Sống giữa Thành phố thanh bình

Ông nội tôi từng một thuở là số ít người trong làng mạnh bạo thoát khỏi những bó buộc của rặng tre làng để tìm ra đất Hà thành phồn hoa. Ông bảo, Hà Nội trong ký ức của ông là những chuyến tàu điện leng keng mỗi sáng, tiếng rao khàn đêm đêm. Đường phố khi ấy vẫn đỏ quạch ánh đèn, tối tăm ngõ xóm.

Mãi đến khi ông trở về quê, bao quanh 5 cửa ô vẫn là những vùng đồng lầy, ao hồ, đầm bãi, những bãi hoang thưa vắng bóng người... Vậy mà, như một cuộc “hóa thân”, như một phép lạ, mọi thứ nay khác hẳn. Hà Nội nay vươn mình trẻ trung và căng tràn sức sống.

Một góc Hà Nội đang phát triển nhộn nhịp

Một góc Hà Nội đang phát triển nhộn nhịp

Đổi thay nơi ngoại thành...

Cách đây ít năm, đoạn sông Đáy chảy qua địa bàn các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức có chiều dài vài chục cây số nhưng lại tồn tại tới hơn 20 chiếc cầu phao. Những cây cầu phao này chỉ có thể phục vụ những người đi bộ, đi xe đạp hoặc xe máy, đáp ứng nhu cầu thông thương chính của nhân dân hai bờ sông Đáy. Khi ấy, dẫn tôi thăm cầu, một cán bộ xã thuộc huyện Mỹ Đức khi ấy nhìn tôi rồi buông tiếng thở dài.

Vì sao ư? Bởi kinh tế xã khó, huyện khó, biết người dân quê mình gặp khó, nguy cơ xảy ra tai nạn luôn rình rập mà chẳng thể nào xử lý được dứt điểm. Người cán bộ xã bảo, với kết cấu thiếu chắc chắn, mỗi khi có phương tiện qua lại, cầu tròng trành, nghiêng ngả.

Về mùa cạn, nước sông không chảy xiết nhưng đường dẫn đầu cầu lại có độ dốc lớn, mặt đường nhỏ nên rất nguy hiểm khi lên, xuống cầu để qua sông. Mùa mưa bão, mực nước sông dâng cao, tốc độ dòng chảy lớn, trong khi cầu phao thường có sức chịu tải yếu, người và phương tiện mỗi khi qua cầu gây rung lắc mạnh, có thể sập hoặc đứt dây neo bất cứ lúc nào.

Mọi chuyện nay đã khác. Cũng ở bên bờ sông Đáy, mới đây thôi tôi đã chung vui với người dân xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Ðức) và xã Cao Thành (huyện Ứng Hòa) khi cây cầu Mỹ Hòa khánh thành. Trên dòng sông Đáy, sẽ không còn cảnh cả đoàn người và phương tiện phải nín thở mỗi khi qua lại trên chiếc cầu phao bằng gỗ chòng chành.

Nếu đi khám, chữa bệnh cũng phải đi đường vòng xa gấp đôi, gấp ba lần mới có thể sang được Bệnh viện Đa khoa Vân Ðình. Người trong vùng hồ hởi, vui sướng bởi nhờ “nhịp cầu nối những bờ vui” này, từ một địa bàn gần như bị cô lập, thời gian tới, kinh tế - xã hội của xã, của huyện sẽ đổi thay nhanh chóng.

Sự đổi thay sẽ càng dễ thấy rõ nét nếu ai đã từng lên những “vùng xa” của Hà Nội. Tôi đã từng đi qua 7 xã miền núi thuộc huyện Ba Vì, nơi sinh sống của ba dân tộc Kinh, Dao, Mường. Chỉ hơn 10 năm về trước, ở những vùng này vẫn còn những cung đường đất lởm chởm khúc khuỷu.

