Sống giữa rừng sốt rét

Sau gần nửa ngày chiếc xe chuyên dụng đi rừng phải 'rên' hừ hừ luồn lách đường tuần tra biên giới trơn nhẫy xuyên vùng lõi Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), trước mắt chúng tôi hiện ra 3 dãy nhà gỗ lợp tôn lụp xụp.

Quân y sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng khám bệnh cho chiến sĩ nghi bị sốt rét - Ảnh: Mai Thanh Hải

“Đây là Đồn biên phòng Đắk Bô xa xôi khó khăn nhất cả nước, nằm ở vùng rừng được ví như xứ sở của sốt rét”, đại úy Bế Trung Hà, cán bộ Phòng Chính trị - Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BP) Bình Phước, bảo như vậy.

Sơ ý là mắc bệnh

Thượng tá Trần Văn Tưởng, Đồn trưởng Đồn BP Đắk Bô, đón khách với dáng vẻ người đang... nằm viện. Gò má hốc hác, da xanh nhợt, mắt quầng thâm, thượng tá Tưởng run run: “Tôi đang kỳ sốt rét. Các đồng chí trong ban chỉ huy đồn đi vắng hết nên phải ra tiếp anh”, và giao hẹn: “Khi nào lên cơn sốt tôi phải vào nằm, sẽ có các đội trưởng tiếp tục nói chuyện”. Y như rằng, trong bữa cơm chiều, chưa ăn hết bát cơm thì anh Tưởng bỏ bát, lần vách gỗ vào phòng đắp chăn, chiếc giường rung lên bần bật.

Ái ngại nhìn theo, binh nhất Trần Ngọc Bảo (20 tuổi, quê TT.Thanh Bình, Bù Đốp, Bình Phước) rành rẽ: Cơn sốt rét kéo dài từ 2 - 8 giờ, ngoài 3 giai đoạn rét run - sốt cao - vã mồ hôi thì không có cảm giác bị bệnh. Hôm trước, Bảo bị sốt rét “hỏi thăm” đúng lúc đang lao động, ngã bổ chửng, rung đùng đùng dù đang ôm bó củi trên tay. Có lúc rét quá, Bảo quấn chăn bông ra sân đồn giữa trưa ngồi phơi nắng khiến mấy cán bộ mới đến công tác tròn xoe mắt: “Điên à?”.

“Cả đồn đều mắc bệnh sốt rét, cứ 14 ngày là anh em lăn ra giường, giật đùng đùng. Có thời điểm 1/3 quân số nằm bẹp vì sốt”, đại úy Nguyễn Ngọc Hoàng, quân y sĩ của đồn, nói và cho biết thêm: “Đồn nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Bù Gia Mập, xung quanh cây cối nguyên sinh rậm rạp là nơi sinh sống của muỗi Anophen - tác nhân truyền nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Cứ chiều xuống là muỗi lao vào tấn công người, có nhiều chiến sĩ phòng tránh rất kỹ nhưng chỉ sơ ý ngồi xem bóng chuyền buổi chiều bị muỗi đốt là mắc bệnh...”.

Không chỉ sống chung với muỗi rừng, sức khỏe của bộ đội Đồn BP Đắk Bô cũng bị ảnh hưởng do dùng nguồn nước suối chảy qua các cánh rừng già, xuyên nhiều khu vực vốn là căn cứ của quân đội Mỹ trước năm 1973 mà giờ anh em đi tuần tra thi thoảng vẫn gặp những thùng phuy đựng chất bột nằm lập lờ bên mép nước. Một cán bộ của đồn kể vậy và lắc đầu: “Rừng thiêng nước độc, anh em còn mắc rất nhiều bệnh khác như hô hấp, rối loạn tiêu hóa...”.

Ốm đau bệnh tật nhiều nên ở đồn quân y sĩ được quý hơn vàng. Thời điểm trước, đồn được biên chế 2 quân y nhưng giờ 1 người nghỉ hưu sớm, nên chỉ còn đại úy Hoàng lo lắng cho cán bộ chiến sĩ và cả nhân viên kiểm lâm trong vùng lõi vườn quốc gia. Những khi quân y buộc phải đi học, họp hành, nghỉ phép thì Ban Chỉ huy Bộ đội BP tỉnh phải tăng cường y bác sĩ cho đồn, đảm bảo luôn có người khám chữa bệnh. “Chỉ việc cấp thuốc, truyền nước cho bộ đội - kiểm lâm cũng hết ngày”, đại úy Hoàng chia sẻ.

Sống giữa rừng sốt rét vậy, nên trong ba lô của mỗi cán bộ chiến sĩ khi nào cũng phải có vài liều thuốc đặc trị sốt rét dùng khi đi tuần tra, công tác, thậm chí nghỉ phép. Có lần mấy công nhân vào xây dựng công trình cho đồn, xong về lại quê Nghệ An, bị sốt rét mà y tế xã không chẩn đoán được, đành gọi điện vào đồn hỏi. Khi biết nguyên nhân và cách điều trị, các công nhân này bỏ luôn công trình, không dám vào lại...

