Sống gửi, thác về... đâu?

Chỉ đến khi xảy ra vụ việc thất lạc tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2 (TP Hồ Chí Minh), thì câu chuyện nên xem lại việc gửi tro cốt lên chùa sao cho hợp lý, không biến chùa thành nghĩa địa cần được đặt ra.

Ngày nay, việc gửi tro cốt người đã khuất lên chùa đang trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, đây là một hoạt động không được quy định trong Phật pháp, không có trong giáo lý nhà Phật. Cũng như việc dâng sao giải hạn ở các chùa, việc gửi tro cốt lên chùa đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Nhưng chỉ đến khi xảy ra vụ việc thất lạc tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2 (TP Hồ Chí Minh), thì câu chuyện nên xem lại việc gửi tro cốt lên chùa sao cho hợp lý, không biến chùa thành nghĩa địa cần được đặt ra.

Phong tục hay sự lựa chọn?

Theo Hòa thượng Thích Huệ Thông - Phó Tổng Thư ký, kiêm Chánh Văn phòng 2, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có điều nào, chương nào quy định về vấn đề gửi tro cốt vào chùa.

Giáo hội cũng không chỉ đạo hay cấm đoán việc gửi tro cốt ở các chùa. Việc gửi tro cốt ở các chùa sẽ do quyền hạn của trụ trì chùa đó quyết định cho phù hợp với phong tục, tuyền thống của địa phương đó. Do đó hiện nay, mỗi chùa có phương án tiếp nhận tro cốt khác nhau. Có chùa tính phí việc gửi tro cốt, có chùa thì hoàn toàn miễn phí, hoặc có nơi quy định thời gian để tro cốt 15-20 năm, thậm chí là vĩnh viễn...

Chùa Kỳ Quang 2.

Chùa Kỳ Quang 2.

Việc quản lý, tiếp nhận tro cốt người đã khuất ở các chùa lâu nay chủ yếu mang tính chất lễ nghi, truyền thống đã có từ lâu đời. Việc này mang ý nghĩa tâm linh, an ủi linh hồn người đã khuất cũng như tạo sự an tâm cho người thân của họ. Đây là một truyền thống đẹp. Và mỗi chùa sẽ có nếp sinh hoạt và truyền thống riêng,

Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cho biết: Tuy trong Phật giáo không có văn bản quy định việc gửi tro cốt lên chùa nhưng đây là một phong tục có từ lâu, các nước theo đạo Phật trên thế giới đều có thực hiện hình thức này.

“Hỏa táng là một phong tục có nhiều mặt tích cực, vừa giữ được vệ sinh môi trường, vừa tránh việc khan hiếm quỹ đất trong bối cảnh hiện nay. Mấy chục năm nay, việc đưa tro cốt người quá cố lên chùa được thực hiện ở nhiều nơi và hàng trăm ngôi chùa trên cả nước đều thực hiện, để các vong linh được nghe lời kinh tiếng kệ, để bình an và siêu thoát. Đó là một nghi thức tốt đẹp. Hiện nay, xu hướng chôn cất hay cúng giỗ người quá cố thay đổi theo thời gian, cũng nên dần dần tránh việc địa táng rồi bốc mộ, vừa không giữ được vệ sinh môi trường, vừa gây tốn quỹ đất” - PGS. TS Nguyễn Hồng Dương bày tỏ quan điểm.

Còn TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, giống như nhiều quốc gia theo Phật giáo (dù cách thức thể hiện cụ thể có thể khác nhau), người Việt có hiện tượng đưa vong lên chùa như một hình thức để hương hồn người đã mất được nương nhờ cửa Phật.

Vong được đưa lên chùa gọi là các hương linh. Có thể có nhiều lý do khác nhau để gia đình đưa vong lên chùa như gia đình không có điều kiện chăm sóc, chết trong một hoàn cảnh đặc biệt như chết sớm, do bệnh tật, tai nạn... hay do chính mong muốn của người chết hoặc là vì nhiều lý do khác nữa. Điều này thể hiện sự coi trọng của người dân đối với đạo Phật; ngôi chùa vừa thiêng liêng cũng vừa gần gũi, gắn bó với các gia đình. Đạo Phật vì thế cũng dễ nhận được cảm tình của người dân hơn.

