kỹ hơn để khán giả cảm nhận rõ sự biến chuyển trong tâm lý, tình cảm các nhân vật rõ ràng, chân thực hơn, thì bộ phim hẳn sẽ còn thuyết phục và đáng nhớ hơn nhiều.

Nhìn chung, Song lang là bộ phim thực sự nổi bật của điện ảnh Việt, và ghi dấu ấn về nhiều mặt. Khai thác đề tài khó với bối cảnh xưa cũ, câu chuyện tâm lý đặc biệt, bộ phim vẫn thể hiện chất lượng rất tốt, giúp khẳng định tài năng của biên kịch kiêm đạo diễn Leon Lê. Hi vọng rằng anh sẽ còn có nhiều bước tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Khánh Hưng
Ảnh: Lotte

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/song-lang-khi-cai-luong-gan-ket-va-mo-loi-cho-nhung-tam-hon-co-doc-post869907.html