Sóng gió trong quan hệ đồng minh

Mối quan hệ giữa Mỹ và A-rập Xê-út 'nổi sóng' sau khi chính quyền của Tổng thống G.Bai-đơn 'gọi đích danh' Thái tử A-rập Xê-út Bin Xan-man là người chấp thuận việc sát hại nhà báo Kha-sốc-ghi hồi năm 2018, đồng thời đưa một loạt quan chức A-rập Xê-út vào danh sách trừng phạt. Ðộng thái của Mỹ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía A-rập Xê-út, gây hoài nghi về sự hợp tác giữa hai đồng minh trong giải quyết nhiều vấn đề ở khu vực.

Mối quan hệ giữa Mỹ và A-rập Xê-út “nổi sóng” sau khi chính quyền của Tổng thống G.Bai-đơn “gọi đích danh” Thái tử A-rập Xê-út Bin Xan-man là người chấp thuận việc sát hại nhà báo Kha-sốc-ghi hồi năm 2018, đồng thời đưa một loạt quan chức A-rập Xê-út vào danh sách trừng phạt. Ðộng thái của Mỹ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía A-rập Xê-út, gây hoài nghi về sự hợp tác giữa hai đồng minh trong giải quyết nhiều vấn đề ở khu vực.

Vụ nhà báo người A-rập Xê-út có quan điểm đối lập Kha-sốc-ghi, một cộng tác viên của tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn (Mỹ), bị giết hại trong Lãnh sự quán A-rập Xê-út ở I-xtan-bun, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018, tưởng đã được khép lại, song lại bị khuấy lên sau khi Mỹ công bố báo cáo tình báo giải mật. Báo cáo này chỉ ra rằng, chính Thái tử Bin Xan-man của A-rập Xê-út đã chấp thuận việc sát hại nhà báo G.Kha-sốc-ghi. Tình báo Mỹ kết luận, từ năm 2017, Thái tử Bin Xan-man đã hoàn toàn kiểm soát các hoạt động tình báo và an ninh tại vương quốc này, khiến có rất ít khả năng giới chức A-rập Xê-út thực hiện một hoạt động như vậy mà không có sự cho phép của Thái tử. Báo cáo của Mỹ còn liệt kê một nhóm 15 thành viên người A-rập Xê-út đã tới I-xtan-bun và cho rằng “nhiều khả năng” họ đã tham gia vụ sát hại, mặc dù lưu ý rằng không rõ liệu những người đó có biết hoạt động này sẽ dẫn tới cái chết của ông Kha-sốc-ghi hay không.

Bất chấp mối quan hệ đồng minh chiến lược lâu năm, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã ngay lập tức thông báo lệnh cấm nhập cảnh đối với 76 người A-rập Xê-út. Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt hàng loạt quan chức A-rập Xê-út, trong đó có A-xi-ri, cựu Phó Chủ tịch Tổng cục Tình báo và Lực lượng can thiệp nhanh (RIF) của nước này. Những người bị đưa vào “danh sách đen” sẽ bị đóng băng tài khoản ở Mỹ và không được tiến hành các giao dịch, buôn bán trên đất Mỹ. Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, A-xi-ri là “kẻ cầm đầu” vụ sát hại nhà báo Kha-sốc-ghi với sự giúp sức của một số thành viên RIF. Người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ G.Y-ê-len cho biết, những đối tượng liên quan vụ giết hại dã man nhà báo Kha-sốc-ghi phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Mỹ bảo vệ nền tảng của một xã hội tự do và chống lại mọi mối đe dọa bạo lực hay uy hiếp.

Những động thái bất ngờ của Mỹ đã gặp ngay “mưa chỉ trích” từ phía A-rập Xê-út. Ri-i-át ngay lập tức ra tuyên bố hoàn toàn bác bỏ báo cáo của Mỹ. Bộ Ngoại giao A-rập Xê-út nêu rõ việc Mỹ đã đưa ra đánh giá tiêu cực, sai lầm và không thể chấp nhận được liên quan lãnh đạo của vương quốc này, đồng thời lưu ý rằng báo cáo tình báo của Mỹ chứa đựng những kết luận và thông tin không đúng. Một số quốc gia cũng là đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh, trong đó có Ba-ren, Cô-oét, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) ra tuyên bố ủng hộ lập trường của A-rập Xê-út trong vụ này và cho rằng Mỹ không thể đưa ra các phán quyết liên quan vụ việc.

Là quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, A-rập Xê-út trở thành một khách hàng lớn quan trọng của Mỹ. Công ty Công nghiệp quân sự A-rập Xê-út (SAMI) mới đây ký thỏa thuận thành lập liên doanh với Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) nhằm tăng cường năng lực quốc phòng cho quốc gia vùng Vịnh. Lockheed Martin cũng đang tham gia dự án lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 15 tỷ USD ở A-rập Xê-út. Ðây là một phần của thương vụ cung cấp vũ khí trị giá 110 tỷ USD mà chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đã đàm phán với Ri-i-át hồi năm 2017. Hơn thế, A-rập Xê-út còn là đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Ðông, là đối tác quan trọng giúp Mỹ đối phó với I-ran và duy trì vị thế của Oa-sinh-tơn ở khu vực. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã “dội gáo nước lạnh” vào quan hệ đồng minh khi ông tuyên bố chấm dứt sự hỗ trợ của Oa-sinh-tơn đối với các hoạt động tiến công quân sự do A-rập Xê-út dẫn đầu ở Y-ê-men, trong đó dừng bán vũ khí cho chính quyền Ri-i-át sử dụng trong cuộc chiến ở quốc gia trên bán đảo A-rập.

Mặc dù chính quyền Mỹ vẫn cam kết bảo đảm “chiếc ô an ninh” cho các nước vùng Vịnh, tiếp tục hợp tác nhằm duy trì sự ổn định và ngăn chặn các mối đe dọa an ninh đối với A-rập Xê-út, song những động thái mới đây đặt quan hệ đồng minh vào thế chông chênh. Theo một số nguồn tin, Oa-sinh-tơn đang cân nhắc hủy bỏ các thỏa thuận vũ khí với A-rập Xê-út, đồng thời hạn chế các thương vụ quốc phòng trong tương lai đối với những vũ khí mang tính phòng thủ. Những diễn biến “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong quan hệ đồng minh làm dấy lên không ít hoài nghi về khả năng chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn đang đánh giá lại quan hệ với A-rập Xê-út.

Mỹ Vân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/song-gio-trong-quan-he-dong-minh-637040/