Sông Hồng lại trong xanh lạ thường

Sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai nước có màu xanh trong lạ thường thay cho màu hồng thường thấy. Hiện tượng xảy ra vào cuối tháng 2, đầu năm 2021.

 Nước sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Nước sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Nước trong xanh lạ thường

Ghi nhận ở một số nơi sông Hồng chảy qua đoạn khu vực biên giới thuộc huyện Bát Xát tới Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, nước sông có màu trong xanh.

Tương tự, sông Hồng đoạn từ cầu Cốc Lếu tới cầu Giang Đông, thuộc địa phận thành phố Lào Cai, nước trong tới mức có thể nhìn thấy đá, sỏi ở độ sâu 0,5-1m.

Khu vực này, người dân trồng rất nhiều rau và hoa màu 2 bên bờ sông. Và nước sông Hồng là nguồn vô tận để họ tưới tiêu hằng ngày cho mảnh vườn. Vì vậy, bất kỳ sự thay đổi nào, dù nhỏ của con sông này, họ cũng dễ dàng nhận thấy nhất là khi màu sắc nước sông khác hẳn ngày thường.

"Chiều qua, vất vả lắm tôi mới múc nước từ dưới sông Hồng mang lên tưới. Tới hôm nay, nước sông đã lên khoảng 1m nên đỡ mất công hơn nhiều. Tuy nhiên, màu nước đúng là khác thường so với mọi hôm. Đã gọi là sông Hồng thì nước phải đỏ phù sa và đục", bà Lê Thị An cho biết.

Ở bờ bên kia, chiều qua, người trồng rau cũng phải xách can từ vườn ra ngoài mép bờ sông Hồng tới 3-4m để múc nước. Thế nhưng, chỉ sau một đêm nước lên cao hơn nhưng lạ nhất là nước đã đổi màu từ lúc nào.

"Tôi trồng rau ở đây nhiều năm nay nhưng chưa năm nào thấy ngày 28-29 Tết, nước sông lại dâng cao như thế, ngập cả vườn rau, gây ảnh hưởng kinh tế gia đình. Sau đó, nước lại rút nhưng hôm qua nước lại dâng lên và trong hơn. Theo phỏng đoán của chúng tôi, nước từ thượng nguồn phía Trung Quốc, do các nhà máy thủy điện của họ xả nước, nên nước dồn về và dâng lên như hôm nay", bà Nguyễn Thị Toán nói.

Hiện nay phía thượng nguồn sông Hồng ở Trung Quốc có 25 nhà máy thủy điện các loại nằm ở khu vực phụ lưu và dòng chính sông Hồng để phát điện. Và có những thời điểm các đập thủy điện xả nước khi lượng nước đã tích trữ đủ.

Người dân trồng rau bên bãi bồi sông Hồng dễ dàng nhận ra sự thay đổi của dòng sông. Ảnh: H.Đ

Lấy mẫu nước để phân tích

Liên quan vấn đề nước sông Hồng, ông Lưu Minh Hải - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, thời điểm này sông Hồng không xảy ra hiện tượng lũ bất thường.

Trước vấn đề màu sắc nước sông Hồng thay đổi đột ngột, ông Lưu Đức Cường - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Lào Cai) cho biết, cán bộ chi cục đã đi kiểm tra trực tiếp nước mặt và lấy mẫu để phân tích đánh giá các chỉ tiêu kim loại nặng cũng như các thành phần ô nhiễm hữu cơ... có đạt quy chuẩn cho phép hay không?

Khi có kết quả phân tích, ông Lưu Đức Cường sẽ thông tin cụ thể về các số liệu đo được.

Mặc dù, các bãi bồi 2 bên bờ sông Hồng đoạn qua thành phố Lào Cai được người dân tận dụng để trồng rau, hoa màu và sử dụng nước sông để tưới tiêu. Tuy nhiên, các diện tích canh tác của tỉnh Lào Cai để trồng lúa, ngô, khoai, sắn... sử dụng hệ thống tưới tiêu chủ yếu từ các con suối, không sử dụng nguồn nước từ sông Hồng. Các suối trên địa bàn phục vụ tưới tiêu được dẫn về cho bà con canh tác qua hệ thống kênh thủy lợi.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng 101 hồ, hơn 1.000 công trình thủy lợi phục vụ cho việc trồng trọt canh tác trong khi các diện tích canh tác này chủ yếu ở vùng cao nên việc bơm nước từ sông Hồng lên chưa được sử dụng.

Được biết, đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, nước sông Hồng có màu xanh trong lạ thường. Sông Hồng có tổng chiều dài 1.149 km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và chảy vào địa phận Việt Nam bắt đầu từ thôn Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai), chính giữa sông là điểm phân chia lãnh thổ hai nước. Đến thành phố Lào Cai, sông Hồng nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam.

Hải Đăng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/song-hong-lai-trong-xanh-la-thuong-d284565.html