Sống khổ vì nguồn nước ô nhiễm

Nguồn nước ngầm ngày càng nhiễm mặn, việc ăn, uống, sinh hoạt của người dân rơi vào tình trạng khốn khó. Để có nước ăn, mỗi tháng, các hộ dân phải chi 600-700 nghìn đồng mua nước đóng bình để sử dụng. Đó là thực trạng tại thôn ven biển Đại Tiến (Thạch Trị, Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Khe Làng, nơi nước thải của Dự án nuôi tôm Công ty Sao Đại Dương xả ra.

Theo người dân ở thôn Đại Tiến, từ xưa đến nay, người dân ở đây lấy nguồn nước ngầm bằng cách khoan giếng để ăn, uống, sinh hoạt. Nhưng khoảng 7 năm gần đây, nguồn nước này bắt đầu nhiễm mặn, đặc biệt khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng nước nhiễm mặn ngày càng nặng hơn. Điều này khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn, vật dụng bị rỉ sét, hư hỏng và phải mất nhiều chi phí để có nước sạch sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Thuyên (xóm trưởng) cho biết, cả thôn Đại Tiến có khoảng 22 hộ bị nước nhiễm mặn, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt. Người dân không biết nguyên nhân nhiễm mặn gần đây là do đâu và cũng đã kiến nghị lên chính quyền, đề xuất phương án hỗ trợ người dân.

Được biết, năm 2002, trên địa bàn có Công ty Việt Mỹ thuê hàng trăm hecta đất để làm dự án nuôi tôm trên cát. Sau đó doanh nghiệp này đổ bể và bán lại cho Công ty TNHH Sao Đại Dương. Nước thải nuôi tôm của công ty được trữ tại một hồ lắng, theo mương Khe Làng của thôn rồi đổ ra biển nhưng không có đường ống nhựa hay mương cứng nên có khả năng nước nhiễm mặn vì lý do này.

Chủ tịch UBND xã Thạch Trị Nguyễn Công Hường cho biết: Xã đã nhận được phản ánh của người dân thôn Đại Tiến. Hàng năm, xã đều phối hợp với Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh lấy mẫu nước sinh hoạt của một số hộ dân ở các địa bàn khác nhau trong xã để quan trắc, kiểm định. Theo khảo sát có một cụm dân cư dọc đường 19/5 bị nhiễm mặn, phèn nhưng vẫn trong ngưỡng cho phép.

Theo ông Hường, về phương án giải quyết nguồn nước nhiễm mặn ở thôn Đại Tiến, chính quyền cũng như bà con nhân dân đã kiến nghị Công ty Sao Đại Dương và họ cũng đồng ý hỗ trợ kinh phí khoan nước giếng sâu hơn để lấy nước ngọt và mua bình nước lớn, quy mô đáp ứng cho khoảng 100 hộ. Thực tế có khoảng 22 hộ bị nhiễm mặn nhưng có hơn 40 hộ có nguyện vọng muốn sử dụng nguồn nước này. Việc khoan giếng đang được thực hiện, khả năng trong ít ngày nữa sẽ có nước cho người dân dùng.

Nói về nguyên nhân nước nhiễm mặn, ông Hường cho biết, chưa thể khẳng định được là có phải do Công ty Sao Đại Dương hay không. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố. Trước đây, Công ty Việt Mỹ có đào rất nhiều giếng công nghiệp để lấy nước nuôi tôm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty lấp lại, chúng tôi đang nghi ngờ nguồn nước nhiễm mặn là do đó mà ra. Cộng với tình trạng xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu vì Đại Tiến là vùng ven biển. Bão số 10 năm 2017, nước biển dâng cao, đây cũng có thể là yếu tố khiến nguồn nước ngầm nhiễm mặn.

Còn hệ thống xả thải của Công ty Sao Đại Dương, do lấy lại từ Công ty Việt Mỹ (năm 2001), trong báo cáo tác động môi trường thì hệ thống xả thải là mương cứng, nhưng kể cả Việt Mỹ và Sao Đại Dương đều chưa hoàn thiện được hệ thống mương cứng.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hạnh- Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương khẳng định: Về đường ống nhựa để dẫn nước thải ra biển thì không phải là vấn đề khó đối với Công ty vì chi phí rất ít. Nhưng hệ sinh thái, môi trường nước sau khi xả thải của Công ty đều đảm bảo các tiêu chuẩn của cơ quan chức năng, cá vẫn sống tốt ở môi trường đó nên không nhất thiết phải làm đường ống này. Còn mương cứng thì không nên làm vì ở đây là vùng đất cát, gần biển nên hệ thống mương cứng có thể bị cuốn đi bất cứ lúc nào và cũng không giải quyết được triệt để tình trạng nhiễm mặn nguồn nước ngầm ở thôn Đại Tiến.

“Tuy nhiên, Công ty cũng không phủ nhận một phần tác nhân là do mình và không đứng ngoài cuộc đối với vấn đề nước nhiễm mặn mà người dân thôn Đại Tiến đang gặp. Chúng tôi sẵn sàng bỏ kinh phí để hỗ trợ người dân còn phương án thì người dân tự lựa chọn”- bà Hạnh nói.

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/song-kho-vi-nguon-nuoc-o-nhiem-tintuc422526