Sống đơn giản cho đời thanh thản

Sống tốt là sống đơn giản. Trong số các tư tưởng triết học nói về việc chúng ta cần phải sống như thế nào, tư tưởng này là trường cửu nhất; từ Socrates đến Thoreau, từ Phật đến Wendell Berry, các nhà tư tưởng đã truyền giảng nó hơn hai nghìn năm. Và nó vẫn có đông người theo.

Các tạp chí như Real Simple kêu gọi chúng ta từ bỏ việc mua hàng ở siêu thị; Oprah Winfrey đều đặn trò chuyện với những người hâm mộ lối sống đơn giản như Jack Kornfield, một giáo viên dạy ở học viện Phật giáo; Phong trào Sống chậm (Slow Movement) cổ vũ việc quay lại những nền tảng tiền công nghiệp thu hút nhiều người theo trên khắp các lục địa.

Xuyên suốt phần lớn lịch sử loài người sự đơn giản thanh đạm không phải là một sự lựa chọn mà là sự tất yếu - và vì tất yếu nên nó cũng là một phẩm hạnh đạo đức. Nhưng với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản công nghiệp và xã hội tiêu dùng đã hình thành một hệ thống lấy mục đích là sự tăng trưởng không ngừng và cùng với nó là sự tăng lên bộ phận dân số (gọi là "thị trường") có khả năng và được khuyến khích mua thật nhiều hàng hóa mà xét theo các tiêu chuẩn truyền thống là vượt quá nhu cầu. Kết quả là có sự đứt đoạn giữa các di sản truyền thống mà chúng ta kế thừa và mệnh lệnh tiêu dùng do văn hóa hiện đại bơm vào chúng ta.

Vào những thời kỳ trước thời hiện đại sự khác nhau giữa điều các nhà triết học khuyên bảo và cách mọi người sống không lớn lắm. Của cải đưa lại sự an toàn, nhưng ngay cả lắm của cải cũng chỉ là sự chống đỡ mong manh trước những tai họa như chiến tranh, nạn đói, bệnh tật, bất công và sự tàn bạo của những nhà độc tài. Nhà triết học theo phái Khắc Kỷ (Stoic) Seneca, một trong những người giàu nhất ở Roma vẫn bị bạo chúa Nero xử tội chết. Còn đối với phần đông người - các nô lệ, nông nô, nông dân và người lao động - thì không có một cơ hội thực tế nào để tích lũy dù là một chút của cải nhỏ nhất.

Trước khi có nền nông nghiệp cơ khí, nền dân chủ đại diện, quyền công dân, kháng sinh và aspinrin, thì việc sống bình thường một cuộc đời dài với ít đau khổ nhất đã được coi là tốt đẹp. Nhưng hiện nay, ít nhất là trong các xã hội thịnh vượng, mọi người mong muốn và chờ đợi nhiều hơn thế (và thường họ có được điều đó). Sống đơn giản giờ đây đối với nhiều người đơn giản là buồn chán.

Tuy nhiên có vẻ như đang có sự quan tâm, nhất là trong giới tỷ phú, khám phá lại những ưu thế của việc sống đơn giản. Một phần đó là phản ánh nỗi luyến tiếc cái thế giới tiền công nghiệp hoặc tiền tiêu thụ, cũng như mối thiện cảm với lập luận đạo đức nói rằng sống theo lối đơn giản làm cho ta thành người tốt hơn vì nó khơi dậy trong ta những phẩm chất đáng có như sự căn cơ, uyển chuyển và tính độc lập - hoặc thành người hạnh phúc hơn vì giúp cho ta thư thái, sức khỏe và gần gũi thiên nhiên.

Đó là những lập luận có lý. Thế nhưng dù ta có rất kính những lời truyền dạy của họ thì ta vẫn thấy các nhà hiền triết khó thuyết phục. Hàng triệu chúng ta vẫn tiếp tục đổ xô vào cuộc "nhận và tiêu", mua vé xổ số, làm việc nhiều giờ, chìm vào các khoản nợ, và suốt 24/7 tìm cách leo lên cột mỡ. Tại sao như vậy?

Một câu trả lời rõ ràng là đạo đức giả lỗi thời. Chúng ta hoan nghênh triết học thanh đạm trong khi bỏ qua những lời khuyên của nó trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta ca ngợi lối sống đơn giản, như của Đức Giáo hoàng Francis, coi đó là dấu hiệu phẩm chất đạo đức của mình, trong khi vẫn hy vọng và cổ vũ cho sự tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy phần lớn bởi nhu cầu có những ngôi nhà lớn hơn, những xe hơi đẹp hơn và các mặt hàng xa xỉ khác.

Nhưng vấn đề không phải ở chỗ sự thực hành của chúng ta trái ngược với những niềm tin ta rao giảng. Cách nghĩ của chúng ta về đơn giản và xa hoa, căn cơ và hoang phí vốn gốc đã là mâu thuẫn. Chúng ta lên án sự hoang phí như là sự phung phí hoặc nhạt nhẽo thế nhưng chúng ta lại ca ngợi những công trình xa hoa ngày trước như Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh hay cung điện Versailles ở Pháp là tráng lệ, huy hoàng. Sự thật là một phần lớn cái chúng ta gọi là "văn hóa" đã được tiếp nhiên liệu từ những hình thức hoang phí.

