'Song lang' gợi nhớ về 'Xuân quang dạ tiết' của Vương Gia Vệ

Lấy bối cảnh Sài Gòn vào thập niên 1970, 'Song lang' là một bản tình ca da diết của vàng son một thuở yêu người. Nó khiến nhiều khán giả nhớ lại những tháng ngày xưa cũ khi còn say mê phim bộ và thổn thức với từng bản cải lương phát ra từ băng cassete.

Isaac trong vai Linh Phụng

Isaac trong vai Linh Phụng

Cái tên “Song lang” được lấy cảm hứng từ một khí cụ gõ trong dàn nhạc cổ không thể thiếu của bất kỳ đoàn cải lương nào. Nó còn có tên là song loan, hay song lan tùy theo cách đọc của từng địa phương.

Tuy nhiên, "Song lang" cũng có thể xem như một cách chơi chữ, vừa là tên một loại nhạc cụ “du hành vượt thời gian” như chính Linh Phụng đã nói hoặc cũng có thể ám chỉ hai vị “tình lang”.

Xem Song lang, khán giả sẽ dễ dàng liên tưởng đến hai cái tên kinh điển của làng điện ảnh Hong Kong là Xuân quang dạ tiết Yên chi khâu. Đây cũng là hai bộ phim do nam diễn viên tài hoa nhưng bạc mệnh Trương Quốc Vinh đóng chính.

Một bộ phim mang âm hưởng retro những tháng năm huy hoàng của nghệ thuật cải lương

Nếu trong Yên chi khâu, Trương Quốc Vinh mê nghiệp hát Hồ quảng với vai Quý phi túy tử thì trong Song lang, Isaac theo nghiệp cải lương với vai Trọng Thủy. Hai tháng theo thầy học cải lương của anh coi như là đã thành công mỹ mãn. Có thể nói, đây chính là vai diễn tròn trịa nhất của Isaac từ trước đến nay.

Nếu trong Xuân quang dạ tiết, Trương Quốc Vinh dùng dằng không thể buông tay người tình thì trong Song lang, Isaac và Liên Bỉnh Phát cũng giống như thế. Đó đều là những mối tình ai oán.

Song lang được dàn dựng khá tốt. Màu phim xưa cũ. Trang phục và kiểu tóc cũng được đầu tư kỹ lưỡng cho đúng “màu xưa“ thế nhưng vẫn không tránh được một vài hạt sạn nhỏ như việc dùng “bóng đèn cà na“ cho dàn “đờn“ phía dưới, hay việc lạm dụng quá mức những cái cũ để trở thành một điểm phô.

Phim lựa chọn bối cảnh quay tại các chung cư cũ ở Thanh Đa. Cách đây 40 năm thì các chung cư ấy hẳn vẫn còn mới, chứ tường không bong tróc xôi vữa như vậy. Bù lại, các vật dùng thường ngày từ cuốn sách cho đến cái phích nước đều phù hợp.

Cái kết gây hụt hẫng

Nếu xếp Song lang vào thể loại phim đam mỹ (đồng tính nam) thì vừa đúng lại vừa sai bởi vì hai vị tình lang vừa có thể yêu nhau nhưng cũng có thể chỉ là tình tri kỷ.

Kịch bản của Song lang thiếu cao trào. Thắt chưa kịp gút đã bung bét, khiến cho khán giả cảm thấy bị hụt hẫng và tiếc. Tiếc ở đây không phải là diễn viên không đủ đất diễn mà là mọi thứ nguyên liệu tươi ngon đã có đủ nhưng lại bị bỏ lửng đi.

Một câu chuyện hấp dẫn nhưng lại không dám khai thác hết mức. Những phân cảnh cuối cùng qua loa, đúng kiểu đầu voi đuôi chuột, lập lờ lấp lửng. Cái kết tưởng chừng là hay hóa ra lại thành dở. Đang ăn ngon thì bị bắt đi về!

Tựu chung, Song lang là một bộ phim chỉn chu, nhẹ nhàng và mang đậm dấu ấn riêng. Đáng tiếc, đạo diễn Leon Le có vẻ đã quá nương tay với các nhân vật của mình hoặc giả là do trình chưa đủ cho nên bộ phim chỉ có thể được xem là một bữa ăn tạm ổn, không thể chê là dở nhưng cần một khoảng dài nữa mới được xem là ngon.

Lạc Hằng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/lgbt-c-131/song-lang-goi-nho-ve-xuan-quang-da-tiet-cua-vuong-gia-ve-94822.html