Sông Kỳ Cùng – Điểm sáng du lịch trong tương lai

Sông Kỳ Cùng đã đi vào tâm thức của nhiều người dân, du khách với vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng, hứa hẹn sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai.

Dòng sông mang vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng

Khi nhắc đến Lạng Sơn, người ta nhớ ngay đến những địa được nói đến trong bài ca dao quen thuộc như: phố Kỳ Lừa, sông Kỳ Cùng, đền Kỳ Cùng, chùa Thành, chùa Tam Thanh…

Sông Kỳ Cùng đã đi vào tâm thức của nhiều người dân, du khách với vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng. Không chỉ vậy, dòng sông còn được coi như một chứng nhân về sự đổi thay, phát triển với những thành tựu khởi sắc của quê hương xứ Lạng.

Trải qua quá trình phát triển đô thị hóa, trên đoạn sông Kỳ Cùng chảy trong lòng thành phố có 4 cây cầu bắc qua. Đó là cầu Kỳ Cùng, cầu Đông Kinh, cầu Ngầm và cầu 17/10. Trong đó, cầu Kỳ Cùng đang được xây dựng lại nhằm tạo ra sự hài hòa về không gian kiến trúc cảnh quan, nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời, bờ sông Kỳ Cùng đoạn trong lòng thành phố đang được kè làm cho diện mạo của con sông thêm đẹp hơn.

Đặc biệt, khi Công viên bờ sông Kỳ Cùng được đưa vào sử dụng nhân dịp chào mừng kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 – 4/11/2011) là một điểm nhấn về du lịch của sông Kỳ Cùng. Chạy dọc đoạn sông còn có nhiều di tích, danh thắng đã và đang thu hút du khách gần xa lui tới. Cho nên khi gọi sông Kỳ Cùng là “dòng sông di sản“ cũng hoàn toàn có cơ sở.

Theo đó, nằm ở phía bờ Bắc của cầu Kỳ Cùng hiện nay là đền Kỳ Cùng nổi tiếng linh thiêng; bên đầu cầu phía Nam có di tích chùa Thành nằm soi bóng, kế bên là di tích Nhà Công Quán lâu nay luôn là một điểm du lịch văn hóa tâm linh của nhiều du khách. Cùng với đó là danh thắng Bến đá Kỳ Cùng – một trong những cảnh đẹp được Quan đốc trấn Ngô Thì Sỹ xếp vào “Trấn doanh bát cảnh” Xứ Lạng. Đứng trên cầu Kỳ Cùng, nếu vào buổi bình minh trời nắng đẹp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh mặt trời ló rạng phía núi Phai Vệ thật đẹp mắt. Hay vào buổi chiều, được ngắm cảnh mặt trời đỏ lựng khuất dần sau những rặng tre, dãy núi vòng cung phía Tây xa xa.

Từ cầu Kỳ Cùng theo dòng chảy về cầu Ngầm, chúng ta sẽ thấy di tích đền Cửa Tây (đền Trần), đền Cửa Bắc. Còn theo dòng chạy về phía cầu Đông Kinh, dọc theo đường Hùng Vương là đền Cô bé Thượng Ngàn, đền Cửa Đông, đền Mẫu Thoải. Trong đó, đáng chú ý có đền Cửa Đông là nơi diễn ra hoạt động giao lưu hát diễn xướng Chầu Văn tỉnh Lạng Sơn mở rộng (lần thứ I/2017, lần thứ II/2018).

Từ cầu Kỳ Cùng có thể di chuyển đến tham quan các di tích khác như: chùa Tiên – giếng Tiên, đền Cửa Nam, Thành cổ Lạng Sơn hay đến mua sắm ở chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa thì rất thuận lợi. Du khách có thể đi bộ đến các điểm di tích, điểm mua sắm trên. Xuân Mậu Tuất 2018 này, nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ II, Lạng Sơn cho phục dựng đua mảng trên sông Kỳ Cùng vào ngày 10/3/2018 hứa hẹn sẽ tạo được ấn tượng sâu đậm hơn nữa về “dòng sông di sản” hết sức ý nghĩa này.

Có thể nói rằng, du lịch sông Kỳ Cùng là một tiềm năng lớn, xứng đáng là một dòng sông di sản, rất cần có sự quan tâm nghiên cứu, đầu tư về lâu dài. Trong tương lai, nơi đây sẽ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Xứ Lạng.

Linh Lan (T/h)

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/song-ky-cung-diem-sang-du-lich-trong-tuong-lai/