Cùng với việc các chùa được quan tâm xây dựng, tu bổ, tôn tạo nhiều hơn trong thời gian qua, đặc biệt là thông qua sự góp công sức của các cá nhân, hay việc hỏa táng cũng dần thay thế địa táng, việc gửi tro cốt, linh ảnh cũng trở nên phổ biến hơn.

Điều này mang lại nhiều lợi ích cho cả người thân và nhà chùa. Đối với người thân, họ có nơi yên tâm để gửi vong linh và có thể thường xuyên đến lễ chùa mỗi dịp có điều kiện. Vừa đi lễ chùa, vừa thăm viếng tổ tiên. Đối với các nhà chùa, đây là dịp để gắn kết với các gia đình, thể hiện sự quan tâm đến chúng sinh, cũng là có thêm người chăm lo cho hoạt động của nhà chùa. Sự gặp nhau của hai nhu cầu này khiến cho việc gửi hũ tro cốt và linh ảnh càng trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, cả hai đều đến với nhau bằng sự tự nguyện, theo thói quen truyền thống mà không có quy định ràng buộc nghĩa vụ nào, vì vậy, nếu như bất kỳ có sự việc nào xảy ra, như trường hợp chùa Kỳ Quang 2, thì cách giải quyết sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên, theo TS Bùi Hoài Sơn, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cần từ bỏ thói quen gửi tro cốt, linh ảnh lên chùa, mà chỉ là, chúng ta cần hiểu bản chất của sự việc, từ cả hai phía, gia đình và nhà chùa, để từ đó hình thành nên những quy định rõ ràng, tạo điều kiện cho việc thực hiện báo hiếu với người đã khuất, đồng thời cũng thể hiện được tinh thần từ bi, hỉ xả của nhà chùa đối với chúng sinh. Làm được như vậy, chúng ta sẽ tránh được những sự việc đáng tiếc như ở chùa Kỳ Quang 2 vừa qua.

Lên chùa không có nghĩa là siêu thoát

Việc thờ cúng và gửi tro cốt người đã mất lên chùa là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người. Mục đích có thể chỉ thỏa mãn về mặt tâm linh hoặc muốn cho linh hồn người thân được nghe kinh kệ và tu tập. Cũng có các gia đình gửi tro cốt người thân lên chùa vì muốn người thân đã mất được hưởng công đức tu tập của các chư tăng. Nhưng, gửi tro cốt người thân lên chùa có đúng với Phật giáo không? Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền khẳng định là “không” và nhà Phật không có giáo lý về phương pháp này.

Chùa Kỳ Quang 2.Ảnh: VTC news.

“Người đời cứ nghĩ sau 49 ngày thì có thể mang người thân quá cố lên chùa gửi là người thân có thể được an vui, thoát khỏi địa ngục. Đó là quan điểm sai lầm. Nếu ai cũng nghĩ như vậy thì chẳng phải khi sống cứ tạo vô số ác nghiệp rồi sau khi chết nhờ người thân mang mấy chục triệu và tro cốt lên chùa là được siêu thoát hay sao? Như vậy ai còn sợ nghiệp nữa? Thần phật nhận lễ rồi cho người ác thoát khỏi tam ác đạo thì đâu còn luật nhân quả nữa?

Theo đạo Phật, không ai có thể thay đổi được nhân quả. Theo đạo Phật thì khi phạm điều sai trái phải sám hối, tu thân tích đức, lập công quả thì mới có thể siêu độ. Bởi chính Đức Phật còn phải tu, phải chịu nghiệp”.

Tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi được biết đến cuốn sách “Người Phật tử cần biết” do Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành (PL: 2556 - DL: 2012). Theo đó, quan điểm này từ cách đây gần chục năm: “Ngày nay, đất hẹp người đông nên người ta thiêu xác, lấy tro bỏ vào hũ, đem gửi vào chùa làm mất ý nghĩa truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Theo chúng tôi thiết nghĩ, nhà chùa là nơi thanh tịnh, trang nghiêm để tu hành chứ không phải nghĩa địa, nhà mồ mà người tín đồ có thể đem sự bất tịnh vào đó, gây ảnh hưởng đến môi trường sống chung của chỗ tu hành”.

