Sóng dữ lại vỗ mạnh hai bên bờ Đại Tây Dương

Washington đã thể hiện lối hành xử 'nhất bên trọng nhất bên khinh', tạo ra mâu thuẫn nội bộ giữa các đồng minh với nhau để mình hưởng lợi riêng...

Hơn 1.000 nghị sĩ châu Âu kêu gọi ngăn chặn Israel sát nhập vùng Bờ Tây

Truyền thông quốc tế đưa tin, ngày 24/6, 1.080 nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu can thiệp và ngăn chặn Israel thực hiện kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc vùng Bờ Tây bị chiếm đóng của Palestine.

Trong thư gửi tới Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu, 1.080 nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã bày tỏ mối lo ngại đặc biệt với kế hoạch của Israel sáp nhập vùng Bờ Tây, vì nếu được hiện thực hóa, nó sẽ tạo tiền lệ trong các mối quan hệ quốc tế.

Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu "hành động dứt khoát để đối phó với thách thức này", thể hiện cam kết của Liên minh Châu Âu đối với giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Hơn 1.000 nghị sĩ Nghị viện châu Âu phản đối Israel hiện thực hóa Kế hoạch lịch sử của Trump

Hơn 1.000 nghị sĩ Nghị viện châu Âu phản đối Israel hiện thực hóa Kế hoạch lịch sử của Trump

Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu đưa ra lời kêu gọi chỉ một ngày sau khi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres yêu cầu Israel từ bỏ kế hoạch sát nhập các khu vực thuộc vùng Bờ Tây, vì cho rằng nó “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”.

Ngày 17/6, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đưa ra các kịch bản khác nhau về sát nhập ở khu Bờ Tây, từ áp đặt chủ quyền đối với tất cả các khu định cư tại Bờ Tây đến sát nhập hạn chế. Kế hoạch dự kiến sẽ được triển khai từ ngày 1/7 tới.

Trong cuộc Chiến tranh 6 ngày với các nước Ả-rập, Israel đã chiếm giữ Bờ Tây vào ngày 7/6/1967, gồm Đông Jerusalem có diện tích đất 5,640 km2 và 220 km2 diện tích mặt nước của Biển Chết.

Tuy nhiên, sau đó Tòa án Công lý Quốc tế đã ra phán quyết khu Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Mặc dù vậy, từ đó đến nay Nhà nước Do Thái luôn coi vùng Bờ Tây là "vùng tranh chấp" và vẫn trực kiểm soát vùng lãnh thổ này.

Trong quá trình kiểm soát vùng lãnh thổ chiếm đóng, chính phủ Israel đã thể hiện chủ quyền quốc gia với vùng đất này, khi cho xây dựng một loạt khu định cư của người Do Thái trên khắp vùng Bờ Tây

Cộng đồng quốc tế coi đó là hành động bất hợp pháp và trở thành một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào bế tắc, và là nguyên nhân gây bạo lực luôn xay ra ở vùng đất này.

Bất ngờ ngày 28/1/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông, trong đó đề xuất một giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel và Palestine, nhưng lại khẳng định Jerusalem là thủ đô "không thể tách rời của Israel".

Kế hoạch của vị tổng thống doanh nhân bị Palestine, Liên đoàn Ả-rập, Iran và nhiều quốc gia trong thế giới Hồi giáo phản đối, Trung Quốc và Nga thì hoài nghi. Vì vậy rất cần sự ủng hộ của Liên minh châu Âu để có dễ dàng hơn trong hiện thực hóa.

Ban đầu giới lãnh đạo EU ủng hộ người đồng minh bên bờ tây Đại Tây Dương, song khi chính phủ lên kế hoạch sát nhập vùng Bờ Tây và thời gian chỉ còn tính bằng ngày thì Nghị viện châu Âu đã phản đối - một động thái gây khó cho Washington.

Sóng sẽ lại vỗ mạnh hai bên bờ Đại Tây Dương

Trong bối cảnh nghị sĩ của 25 nước tại Nghị viện châu Âu kêu gọi giới lãnh đạo EU ngăn cản Irsael hiện thực hóa Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Trump, một động thái khác thể hiện sự lệch pha giữa các đồng minh châu Âu với Mỹ cũng đã diễn ra.