Những ngôi nhà tạm bợ, những cánh đồng xơ xác mất mùa triền miên, cuộc sống của người dân khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhưng giờ đây, thay vào khung cảnh đó là những con đường được trải nhựa rộng rãi, những ngôi nhà kiên cố mọc xen kẽ màu xanh bát ngát của rừng bương, bãi sắn, đồi chè…

Đến Khánh Thượng - xã miền núi, nơi được xem là vùng sâu vùng xa nhất, có địa bàn giáp ranh với 2 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, thời điểm này vẫn đẹp và vẫn hoang sơ. Với cảnh quan thiên nhiên nếu có đơn vị nào mở tour, tin chắc khách du lịch sẽ mê mẩn. Quý người và cũng hợp chuyện nên sau những cái xiết tay thật chặt, tôi và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khánh Thượng Nguyễn Chí Thủy cứ rôm rả mãi với đủ chuyện.

Nhắc chuyện địa phương đang từng ngày thay da đổi thịt, anh bảo nhiều khi bản thân anh cũng ngỡ ngàng về tốc độ đổi thay của địa phương mình. Giàu có, người dân thu nhập cao mặc dù vẫn còn trên chặng đường phấn đấu dài hơi, nhưng nếu công bằng so sánh thời điểm hiện tại với nhiều năm về trước thì diện mạo nơi đây đã khác hẳn. Minh chứng dễ thấy là, trước đây, thời điểm chưa mở rộng địa chính Hà Nội, đường chính còn lổn nhổn dính đất, bây giờ đã có đường bê tông tới tận thôn, dân trí mở mang…

Đề cập đến những đổi thay từ trong gian khó, ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì bảo, nhờ chính sách hỗ trợ của Thành phố, mấy năm gần đây, cơ sở hạ tầng của xã bước đầu được nâng cấp với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Hơn 90% hệ thống đường sá đã được cứng hóa, hệ thống thủy lợi được đầu tư, trường học được xây dựng khang trang, trạm y tế đạt chuẩn.

Người dân nơi đây không chỉ phát triển sản xuất mà còn có nghề phụ đem lại thu nhập ổn định. Điển hình như thôn Yên Sơn có 140/240 gia đình có nghề thuốc Nam. Đồng bào Dao ở Ba Vì đang nỗ lực bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh.

Đó là cuộc chuyển mình ở những dải đất xa xôi. Một hướng đi khác cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế gần hơn với Thủ đô là xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ. Vân Hà trước kia vốn là vùng đất bãi ven đê sông Hồng, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đa số người dân bãi chỉ chuyên trồng rau màu, cây ăn quả quy mô nhỏ, thu nhập không cao.

Năm 2004, nhận thấy việc trồng bưởi hợp với thổ nhưỡng, dễ chăm sóc, nhiều gia đình nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi. Đáng mừng là, năm 2007 chính quyền xã Vân Hà thống nhất mở rộng quy mô sản xuất và nhân rộng diện tích. Năm 2010, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, ở Vân Hà đã diễn ra phong trào cải tạo ruộng vườn thay thế những khu vườn tạp bằng chuyên canh bưởi. Hiện, bưởi trở thành cây trồng chủ đạo, làm giàu cho nông dân và tạo diện mạo mới cho địa phương.

Nội thành phát triển

Xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, không thể phủ nhận công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, nhất là công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị đã được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, một số lĩnh vực có chuyển biến rõ rệt.

Theo Kiến trúc sư Đỗ Minh Quang, ở Hà Nội giao thông phát triển và nhà ở là những minh chứng dễ thấy nhất khi nhìn về những thay đổi diện mạo. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như Văn Quán, Mỹ Ðình, Mỗ Lao, An Khánh ở phía Tây.

Các khu đô thị Việt Hưng, Vinhome Riverside… ở phía Đông. Khu Linh Ðàm, Gamuda ở phía Nam. Còn ở vùng đô thị phía Bắc, bằng các dự án Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm, thành phố thông minh ASEAN... Các công trình phát triển đồng đều. Hạ tầng giao thông được chú trọng mở mang, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tăng cao.

Những con đường xuyên tâm, những cây cầu, tuyến phố được nâng cấp, mở rộng không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô, mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố cả nước. Công tác quản lý đô thị được các cấp chính quyền đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, đã từng bước hình thành các điều kiện xây dựng dữ liệu lớn và thành phố thông minh.

Đi trên con đường mới của Hà Nội dễ gặp những cảm xúc đan xen khó tả. Đó là niềm vui khi cuộc sống của người dân được nâng lên từng ngày.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/song-giua-thanh-pho-thanh-binh-94126.html