Tác giả nêu những cái hại của việc gửi tro cốt lên chùa gồm: Mê tín (nghĩ rằng để linh hồn người chết có thể nghe kinh và siêu thoát!); Thiếu vệ sinh môi trường đối với chùa; Tốn hao tiền bạc, phải cúng tế trong nhà chùa, thậm chí, có nhà chùa lợi dụng tro hài cốt kêu gọi đóng góp mọi thứ khi chùa cần xây dựng, làm từ thiện hoặc tổ chức cúng tế, lễ lộc...

Sống gửi, thác về đâu?

Theo đề xuất của một nhà sư (xin giấu tên) thì có nhiều cách để nhà chùa và phật tử có thể cùng chăm lo cho người đã mất. Theo đó, nhà chùa nên tổ chức một nghĩa địa cách xa thành phố, do phật tử tại chùa hùn nhau mua một khu đất, rồi tất cả thân nhân của các phật tử chùa đó qua đời đều được đem về chôn cất. Nhưng nhà chùa không được bán, không được lấy tiền dù ít dù nhiều của một người nào cả, vì đó là khu đất chung của phật tử, của chùa đó.

Hầm tro cốt tại chùa Kỳ Quang.

Cũng theo sư thầy này, nhân loại hiện nay có nhiều cách mai táng người chết như địa táng (chôn), hỏa táng (thiêu), thủy táng (thả sông, biển), lâm táng (bỏ xác vào rừng), không táng (treo lên cây)... Theo Phật giáo, mai táng người chết theo cách nào cũng đều được. Bởi lẽ, sau khi chết thần thức sẽ theo nghiệp tái sinh, đây mới là phần quan trọng, còn xác thân tứ đại thì tùy duyên an táng theo phong tục.

Ngày nay, nhiều gia đình chọn cách hỏa táng, sau đó đem tro cốt rải sông hoặc biển (hoặc rừng cây) là giải pháp rất văn minh, nhiều nước phát triển thực hiện như Hàn Quốc và các nước phương Tây, phù hợp với xu thế chung của xã hội hiện nay.

“Không còn quan trọng chuyện mồ to mả đẹp, nhiều gia đình chọn một khúc sông hay bờ biển (khu rừng) sạch sẽ, phong cảnh đẹp, kính cẩn bốc từng nắm tro cốt của người thân thả xuống. Trong khi rải tro cốt con cháu yên lặng, thành kính, nguyện cầu cho người thân được sinh về cõi lành. Khởi tâm quán tưởng thân tứ đại này vốn là cát bụi, nay trở về với cát bụi; ngày mai thân của mình cũng trở về với cát bụi. Sau đó gia đình thực hiện cúng giỗ như phong tục từng nơi.

Quan trọng là, người sống cần chăm làm các điều phúc thiện trong khả năng có thể để hồi hướng phúc đức cho người thân. Có thể cúng dường, bố thí, tụng kinh, niệm Phật, giữ giới... rồi đem phúc đức ấy hồi hướng cho người đã mất. Như vậy, dù người đã mất tái sinh bất cứ nơi đâu, những phước đức mà người sống đã làm đem hồi hướng họ đều nhận được và họ trở nên tốt hơn trong cảnh giới hiện đang tái sinh” - sư thầy cho biết.

Đạo Phật quan niệm sống gửi, thác về, con người sinh ra từ cát bụi, khi qua đời cũng trở về cát bụi. Việc an táng có thể tùy theo phong tục từng địa phương, thực hiện sao cho đơn giản, văn minh, phù hợp với quy định của pháp luật. Việc đặt nặng chuyện gửi tro cốt lên chùa như hiện nay ở một số thành phố lớn đã và đang tạo áp lực về nơi lưu giữ cho các chùa, vừa không phù hợp với đạo Phật.

Hà An

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/song-gui-thac-ve-dau-610882/