'Sóng dữ' trong trùng tu đình làng

Được đánh giá là biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã người Việt, tuy nhiên nhiều đình làng ở nước ta thời gian qua bị xâm hại, trùng tu sai quy cách.

Gần đây, đình cổ Lương Xá (Hà Nội) hơn 300 năm tuổi bị phá dỡ, thay thế mới bằng công trình bê tông cốt thép nhưng chưa xin phép cơ quan chức năng khiến dư luận dậy sóng.

Có tuổi đời hơn 300 năm và được xem là một ngôi đình rất đẹp với những cấu kiện chạm khắc mang dấu tích nghệ thuật từ thời Lê, đình cổ Lương Xá được xây dựng ở thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc đình làng. Hình thức chạm khắc cánh gà của đình giờ rất hiếm, chỉ còn rất ít đình có nghệ thuật chạm cánh gà đẹp như đình cổ này. Trước khi bị người dân phá bỏ, đình Lương Xá có tam quan xây khá đẹp với nghi môn gồm 4 trụ biểu, trên bức tường hai bên cửa phụ có đắp nổi đôi voi đứng. Tòa tiền tế gồm 5 gian 2 chái và kết cấu với thiêu hương và hậu cung thành hình “chữ Công”. Đình cổ này còn được làm bằng gỗ với những cấu kiện chạm khắc hoa văn độc đáo, đặc sắc và hiếm có.

Gần đây, đình Lương Xá hơn 300 năm tuổi đã bị phá và thay vào đó là công trình mới bằng bê tông cốt thép.

Tuy nhiên, vừa qua, người dân địa phương đã tự ý phá dỡ đình cổ Lương Xá, thay vào đó là ngôi đình mang dáng dấp thời hiện đại với bê tông cốt thép. Hàng loạt các cấu kiện gỗ của tam quan, nhà tiền tế, tấm chạm khắc cánh gà, cấu kiện vì kèo cũ của đình cổ Lương Xá bị phá dỡ, tập kết chỏng chơ tại Nhà văn hóa thôn Lương Xá. Theo chia sẻ của ông Phạm Tự Khải, Trưởng thôn Lương Xá, năm 2017, đình cổ Lương Xá xuống cấp nghiêm trọng nên dân làng đã tổ chức cuộc họp để lên kế hoạch, phương án tu sửa. Sau khi thống nhất, người dân tại thôn Lương Xá quyết định phá bỏ đình Lương Xá cổ và xây dựng mới bằng bê tông. Số tiền làm đình mới, ngoài số tiền đóng góp của nhân dân còn có một số cá nhân khác cung tiến.

Ngay sau khi phát hiện sự việc đình cổ Lương Xá bị phá bỏ để xây mới theo kiến trúc hiện đại với vật liệu bê tông cốt thép, Sở VH- TT Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế ở thôn Lương Xá. Theo đó, đoàn kiểm tra khẳng định, việc hạ giải, đổ bê tông các hạng mục đình Lương Xá hoàn toàn sai quy định, chưa được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT nhấn mạnh, dù đình Lương Xá chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê cần được bảo vệ. Chính vì vậy, việc tu bổ vẫn phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Sở VH-TT Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dù đình cổ Lương Xá đã bị khai tử nhưng Sở VH-TT Hà Nội chưa nhận được văn bản xin ý kiến của địa phương. Vì vậy, Sở VH-TT Hà Nội gần đây đã ra quyết định đình chỉ thi công công trình, niêm phong các cấu kiện gỗ của đình cổ Lương Xá bị hạ giải chờ ý kiến đánh giá của các chuyên gia và các cơ quan chức năng. Sở VH-TT Hà Nội cho biết sẽ xử lý rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong vụ việc xâm hại nghiêm trọng di tích đình cổ Lương Xá.

Trước đó, nhiều vụ việc trùng tu, tôn tạo đình làng đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại một số địa phương cũng tốn nhiều giấy mực của báo giới và dậy sóng dư luận. Đó là sự việc đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc) có từ thế kỷ 17, đơn vị thi công khi hạ giải công trình dùng cuốc xẻng khiến những viên ngói của đình cổ đáng ra phải được nâng niu tái sử dụng thì lại bị đập tả tơi. Bên cạnh đó, nhiều đình làng tại Hà Nội được trùng tu nhưng chưa chính xá, như đình Quang Húc (Ba Vì) khi trùng tu những thanh dép hoành bị đặt sai vị trí thay vì đặt vuông góc với mặt đất;Đình Phùng (Đan Phượng) sau khi hoàn thiện việc tu bổ, hậu cung trở nên khác lạ vì mảng chạm rồng trước hậu cung bị đặt ngược...

Theo các chuyên gia, đình làng là biểu tượng thể hiện thẩm mỹ và hồn cốt của người Việt; trung tâm tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của làng xã, đình làng quy tụ và gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng. GS sử học Lê Văn Lan đánh giá, đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian thuần Việt mà còn là kho tàng về di sản văn hóa Việt như diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, thần tích, truyền thuyết về các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, người có công mở đất dựng làng, vị tổ nghề… Vì thế, đình làng hoặc bất kể di tích lịch sử, văn hóa nào nếu bị xuống cấp, hư hại đều cần đến trùng tu, tôn tạo.

Tuy nhiên, việc trùng tu phải tuân theo quy định của cơ quan chức năng chuyên trách, đặc biệt phải tuân thủ đúng thiết kế được thẩm định. Để giữ “hồn cốt” và không làm mất đi những đình làng, chính quyền địa phương và người dân cần có ý thức trong việc gìn giữ di tích đình làng nói riêng, di tích lịch sử nói chung. Ngoài ra, cộng đồng cùng chung tay góp sức bảo quản, bảo tồn, phát huy vẻ đẹp văn hóa đình làng chứ không phải thấy đình làng xuống cấp rồi tự ý vượt rào trong công tác trùng tu, tôn tạo để tạo ra những sự vụ đau lòng kể trên.

Thùy Trang

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/song-du-trong-trung-tu-dinh-lang-n147281.html