Sống lại không khí tháng Tám lịch sử qua các hiện vật quý

75 năm đã trôi qua, nhưng không khí, thời khắc những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử năm 1945 của dân tộc đang như hiện hữu, gieo vào lòng người dân nhiều cảm xúc đặc biệt thông qua các hiện vật quý đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Giữa tháng Tám năm 1945, khi chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) từ ngày 13-15/8/1945 quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam với sức mạnh đoàn kết của hơn 20 triệu đồng bào thuộc mọi lực lượng, tầng lớp, giai cấp đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền thành công.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc mở ra, kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trong hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn tại trưng bày “Ngày Độc lập 2/9” do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức đã tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, giúp công chúng được sống lại không khí sục sôi của những ngày mùa thu lịch sử.

Truyền đơn thời kỳ (1941-1945) gắn với vai trò của Mặt trận Việt Minh, tuyên truyền kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cách mạng, đánh đuổi Nhật - Pháp tiến tới giành chính quyền trong cả nước

Truyền đơn thời kỳ (1941-1945) gắn với vai trò của Mặt trận Việt Minh, tuyên truyền kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cách mạng, đánh đuổi Nhật - Pháp tiến tới giành chính quyền trong cả nước

Góp phần trực tiếp phát động cao trào cứu quốc, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, báo chí luôn ưu tiên đưa nhiều tin bài về cao trào cách mạng, về Tổng khởi nghĩa ở khắp mọi miền đất nước. Trong đó, phải kể tới một số tờ báo tiêu biểu như: Cờ giải phóng, Cứu quốc, Việt Nam độc lập...

Trong thời kỳ cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, lá cờ đỏ sao vàng đã được sử dụng để hiệu triệu nhân dân đứng lên đấu tranh, khởi nghĩa giành chính quyền.

Những vật dụng sinh hoạt đời thường, đến những vũ khí thô sơ được nhân dân sử dụng trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945

Túi (tay nải) các ông Chu Văn Nghiêm, Chu Văn Ngân, Lý Kim Long sử dụng tiếp tế cơm cho các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Thu Sơn... trong thời gian hoạt động cách mạng ở Tuyên Quang, năm 1942-1945

Bộ quần áo đồng chí Trường Chinh mặc cải trang để hoạt động cách mạng trong thời gian ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, những năm 1942-1943

Nồi cơ quan Trung ương ở huyện Hòa An, tỉnh Cao bằng dùng nấu cơm cho các đồng chí lãnh tụ, năm 1945

Văn bản hiệu triệu, kêu gọi đồng bào đứng lên đánh đuổi Nhật, Pháp, "đem sức ta giải phóng cho ta" của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh)

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh, ủng hộ Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, đánh đuổi Nhật, Pháp, đứng lên Tổng khởi nghĩa

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/song-lai-khong-khi-thang-tam-lich-su-qua-cac-hien-vat-quy-142434.html