Sóng dữ từ mạch ngầm

Sau những khoảnh khắc kỳ diệu và đầy mơ mộng, khu vực Đông Bắc Á trôi về những ngày cuối năm với hàng loạt biến động xuất phát từ những vấn đề không phải mới mẻ, song lại có tác động to lớn tới tình hình chính trị, an ninh của khu vực này.

Đã có lúc, người dân các quốc gia Đông Bắc Á sững sờ và rồi không giấu nổi sự hồ hởi, hy vọng trước những dấu hiệu tích cực đối với tình hình an ninh của khu vực. Đó là khi họ được chứng kiến các nhà lãnh đạo của Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc tay bắt mặt mừng, cùng nói về những viễn cảnh xa xỉ như phi hạt nhân hóa, hòa bình, ổn định và hợp tác.

Ấy vậy mà dông tố và sóng cả bất ngờ nổi lên giữa lúc người ta đang bay bổng với giấc mơ hòa bình trong buổi nắng vàng. Càng về cuối năm, những căng thẳng, phức tạp mới bắt đầu nảy sinh, len lỏi vào mọi ngõ ngách của Đông Bắc Á. Đầu tháng 8, chỉ riêng trong một ngày, khu vực này trải qua 3 biến động lớn dồn dập: Triều Tiên thử tên lửa, Nhật Bản-Hàn Quốc leo thang căng thẳng thương mại, Thủ tướng Nga thăm hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản.

Từ trái qua phải: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp gỡ tại DMZ, ngày 30-6. Ảnh: Yonhap

Từ trái qua phải: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp gỡ tại DMZ, ngày 30-6. Ảnh: Yonhap

Nhìn lại những trồi sụt thất thường ở Đông Bắc Á trong năm nay, trước hết phải nhắc tới vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vốn luôn là bóng đen ám ảnh tương lai hòa bình của khu vực cũng như thế giới trong suốt 5 thập niên qua. Đã có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội vào đầu năm, những lá thư riêng qua lại chứa đựng đầy mỹ từ của Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, đặc biệt là cuộc giáp mặt chớp nhoáng giữa hai người đàn ông đặc biệt này ngay tại biên giới liên Triều. Nhưng cũng chỉ trong nháy mắt, những gì mà người ta gọi là “lịch sử” đã bị che mờ bởi các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên, cùng với đó là tuyên bố bóng gió về việc có thể kết thúc đàm phán hạt nhân phát đi từ thủ đô Bình Nhưỡng, hệt như một màn ảo thuật đỉnh cao. Ngoại trừ ông Donald Trump và một số quan chức Mỹ, hầu hết những người dù lạc quan vẫn phải thừa nhận nỗ lực hòa bình gần như đã trở về vạch xuất phát, mục tiêu phi hạt nhân hóa đang trở nên xa vời. Nói đúng hơn, giải quyết vấn đề hạt nhân gai góc tồn tại nửa thế kỷ qua dường như là một kỳ vọng thái quá vào lúc này.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra lý do khiến Triều Tiên từ một nhà đàm phán thiện chí đã quay trở lại với chính sách "bên miệng hố chiến tranh" thông qua các vụ thử tên lửa và những tuyên bố sặc mùi hạt nhân. Có người cho rằng những lời hứa hẹn về kinh tế, hòa bình và ổn định mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra chưa đủ làm xiêu lòng Bình Nhưỡng, người khác thì phỏng đoán Triều Tiên đã tìm thấy cánh cửa mở ra từ vết nứt trong liên minh quân sự chiến lược Mỹ-Nhật-Hàn và do đó muốn tận dụng thời cơ này để cất cao tiếng nói và yêu sách của mình trên bàn đàm phán.

Quả thực, Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia láng giềng, hai đối tác kinh tế và thương mại quan trọng không chỉ hục hặc với đồng minh Mỹ trong các vấn đề thương mại, chia sẻ chi phí quân sự mà giữa họ cũng đang rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Bắt đầu từ việc Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945, căng thẳng giữa hai chân kiềng trong liên minh tay ba Mỹ-Nhật-Hàn này lan sang cả lĩnh vực quân sự, thương mại. Đỉnh điểm là Nhật Bản hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao mà Hàn Quốc rất cần trong sản xuất các mặt hàng mũi nhọn, đồng thời loại Seoul ra khỏi danh sách trắng gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Đáp lại, Hàn Quốc đe dọa sẽ không gia hạn GSOMIA-một hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự được Chính phủ nước này và Nhật Bản ký năm 2016 nhằm đối phó với các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. GSOMIA được giải cứu vào phút chót, nhưng quan hệ giữa Tokyo và Seoul cũng chạm mức thấp nhất trong những năm gần đây, bất chấp nỗ lực xoa dịu từ người "người anh cả” Mỹ.

Cùng với đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa hồi kết vẫn đang phủ bóng đen u ám, tác động đến các quốc gia ở Đông Bắc Á, khiến giới lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp khu vực này đứng ngồi không yên.

Suy cho cùng, những rạn nứt và khủng hoảng hiện nay ở Đông Bắc Á không phải điều gì đó mới, mà thực tế là tấm vỏ bên ngoài của những vấn đề tồn tại từ lâu.

Cũng khó có thể hy vọng những vấn đề này sẽ sớm được giải quyết, bởi bước vào năm mới, các đối thủ chính trị trong lòng nước Mỹ sẽ phải gồng mình cho cuộc nước rút bầu cử và khi ấy, phi hạt nhân hóa, hóa giải chiến tranh thương mại hay bất cứ vấn đề gì khác rất có thể chỉ còn là ưu tiên thứ yếu.

Thêm một lần nữa, Đông Bắc Á chuẩn bị đón chào năm mới giữa những con sóng dữ khó lường mà nếu không khớp tay chèo, có thể nhấn chìm mọi hy vọng và nỗ lực.

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/song-du-tu-mach-ngam-605550