Sông lấn đất, người dân lo lắng

Đã nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sinh sống dọc bờ sông Krông Nô, ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông rất hoang mang, lo lắng khi diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng chục ha liên tục bị cuốn trôi theo dòng nước.

Đất sản xuất của nhiều hộ dân sống cạnh sông Krông Nô bị cuốn trôi.

Năm 2004 gia đình anh Đỗ Sơn Lâm, từ tỉnh Đắk Lắk sang thôn Quảng Hòa, xã Nâm N’đir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) mua 4 ha đất gần dọc bờ sông Krông Nô để lập nghiệp.

Thế nhưng từ đó đến nay, gia đình anh liên tục 5 lần di dời nhà vì tình trạng sụt lở đất sản xuất của gia đình ngày càng trầm trọng.

Ông Lâm kể: “Sau khi sang đây lập nghiệp, thấy đất đai nằm cạnh sông nên không lo vấn đề nước tưới, gia đình tôi mừng lắm. Vậy mà hàng năm cứ mỗi lần lũ lên nó lại cuốn mất vài chục mét của gia đình tôi. Do lo sợ bị sông cuốn hết đất nên gia đình tôi không dám làm nhà ở trên đất này mà phải mượn tạm đất của người dân trong thôn dựng nhà ở tạm. Thấy cây bơ có hiệu quả, tôi đã trồng hơn 2 ha bơ cách xa bờ sông cả hàng chục mét, thế nhưng đến nay nhiều cây đã trôi theo dòng nước gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho gia đình”.

Theo thống kê của xã Nâm N’đir, thời gian qua có hơn 14 ha đất dọc bờ sông Krông Nô qua địa bàn xã bị sạt lở, trôi xuống sông.

Vị trí sạt lở dọc theo bờ sông Krông Nô kéo dài từ thôn Nam Ninh đến thôn Quảng Hà với 47 hộ có đất ở, đất sản xuất bị ảnh hưởng. Mới đây nhất tại cánh đồng Đắk Rền, xã Nâm N’đir có khoảng 30 m đường nội đồng cũng vừa bị dòng nước cuốn trôi.

Ông Huỳnh Long Quốc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô, cho biết, trước tình trạng sông Krông Nô liên tục gây sạt lở đất canh tác của nhân dân, huyện đã xuống nắm tình hình, tìm nguyên nhân và kiến nghị với các cơ quan chức năng để có phương án ngăn chặn.

Theo ông Quốc, nguyên nhân của hiện tượng sụt lở đất ở đoạn bờ sông này do kết cấu địa chất khu vực này khá yếu. Vào mùa khô, bà con tưới nước cho cây trồng vụ đông - xuân nên nền đất khu vực bờ sông bị ẩm và bị trôi tuột theo dòng nước...

Bên cạnh kết cấu địa chất yếu thì theo người dân sinh sống ở đây, nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở nghiêm trọng này là do tình trạng khai thác cát của các đơn vị.

Từ ngày 25/12/2017, nhiều hộ dân địa phương đã bức xúc và sử dụng xe cày, máy móc chặn đường, không cho xe chở cát của Công ty TNHH Phú Bình qua lại.

Tuy nhiên sau khi chính quyền địa phương xuống tuyên truyền, đến trưa 26/12, người dân địa phương đã tự di dời các phương tiện, giải tỏa ách tắc.

Không riêng gì ở bờ Nam sông Krông Nô mà ở phía bờ Bắc nhiều hộ dân sinh sống và canh tác nông nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk, tình trạng đất sạt lở cũng liên tục diễn ra.

Ông Trương Văn Tỏ, Tổ trưởng tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin cho biết, trước đây lòng sông rất hẹp, có thể lội bộ qua, nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở xảy ra liên tục với tốc độ ngày càng nhanh, lòng sông đã được mở rộng thêm vài chục mét mỗi bên, lấy đi nhiều diện tích đất ở và sản xuất của bà con sống ven sông.

Chỉ tính trong năm 2017, bờ sông tại khu vực này đã bị sạt lở với chiều dài khoảng 1,5 km, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 18 hộ dân.

Trước thực trạng hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô diễn biến phức tạp, từ năm 2015, UBND hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã ký kết Quy chế phối hợp công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh của hai tỉnh có sông Krông Nô chảy qua.

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa hai tỉnh chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Cụ thể, hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô, đoạn chảy qua địa bàn một số xã như Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên, Nâm N’đir và Buôn Choáh của huyện Krông Nô vẫn diễn biến rất phức tạp.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, qua kiểm tra tình hình có 19 điểm sạt lở bờ sông Krông Nô thuộc địa phận 5 xã trên bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 8,5 km.

Các điểm sạt lở có chiều rộng từ 5-30 m, chiều sâu khoảng 5-10 m.

Còn tại Đắk Lắk, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cũng xác định có 2 đoạn bờ sông Krông Nô chảy qua địa bàn bị sạt lở với tổng chiều dài gần 2 km.

Mới đây, UBND hai tỉnh tiếp tục có buổi làm việc nhằm tăng cường thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản và thống nhất xử lý tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Krông Nô.

Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chung-toi-len-tieng/song-lan-dat-nguoi-dan-lo-lang-tintuc391164