Điều hơi mỉa mai là trường hợp sống đơn giản tỏ ra thuyết phục nhất là khi phần đông mọi người không có sự lựa chọn nào khác ngoài sống theo cách đó. Các lập luận truyền thống về sống đơn giản quả thực đã hợp lý hóa sự tất yếu. Nhưng cũng những lập luận đó lại ít có giá khi sống đời đơn giản là một lựa chọn, một cách sống trong nhiều cách. Khi đó triết học về sự căn cơ trở thành cái vỏ sò cứng.

Điều này có thể liên quan đến sự thay đổi dưới tác động của hai yếu tố: kinh tế và thuyết môi trường. Khi sự suy thoái diễn ra như trong thời gian gần đây (phơi bày những sự bất ổn bên trong của hệ thống kinh tế lấy mục đích là tăng trưởng không ngừng) hàng triệu người bỗng nhiên thấy mình lâm vào những hoàn cảnh ở đó sự căn cơ lại trở thành tất yếu và giá trị của những phẩm chất đi kèm nó lại được phát hiện trở lại.

Ở các xã hội như Hoa Kỳ chúng ta đang chứng kiến xu hướng chủ nghĩa tư bản cố kéo căng khoảng cách giữa "có rất nhiều" và "không có gì". Những sự bất bình đẳng tăng lên này gây nên làn sóng phê bình mới đối với sự xa hoa, lãng phí. Khi có quá nhiều người sống dưới mức nghèo khổ thì sẽ có gì đó là khiếm nhã khi anh phô bày sự giàu có và xa hoa. Hơn thế, sự phân chia của cải không cân đối cũng cho thấy một cơ hội bị mất đi.

Theo Epicurus và các nhà hiền triết truyền bá sự đơn giản, người ta có thể sống tốt khi một số nhu cầu thiết yếu được thỏa mãn - một tư tưởng mà ở thời hiện đại đã được chứng thực trong "Tháp nhu cầu" của nhà tâm lý học Abraham Maslow. Sửa đi một chút thì đây là lập luận cho việc sử dụng của cải dư ra để bảo đảm cho mọi người có được những thứ cơ bản như thức ăn, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dịch vụ công cộng và giao thông công cộng - với giá thấp hơn là để nó chảy vào túi riêng của ít người.

Nhưng dù thông thái thế nào, cả Socrates và Epicurus cũng không nghĩ ra được cách chứng minh cho sống đơn giản bằng thuyết môi trường. Hai thế kỷ công nghiệp hóa, sự tăng dân số và hoạt động kinh tế điên cuồng đã để lại cho chúng ta khói bụi, ao hồ sông biển ô nhiễm, đất đai nhiễm độc, nền đất xói mòn, rừng bị phá hủy, nhiều loài cây cối và động vật biến mất và sự ấm lên toàn cầu. Triết học về sự đơn giản thanh đạm thể hiện những giá trị và cổ vũ một lối sống có thể là hy vọng tốt nhất của chúng ta về sự đảo ngược các xu thế đó và giữ lấy hệ sinh thái mỏng manh trên hành tinh chúng ta.

Nhiều người vẫn chưa tin điều này. Nhưng nếu các phương pháp chế biến, thu hoạch, tiêu dùng, xử lý của chúng ta hiện nay đã tỏ ra không bền vững thì có lẽ sẽ đến lúc - và cái lúc đó sẽ nhanh thôi - khi chúng ta buộc phải hướng đến sự đơn giản. Trong trường hợp này, truyền thống đáng kính sẽ trở thành triết học của tương lai.

Sống đơn giản còn có nghĩa là con người cần nên sống theo nhịp điệu sinh học của tự nhiên. Mọi thứ trong cuộc sống hiện nay của chúng ta đang chạy theo tốc độ nhanh. "Mọi thứ đều đang nhanh lên. Trượt băng nghệ thuật và bóng đá. Thời gian của những cuộc hẹn hò, những cuộc thương lượng và thậm chí nhịp tim của trái đất. Chúng ta không còn phải chầu chực xếp hàng ở nhà ga để mua vé đi đây đi đó.

Chúng ta không còn phải vò giặt quần áo đến bợt cả da tay, nay đã có máy giặt làm thay. Chúng ta dùng tài khoản tự động, cà phê tự động, nhà hàng tự động, giỏ hàng điện tử và nhắn hàng chục tin nhắn messenger một lúc", Irina Govorukha nhà văn Nga viết. Chỉ có điều chúng ta có nhanh lên bao nhiêu, thì các quá trình tự nhiên toàn cầu vẫn diễn ra theo một khoảng thời gian không đổi. Vậy nên, sống đơn giản là sống chậm và sống trực tiếp.

"Không một thư điện tử hay tin nhắn SMS nào có thể thay được bữa ăn sáng ở nhà cha mẹ và câu chuyện thong thả nói về mùa thu hoạch khoai tây và cây tử dương mới ra hoa. Việc xem phim online không thú bằng ngày chủ nhật cả nhà kéo nhau ra rạp. Và một cái mặt cười tình tứ nhất cũng không thể nào sánh được với lời thì thầm bên tai: "Anh yêu em!" Tôi rất tán đồng điều này với I. Govorukha.

Nào ta cùng sống đơn giản cho đời thanh thản!

Ngân Xuyên

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/song-don-gian-cho-doi-thanh-than-603760/