Sóng gió cuộc đời của người đàn ông mang gương mặt 'quỷ'

Người ta thường bảo sinh ra ai cũng có cái miệng để được ăn, được nói nhưng hơn 50 năm qua, ông Đỗ Văn Luyện (Sinh năm 1957 ở xã Đồng Tiến, Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã bị tước đi cái quyền tối thiểu đấy. Gần 60 năm nay, ông bị gắn với cái tên 'người đàn ông mặt quỷ'.

Sợ cả... chính mình

Tôi tình cờ gặp ông Luyện khi ông đang lúi húi ở vỉa hè để sửa lại chiếc ba lô đã bạc màu đeo trên lưng. Bên trong chiếc ba lô chẳng có gì đáng giá, ngoài 2 bộ quần áo đã cũ, chiếc màn tuyn rách nát, mảnh áo mưa và một số đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Chiếc ba lô ấy đã theo lão hàng chục năm qua, đi khắp các tỉnh, thành hành khất để lo cho cuộc sống và có tiền trang trải sau mỗi lần nhập viện điều trị bệnh.

"Để cho dễ thở tôi phải đi xin đoạn ống ti ô của cánh thợ xây, sau đó nhét vào lỗ mũi. Nhiều khi cũng bất tiện lắm nhưng biết làm thế nào, cứ đi lang thang như thế này, thở không ra hơi, mệt lắm. Nhiều lúc tưởng như thiếu cả ôxy để thở " - ông Luyện dùng tay nhấc khối u cao lên khỏi mũi để nói với chúng tôi cho rõ chữ.

Việc khối u chảy sâu xuống hai bờ môi, khiến ông Luyện rất khó khăn trong khi ăn uống, hay nói cười, ngay cả thở cũng phì phò, khó nhọc. Mỗi lần ăn cơm hay uống nước ông đều phải vén khối u, nghiêng người, tay kia mới đưa được thức ăn, nước uống vào trong miệng.

Ông Đỗ Văn Luyện luôn tủi thân mỗi khi ra đường vì bị mọi người xa lánh và kỳ thị bởi khuôn mặt quỷ của mình.

Mấy chục năm, ông Luyện phải khổ sở đeo khối u trên khuôn mặt. Có những chiều ông mệt, đi đường vấp ngã mà chẳng dám nhờ ai nâng dậy. Bởi như lời ông nói, mọi người nhìn thấy ông đều sợ hãi, lánh xa. Họ cho rằng ông bị bệnh lạ, bị ma ám nên có gương mặt của "quỷ". Ông đi nhiều, bệnh tật liên miên nên người càng ngày càng tiều tụy, chỉ còn hơn 40kg.

Ông Luyện cười khó nhọc: "Ăn bao nhiêu cũng không béo lên được, bao nhiêu dinh dưỡng nuôi hết khối u rồi. Lúc nào cũng uể oải, như kiểu thiếu chất. Tôi còn bị viêm loét dạ dày, bụng đau âm ỉ cả ngày nhưng chẳng dám đi Viện hay mua thuốc để điều trị".

Và cũng có lẽ lâu lắm rồi, ông Luyện không soi gương, bởi chính ông còn sợ khi nhìn thấy mình. Thỉnh thoảng ông chỉ dám đưa tay lên xoa xoa vào mặt để kiểm tra khối u lớn đến cỡ nào.

Hiện nay ông Luyện hàng ngày đi lang thang ăn xin khắp xóm làng.

Khi 17 tuổi, vết chàm trên gương mặt ông Luyện bắt đầu nổi những nốt sần và sưng to dần. Khó khăn lắm, bố mẹ vẫn cố chạy vạy khắp nơi lấy tiền đưa ông đi chữa bệnh. Các bệnh viện, các thầy lang, cứ nghe đâu có thầy giỏi là đến, thế nhưng mỗi lần đến lại là một lần ra về trong vô vọng. Đơn giản vì bệnh chàm sùi này không có thuốc chữa đặc trị.

Khuôn mặt ông Luyện cứ biến dạng dần, hàng xóm láng giềng, thậm chí cả người thân cũng xa lánh. Biết ông bị bệnh quái ác, nhiều người thương nhưng cũng không ít kẻ dèm pha. Họ bảo do kiếp trước ăn ở ác nên giờ phải gánh hậu quả. Không thể sống nổi trước miệng lưỡi thế gian, năm 1987 ông Luyện quyết định lang thang khắp nơi để xin ăn sống qua ngày, lo tiền khám chữa bệnh.

Suốt 25 năm lang thang khắp chốn, ông không ít lần bị người ta xua đuổi, thậm chí còn đánh đập. Ông kể, nhiều hôm đi ăn xin, trẻ con nhìn thấy khóc thét vì hoảng sợ, khi đó ông lại nhanh nhanh chóng bỏ đi.

