Sống động những trang sử viết bằng hình ảnh

Tập hợp hơn 400 trang ảnh và bài viết xuất sắc, có giá trị cao của các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước và quốc tế - Những người trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc, sách ảnh Việt Nam - Cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước 1930-1975 (NXB Mỹ thuật, 2018) là cuốn lịch sử bằng hình ảnh đầy ắp tư liệu sinh động, hấp dẫn.

Cuốn sách được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm biên soạn, thực hiện đề án "Ðặt hàng sáng tác và công bố tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1945" theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng trăm bức ảnh trong sách ghi lại những sự kiện, khoảnh khắc khốc liệt mà hào hùng của hai cuộc kháng chiến; thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và sự gian khổ, hy sinh của quân và dân ta vì nền độc lập tự do của dân tộc; khắc họa chân thực đất nước, con người Việt Nam trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nêu bật những giá trị văn hóa, nhân văn của một dân tộc anh hùng. Nhiều bức ảnh lần đầu được công bố; nhiều nghệ sĩ, nhà báo, chiến sĩ cầm máy đã không quản ngại gian khổ, đạn bom, cái chết cận kề, xông pha nơi trận mạc để có được những bức ảnh mang hơi thở cuộc chiến. Họ chính là những người chép sử bằng hình ảnh, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc.

Sách được bố cục mạch lạc; hình ảnh, bài viết theo từng giai đoạn, phản ánh trung thực diễn trình lịch sử của dân tộc giai đoạn 1930-1975, từ khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo hai cuộc kháng chiến đến ngày đất nước hoàn toàn độc lập. Ðan xen với những chủ đề thể hiện từng thời kỳ kháng chiến, là các chủ đề về diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; phụ nữ thời chiến tranh; thế giới ủng hộ Việt Nam; đường Trường Sơn, con đường huyền thoại; đường Hồ Chí Minh trên biển… Bên cạnh những hình ảnh dữ dội, hào hùng về chiến tranh, không ít hình ảnh đã khắc họa những sinh hoạt đời thường giản dị, lãng mạn và đậm nét nhân văn, như: Cô giáo bế con dạy lớp học dã chiến giữa rừng; những em bé nằm nôi được nuôi dưới hầm sâu trong lòng đất; các chiến sĩ hồ hởi đọc thư dưới chiến hào; nữ y tá - dân quân chăm sóc phi công Mỹ bị thương; phút thư giãn bên cây sáo của người lính ở mặt trận Ðường 9 - Nam Lào; giọt nước mắt hạnh phúc cùng hai mái đầu bạc của mẹ và con ngày gặp mặt sau bao tháng năm chiến trận vời vợi xa cách…

Giá trị đặc biệt của nhiếp ảnh là ghi được những hình ảnh điển hình, tiêu biểu của cuộc sống một cách nghệ thuật. Nhìn lại, thấy trong vô số bức ảnh chân thực về cuộc chiến, nhiều ảnh vừa có giá trị tài liệu chính xác, nội dung tư tưởng sâu sắc; lại mang tính thẩm mỹ cao và tầm khái quát lớn; xứng đáng là những tác phẩm ảnh nghệ thuật. Ðó là các bức ảnh Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (chưa xác định được tác giả) đã trở thành biểu tượng của Hà Nội bất khuất những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp; Xung phong của Nguyễn Tiến Lợi (chụp năm 1946 trong chiến dịch sông Thao - trận Phố Ràng) thể hiện khí phách Bộ đội Cụ Hồ và khẳng định chiến thắng vang dội của ta trên chiến trường… Giai đoạn chống Mỹ, cứu nước càng nhiều hơn những tác phẩm giàu chất lịch sử và nghệ thuật, với hàng trăm bức ảnh thể hiện vẻ đẹp của ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta, như: Hiên ngang (Vũ Tạo), Ðấu pháo ở Dốc Miếu (Lương Nghĩa Dũng), Từ thần sấm xuống xe trâu (Văn Bảo), O du kích nhỏ (Phan Thoan), Nụ cười chiến thắng (phóng viên Nhật Bản) Tiểu đội 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Ðồng Lộc (Văn Sắc), Nụ cười trên Thành cổ Quảng Trị (Ðoàn Công Tính), Nguyễn Thị Ðịnh - Người chị của đội quân tóc dài (TTX Giải Phóng), Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (Minh Trường)… Bên cạnh đó, góc khuất của chiến thắng là sự hy sinh xương máu, tài sản của quân và dân ta cũng được phản ánh trong một số tác phẩm làm người xem không khỏi xúc động, nhói lòng, như bức ảnh Phúc Tân kêu gọi trả thù (Vũ Ba) khắc họa hình ảnh em gái nhỏ gào khóc trước ngôi nhà bị bom Mỹ đánh sập bốc lửa không biết người thân ai còn, ai mất; nhiều bức ảnh ghi lại cảnh cứu chữa thương binh trên chiến trường lửa đạn… Ðáng chú ý, hình ảnh Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của dân tộc luôn là nguồn cảm hứng lớn lao của người nghệ sĩ. Nét đẹp bình dị của một lãnh tụ vĩ đại được khắc họa ở nhiều bối cảnh, góc độ. Ðó là phong thái vị chỉ huy, người chiến sĩ tiên phong, linh hồn của đội quân cách mạng trên những nẻo đường gian khổ kháng chiến trong Bác Hồ - Người cha các lực lượng vũ trang của Ðinh Ðăng Ðịnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh tại mặt trận Ðông Khê của Vũ Năng An… Là hình ảnh nhà thơ - nghệ sĩ trong Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn của Lâm Hồng Long; một người cha, người bác, người ông luôn gần gũi, đầm ấm với nhân dân, đặc biệt là các cháu thiếu niên, nhi đồng trong Bé thơm má Bác, Bác bón cơm cho bé ở chiến khu Việt Bắc của Ðinh Ðăng Ðịnh; Bác vui múa hát với thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch của Hoàng Linh…

Sách ảnh Việt Nam - Cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước 1930-1975 có giá trị lịch sử to lớn; góp phần tôn vinh, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, nhất là với lớp trẻ - những người không trải qua chiến tranh; để họ thêm hiểu về lịch sử hào hùng của cha ông và ghi nhớ, biết ơn những nghệ sĩ - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, tận hiến vì nghệ thuật và cách mạng.

NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/38861902-song-dong-nhung-trang-su-viet-bang-hinh-anh.html