Gần như tất cả các đồng minh chiến lược trong NATO đều phản đối lối hành xử của Mỹ với ICC

Đó là ngày 23/6, có tới 23 thành viên Tổ chức Bắc Đại Tây Dương tại châu Âu cùng với Canada và 43 quốc gia khác đã ra một tuyên bố chung tái khẳng định sự ủng hộ đối với Tòa án Hình sự Quốc tế, bất chấp Mỹ đe dọa trừng phạt định chế này.

Cụ thể là Bỉ, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Italy, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Anh đã ký vào tuyên bố chung ủng hộ ICC.

Tuyên bố chung ghi rõ : “Với tư cách là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế theo Quy chế Roma, chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ đối với tòa án như một cơ quan pháp lý độc lập và công bằng.

Chúng tôi cam kết duy trì và bảo vệ các nguyên tắc và giá trị được ghi trong Quy chế Roma, bảo vệ sự nguyên vẹn của quy chế mà không bị cản trở bởi bất kỳ lệnh trừng phạt hay mối đe dọa nào đối với Tòa án, các quan chức và những bên hợp tác.

Chúng tôi kêu gọi các thành viên đảm bảo hợp tác toàn diện với ICC để cơ quan này có thể tiến hành những cuộc điều tra đảm bảo công lý cho các nạn nhân trong những vụ phạm tội nghiêm trọng nhất", Sputnik trích dẫn.

Trước đó, ngày 11/6, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cho phép sử dụng các biện pháp trừng phạt các quan chức ICC, vì định chế pháp lý này cứ quyết điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ, do quân nhân Mỹ hay "người thân Mỹ" gây ra ở Afghanistan.

Ngoài điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan, ICC cũng có một cuộc điều tra riêng đối với Israel về những tội ác mà lực lượng an ninh và quân đội nước này đã gây ra ở "vùng lãnh thổ bị chiếm đóng" kể từ ngày 13/6/2014.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cho biết Washington quyết tâm ngăn chặn ICC bám đuổi Mỹ và những người bạn ở Israel. Tel Aviv và Washington cùng phối hợp hành động để trừng phạt ICC.

Tuy nhiên, khi có tới 24/30 thành viên NATO phản đối hành động của Washington với ICC cho thấy quyết tâm của những đồng minh chiến lược "cùng hội cùng thuyền" với Mỹ đã không để yên cho Mỹ cứ mãi chà đạp lên luật pháp quốc tế.

Trong thời gian qua, nhất là dưới thời chính quyền Mỹ nhiệm kỳ 57, những đồng minh bên bờ đông Đại Tây Dương đã thể hiện sự thất vọng với Washington và ngày càng có những chuyển động lệch pha Mỹ.

Sóng sẽ vỗ mạnh hai bên bờ Đại Tây Dương khi Washington thể hiện lối hành xử nhất bên trọng nhất bên khinh

Khi Washington rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, thì đồng minh lại cùng với các đối thủ tìm cách bảo vệ bản thỏa thuận lịch sử, trong khi Washington gia tăng và siết chặt trừng phạt Nga, thì đồng minh có ngày càng nhiều hành động xé rào với Moscow.

Khi Washington tìm cách luật hóa trừng phạt Nga về Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 để chiếm lĩnh thị phần khi đốt tại thị trường châu Âu thì đồng minh phản đối, thậm chí tìm cách trả đũa Mỹ và tiếp tục bắt tay Moscow.

Rồi để dằn mặt đồng minh, Washington đã thể hiện lối hành xử "nhất bên trọng nhất bên khinh", tạo ra mâu thuẫn nội bộ giữa các đồng minh với nhau để mình hưởng lợi. Điều đó thể hiện rõ nhất qua kế hoạch rút quân khỏi Đức và chuyển tới Ba Lan.

Rõ ràng, dù chưa lệch chuẩn Mỹ, song các đồng minh châu Âu ngày càng thể hiện sự lệch pha với Washington.

Với hành động mới nhất của các nghị sĩ Nghị viện châu Âu và các thành viên NATO châu Âu, chắc chắn trong thời gian tới, sóng sẽ lại vỗ mạnh hai bên bờ Đại Tây Dương.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/song-du-lai-vo-manh-hai-ben-bo-dai-tay-duong-3409408/