Đã nhiều lần ông hỏi thuê nhà nhưng vì mang khuôn mặt "quỷ" mà chẳng ai dám cho thuê.Vậy là mấy chục năm ông Luyện lấy trời làm màn, đất làm chiếu. Tối đến vỉa hè, góc chợ, gầm cầu, ông lại chải áo mưa làm chiếu, căng tạm chiếc màn cũ để chống muỗi rồi ngủ. Nhiều hôm trời mưa to gió lớn, chiếc màn mong manh chẳng đủ che chắn, toàn thân ướt sũng, lạnh run cầm cập cả đêm, ông lại ngồi ôm gối chờ trời sáng.

"Tôi chẳng dám vào nhà ai xin, chỉ đứng ngoài đường thôi. Nhiều người thông cảm, bố thí chỉ vài nghìn lẻ tôi lại chắt bóp, chẳng dám tiêu. Tôi lo đến khi tuổi già, khối u ngày một to hơn, tôi chắc không lang thang kiếm sống được như bây giờ " - nói dứt lời ông Luyện lại lặng lẽ đi về phía cổng chợ.

Mong một ngày làm người bình thường

Nhìn đứa con trai độc nhất của mình mang khuôn mặt "quỷ", bố mẹ ông Luyện đau lòng lắm. Bố mẹ ông cũng tìm mọi cách để mai mối nhưng không một cô gái nào dám đến gần ông. Gái làng thì đương nhiên không ai màng đến ông. Vì thế bố mẹ ông Luyện thường lọ mọ tìm đến những làng lân cận để "săn" vợ cho con.

Ông Đỗ Văn Luyện bên cạnh người vợ bị dị tật què quặt cả 2 chân của mình.

Khi biết ở đâu có phụ nữ bị liệt vào dạng "quá lứa lỡ thì" là bố mẹ ông Luyện lại tìm đến. Và cho dù khi gặp những cô gái như thế, ông bà đã làm công tác tư tưởng rằng con trai của họ có khuôn mặt không bình thường. Vậy mà dù được chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng những người phụ nữ ấy đều choáng váng khi mục sở thị khuôn mặt ông Luyện. Thật may mắn, cuộc đời vẫn mỉm cười với ông Luyện khi vào năm 1988, trong một lần đi ăn xin ở xã Đông Phương, Đông Hưng (Thái Bình) ông đã gặp bà Nguyễn Thị Chỉ, một người phụ nữ hai chân què quặt.

Biết được hoàn cảnh của bà Chỉ, ông Luyện đã đánh liều ngỏ lời muốn cưới bà về làm vợ. "Lúc đó tôi cũng chả có gì mà mất nên cứ hỏi đại vậy thôi. Được thì quá tốt rồi mà không được thì cũng chẳng sao. Vì từ nhỏ tới lớn tôi quen với việc bị người ta từ chối, xa lánh rồi. Thế mà ai ngờ bà ấy lại gật đầu cơ chứ. Lúc đó tôi cứ hỏi đi hỏi lại là có thật không thì bà ấy vẫn gật ” - ông Luyện tủm tỉm nhớ lại chuyện cũ.

Khi hai người quyết định sẽ về chung sống cùng nhau đều vấp phải sự phản đối kịch liệt của cả hai bên gia đình. Nhưng hai con người cả đời chưa một lần được biết thế nào là tình yêu trai gái đã bất chấp sự can ngăn của người thân để được ở cùng nhau.Tổ ấm của họ là ngôi nhà tranh vách đất xơ xác nhưng thấm đượm tình yêu thương.

"Có những lúc, khối u hành hạ khiến ông ấy đau nhức, mệt mỏi và phải nhập viện. Bác sỹ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ những chỗ chàm sùi, nhưng khi nghe chi phí tốn hàng trăm triệu đồng, thì ông ấy đành khăn gói trở về nhà, bởi số tiền đó vợ chồng tôi có nằm mơ cũng không có được ” - bà Chỉ vừa nói vừa nhìn sang chồng, giọng xót xa.

Khi được hỏi về ước mơ, ông Luyện nói mà như khóc: “Cuộc đời này tôi chỉ mong sao có một phép màu nào đó, để tôi được mang khuôn mặt của một con người, để tôi được thở bình thường, được một đêm ngủ ngon giấc, có thể bưng bát cơm ăn ngon lành như bao người khác…để không ai còn gọi tôi là ông lão "mặt quỷ" nữa. Thế cũng coi như mãn nguyện lắm rồi”.

Trần Toản

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nhip-cau-nhan-ai/song-gio-cuoc-doi-cua-nguoi-dan-ong-mang-guong-mat-quy-820435.html