Sông hồ ở Hà Nội đang ô nhiễm trầm trọng: Hệ lụy từ nước thải

Mới đây, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thông tin về tình trạng chất lượng nước tại các con sông đang diễn biến phức tạp, bị suy thoái nhiều nơi.

Trong 3 lưu vực sông có vấn đề nổi cộm nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường nước có sông Nhuệ - sông Đáy. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có biện pháp xử lý ô nhiễm kịp thời thì trong tương lai, nguồn nước các con sông này không thể sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt.

Vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã tồn tại nhiều năm, đặc biệt tại các đoạn sông chảy qua khu dân cư, các khu đô thị lớn, làng nghề. Theo kết quả phân tích của Sở TN&MT Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ - sông Đáy diễn biến nhanh và phức tạp.

Nước thải sinh hoạt, y tế và nước thải sản xuất của khu, cụm công nghiệp, làng nghề, chưa qua xử lý hoặc đã được xử lý nhưng không đạt quy chuẩn cho phép, đổ ra sông. Tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng trực tiếp vào dòng sông càng làm trầm trọng thêm mức độ ô nhiễm.

Ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, theo cơ chế tự làm sạch, chất lượng nước sông Nhuệ, sông Đáy sẽ được cải thiện khi được nước sông Hồng bổ cập thường xuyên ở thượng nguồn. Tuy nhiên, từ năm 2003, số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, mực nước sông Hồng thường xuyên duy trì ở mức thấp hơn so với yêu cầu của thiết kế (có thời điểm mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn 0,1m). Đặc biệt, vào mùa khô, chỉ khi có các đợt xả từ các hồ Thác Bà, Tuyên Quang, Hòa Bình, mới có thể duy trì mực nước trên 2m tại Hà Nội để đáp ứng yêu cầu mực nước tối thiểu.

Nhiều năm nay sông Đáy luôn trong tình trạng ô nhiễm.

Nhiều năm nay sông Đáy luôn trong tình trạng ô nhiễm.

Với mực nước đó, hệ thống thủy lợi sông Nhuệ không thể lấy nước từ sông Hồng qua Cống Liên Mạc bằng hình thức tự chảy theo nhu cầu. Có thời điểm, mực nước sông Hồng thấp hơn sông Nhuệ, nên phải thực hiện việc đóng cống để giữ nước trong sông Nhuệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong lưu vực. Do không được sông Hồng bổ cập nước thường xuyên và sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, nước thải sông Nhuệ bổ sung vào sông Đáy làm nguồn nước sông Nhuệ - sông Đáy thêm ô nhiễm.

Cũng theo ông Định, chất lượng nước sông Nhuệ tại cống Liên Mạc từ sông Hồng chảy vào tương đối tốt, song, đoạn đầu sông Nhuệ (từ cống Liên Mạc đến Hà Đông) phải tiếp nhận một số nguồn thải từ nước sinh hoạt và một số nguồn thải từ các làng nghề, nên chất lượng nước bị ô nhiễm khi hàm lượng các chất Nitrit, N - NH3 vượt quá quy chuẩn Việt Nam.

Khi sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu hợp lưu và đổ vào sông Nhuệ tại đập Thanh Liệt, sông Nhuệ phải tiếp nhận thêm một khối lượng lớn nước thải sinh hoạt, cũng như nước thải công nghiệp, làm cho hàm lượng các chất ô nhiễm tăng đột ngột. Đoạn sông từ đập Thanh Liệt trở đi, nước sông Nhuệ - sông Đáy ô nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của dân cư hai bên bờ sông.

Không chỉ sông Nhuệ - sông Đáy, nhiều sông, hồ khác của Hà Nội cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo ông Phan Hoàng Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, qua tiến hành lấy mẫu nước phân tích mức độ ô nhiễm, công ty xác định hiện có khoảng hơn 100 hồ nước ô nhiễm trên địa bàn Thủ đô cần phải xử lý.

Kết quả khảo sát tại các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và 13 hồ trên địa bàn Hà Nội cho thấy tất cả các sông, hồ trên đều bị nhiễm dầu mỡ chủ yếu có nguồn gốc từ động, thực vật. Tổng lượng mỡ trong sông, hồ từ 0,5 đến 2,5mg/lít, cao hơn tiêu chuẩn quốc gia về nước mặt là 0,5mg/lít.

Công ty Thoát nước Hà Nội đã thực hiện hàng loạt các giải pháp như lắp đặt bè thủy sinh trên 39 hồ; máy sục khí trên 22 hồ để tăng cường khả năng tự làm sạch. Bên cạnh đó, để xử lý ô nhiễm hồ Hà Nội, Công ty Thoát nước còn ứng dụng công nghệ Redoxy-3C làm sạch nước hồ trên địa bàn. Sau xử lý, bước đầu cho thấy nước các hồ đã hết hẳn mùi khó chịu, không còn tình trạng ô nhiễm hữu cơ và đã hạn chế một cách hiệu quả tình trạng phú dưỡng. Công nghệ được áp dụng vào xử lý hồ về cơ bản không ảnh hưởng đến những thành phần thuộc hệ sinh thái thủy sinh như tảo, động vật phù du...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây mới giải quyết được phần “ngọn” bởi nguồn nước ở Hà Nội ô nhiễm trầm trọng do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt là ô nhiễm do dầu, mỡ động thực vật thải trực tiếp ra hồ từ các quán hàng ăn uống, khách sạn, cửa hàng xăng dầu, khu chế biến, lò mổ, khu dân cư... Dầu mỡ là loại tạp chất rất nguy hiểm và khó xử lý.

Với tính chất không hòa tan trong nước, bám dính cao, nếu không có sự kiểm soát triệt để tại chỗ, mỡ sẽ bị quấn lại với nhau, tạo thành các mảng lớn bám bề mặt hoặc treo bên trong cống. Càng lâu, mỡ sẽ tích tụ và làm tắc nghẽn đường ống thoát nước. Trường hợp mỡ không được xử lý thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thống kê sơ bộ của Công ty Thoát nước cho thấy, trong khu vực nội thành hiện có khoảng 360 nhà hàng, quán ăn lớn xả thẳng nước thải có chứa nhiều dầu mỡ ra môi trường, trong đó nước thải tại 240 cơ sở có hiện tượng dầu mỡ đóng váng, kết tảng hoặc đặc quánh làm tắc nghẽn hệ thống cống thoát nước. Hàng trăm cửa hàng sửa chữa, rửa ô tô, xe máy không có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có nhưng không đạt yêu cầu đang xả thải ra môi trường.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông còn là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm các nguồn nước ngầm; đồng thời là tác nhân đe dọa trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt sản xuất và nhất là ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của hàng triệu người dân. Cụ thể, kết quả thống kê, đánh giá của Bộ Y tế và Bộ TN&MT công bố năm 2017 cho thấy, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Vấn đề đặt ra hiện nay đó là chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng đưa ra các phương án xử lý góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước của lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/song-ho-o-ha-noi-dang-o-nhiem-tram-trong-he-luy-tu-nuoc-thai-80607.html