Các chiến sĩ trẻ của Đồn biên phòng Đắk Bô (H.Bù Gia Mập, Bình Phước)

“Độc chiêu” tránh côn trùng

Cuối tháng 7.2004, Đồn BP Đắk Bô được thành lập và nằm ở cuối đường tuần tra biên giới ngang qua Bình Phước, cách địa phận với tỉnh Đắk Nông gần 5 km, cách trung tâm xã Đắk Ơ (H.Bù Gia Mập, Bình Phước) 60 km đường rừng núi hiểm trở, thú dữ nhiều và đặc biệt là không có dân trong địa bàn quản lý. Khu doanh trại gồm những dãy nhà vách gỗ, nền đất, mái tôn dựng cách đây 13 năm thường xuyên phải sửa đi chữa lại để tránh mưa nắng cho bộ đội. Những người ở đồn bảo nhau “độc chiêu” tránh côn trùng: Trước khi đi ngủ phải giũ chăn chiếu, soi gầm giường; không thò chân ngay vào giày dép khi chưa kiểm tra; giày tất nên... có mùi hôi để tránh rắn rết, bọ cạp, côn trùng.

Tò mò hỏi chuyện chăn nuôi, thiếu úy Điểu Tâm (người dân tộc Stiêng) rành rọt: “Năm 2016 nuôi được 100 con gà, 10 con bò, 18 con heo, 14 bồ câu. Giờ vẫn còn 100 gà, bò còn 8 con, heo đẻ thêm lên thành 30, còn bồ câu thì bay đi hết”, và giải thích: “Nuôi trồng khó lắm vì sương giá, đất bạc màu. Heo, gà hay bỏ vào rừng, tìm mãi không thấy”. Không dân, lại xa chợ gần 60 km đường rừng nên mọi mua bán lương thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt trông chờ vào chiếc xe thồ hàng từ mãi Đắk Ơ, đều đặn 2 ngày/lần. Có thời điểm, việc tiếp tế và chuyển thư báo phải thực hiện từ phía Đắk Nông.

Kể chuyện giao thông, thượng úy Trần Văn Trung, Đội trưởng trinh sát, nói: “Các xe máy đều mua thêm 1 bộ bơm vá sửa chữa để tự xử lý. Mùa mưa đi đâu cũng mang theo xích. Chạy xe máy dọc đường tuần tra biên giới ra trung tâm, gặp rắn hổ chúa nặng hàng chục ký, dài vài mét nằm vắt ngang đường phơi nắng, phải lấy đá ném xua đuổi”.

Xe tiếp tế thực phẩm cho đồn

Ước mơ ánh sáng

Đồn trưởng Trần Văn Tưởng vò đầu: “Không nhà xây, không dân, không nước sạch... cũng quen. Nhưng thiếu điện thì chịu”, và bấm ngón tay liệt kê các nhu cầu tối thiểu: thắp sáng; chạy máy tính in ấn làm công văn giấy tờ; ti vi cho bộ đội xem như quy định; bơm nước tưới rau... 13 năm nay, đồn lạch tạch máy phát điện chạy dầu từ 7 - 22 giờ. Lúc xui xẻo máy hỏng, dầu hết thì mọi công việc diễn ra lúc trời còn sáng. Năm 2010, Chi đoàn Sở KH-CN TP.HCM tặng cho đồn hệ thống năng lượng mặt trời nhưng vài năm bị hỏng, lại quay về máy phát diezen.

Ở Đồn BP Đắk Bô có nhiều chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tất cả đều 19 - 20 tuổi, quê ở thôn xóm đồng bằng, thị xã, thị trấn trong tỉnh Bình Phước đủ đầy mọi nhu cầu tối thiểu nhất cho con người. Thế nhưng, hơn 1 năm đóng quân giữa rừng Bù Gia Mập muôn vàn khốn khó, họ vẫn luôn lạc quan, thậm chí còn giấu gian khổ vì sợ người thân thương xót. Khi chúng tôi hỏi cần gì, nhóm lính trẻ thốt lên “điện cho sáng cái đầu” và tếu táo: “Vài cô gái lên chơi, cho đỡ quên vòng eo con gái”. Chỉ đơn giản vậy thôi!

Năm 2004, đại tướng Phạm Văn Trà, khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, giao Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng đường tuần tra biên giới ở khu vực Bình Phước, để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép sang xây dựng trại tị nạn bên đất Campuchia và lực lượng phản động xâm nhập từ Campuchia sang Tây nguyên kích động bạo loạn chính trị... Ngay lập tức chúng tôi huy động lực lượng xây dựng.

Thiếu tướng Hoàng Kiền (nguyên Tư lệnh Binh chủng công binh)

Mai Thanh Hải

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/song-giua-rung-sot-ret-853502.html