Sóng gió Thổ- EU sắp đương đầu phép thử 'khắc nghiệt'

Tương lai của mối quan hệ căng thẳng giữa EU và Ankara sẽ được thử nghiệm trong cuộc trưng cầu dân ý Thổ Nhĩ Kỳ ngày chủ nhật này.

Tương lai của mối quan hệ căng thẳng giữa EU và Ankara sẽ được thử nghiệm trong cuộc trưng cầu dân ý cải cách Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ ngày chủ nhật này khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi các cử tri ủng hộ ông còn lực lượng phản đối nói rằng những cải cách mới sẽ dẫn tới chế độ độc tài.

Quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) là một vấn đề quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ - từ lâu đã theo đuổi tư cách thành viên EU nhưng vẫn chưa thành công. Trong khi đó, ông Erdogan gần đây đã chỉ trích mạnh mẽ các thành viên của khối do từ chối cho các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vận động cho cuộc trưng cầu tại các quốc gia châu Âu.

Rạn nứt nghiêm trọng

Ông Erdogan nói: Châu Âu " ... không còn là trung tâm của dân chủ, nhân quyền và tự do nữa mà là nơi đàn áp, bạo lực và chủ nghĩa phát xít".

Và tiến trình trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ trở lại bàn thảo luận ngay sau cuộc trưng cầu dân ý, ông Erdogan ngày 9/4 cho biết.

Cuộc trưng cầu dân ý không chỉ ảnh hưởng đến chính trường Ankara mà còn đe dọa mối quan hệ Thổ - EU. (Nguồn: AFP)

Các nhà phân tích nói rằng lời những tuyên bố của ông Erdogan nhằm thu hút những người theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, những người có quyền biểu quyết trong cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ nhật. Nhiều người đang hi vọng rằng ông Erdogan sẽ trở lại hòa hợp với châu Âu khi căng thẳng lắng xuống, tuy nhiên, cho tới thời điểm này, tình hình đang ngày càng xấu đi.

Jean Marcou, giáo sư tại trường đại học Sciences Po ở Grenoble, cho biết: "Quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ suôn sẻ, nhưng những động thái gần đây đánh dấu một mức thấp mới."

"Bạn thực sự không thể chắc chắn rằng mối quan hệ này sẽ còn tồn tại trong vài tháng tới", Marcou nói với AFP.

Những tuyên bố chỉ trích, ví von châu Âu giống như Đức quốc xã dường như là một sự khởi đầu mới của căng thẳng từ Ankara khi một số quốc gia thành viên EU hủy bỏ các hoạt động vận động cho cuộc trưng cầu dân ý của ông Erdogan tại châu Âu.

Marc Pierini, cựu đại sứ EU tại Ankara, nói: "Đó là một hành động xúc phạm đi quá xa do việc gợi lại vết thương đó là điều tồi tệ nhất đối với châu Âu."

Theo Pierini, hiện nay là một nhà phân tích của Viện Carnegie châu Âu ở Brussels, "họ (Thổ Nhĩ Kỳ) thực sự đã đốt cháy cây cầu (kết nối) khi nói đến quan hệ cá nhân."

Trước đó, ông Erdogan đã chỉ trích các nhà lãnh đạo EU, bao gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel với cáo buộc hành động như “phát xít” vì đã ngăn các cuộc vận động trưng cầu dân ý trong cộng đồng người Thổ tại các nước này.

Sự gắn kết quan trọng

Dù vậy, ngay cả khi Ankara mở cánh cửa hướng tới Moscow, các nhà phân tích cho biết, EU và Thổ Nhĩ Kỳ - có vị trí địa chiến lược quan trọng - vẫn có nhiều lợi ích chung như những đối tác thương mại và đầu tư lớn.

Hiện tại, Ankara là một đồng minh quan trọng của NATO – trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU đang cố gắng đối mặt với một nước Nga quyết đoán hơn và viễn cảnh không có nước Anh, cho đến nay là thành viên quân sự hùng mạnh nhất của khối.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng cung cấp nơi tị nạn an toàn cho gần ba triệu người tị nạn Syria và đang thực hiện một thỏa thuận từ tháng 3/ 2016 nhằm giảm số lượng di dân nhập cư vào EU.

Mặc dù đã đe dọa hủy bỏ quan hệ với EU, "Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lợi ích riêng trong việc duy trì hiệp định trên", Marcou nói, viện trợ của EU là 3tỷ euro/ năm gắn liền với việc thực hiện thỏa thuận.

Pierini cũng ghi nhận những ràng buộc kinh tế rộng lớn với hai bên. "Yếu tố kinh tế của mối quan hệ này là rất đáng kể."

Hệ lụy nghiệm trọng

Trong bối cảnh hiện nay, rất khó để đánh giá về tầm quan trọng của cuộc trưng cầu dân ý đối với cả hai bên, EU và Thổ Nhĩ Kỳ, trong quan hệ song phương.

Nếu ông Erdogan giành thắng lợi lớn, một mức thấp mới trong quan hệ EU – Thổ có lẽ sẽ khó tránh khỏi.

“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có một hệ thống chính trị tập trung và mâu thuẫn với chuẩn mực chính trị châu Âu”, ông Pierini cho biết.

Hiện tại, có thể hi vọng vào những người bỏ phiếu “Không”, thậm chí là một tỉ lệ phiếu sít sao nghiêng về phe “Có”.

Kịch bản đáng trông chờ nhất là phe bỏ phiếu “không” sẽ giành thắng lợi hoặc phe bỏ phiếu “có” vẫn sẽ thắng nhưng với số phiếu sát sao – điều có thể khiến ông Erdogan xem xét lại lập trường của mình đối với châu Âu và cố gắng cải thiện mối quan hệ, Asli Aydintasbas, một chuyên gia của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu tại Brussels cho biết.

(Theo AFP)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/song-gio-tho-eu-sap-duong-dau-phep-thu-khac-nghiet-235209.html