Sống đẹp cho mình, cho đồng đội

Gặp cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe, một trong những cá nhân tiêu biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, tôi có dịp bày tỏ niềm cảm phục đối với những con người như ông.

Có thể nói vài nét về ông thế này: Năm 1967, thoát ly làm công nhân rồi được học nghề lái xe; năm 1971, nhập ngũ, vẫn làm lái xe; năm 1975, về Huyện đội Đông Hưng (Thái Bình) rồi lần lượt qua nhiều cương vị công tác tại UBND huyện; năm 1998, về nghỉ mất sức do thương tật và ảnh hưởng chất độc da cam; từ đó đến nay làm việc làng việc xóm, được tặng nhiều bằng khen. Ông được Đài Truyền hình Việt Nam biểu dương trong Chuyên mục “Việc tử tế”.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe.

Tôi hỏi ông: "Động lực nào đã giúp ông hoàn thành tất cả những việc đó?". Ông cười bảo: “Trước hết, đó là truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ, đi dân nhớ ở dân thương. Sau là tinh thần trách nhiệm của người đảng viên luôn đi trước để làng nước theo sau. Và cuối cùng việc tôi làm cũng là để tri ân với đồng đội”. Cuối câu nói này, giọng ông như chùng xuống. Tháng 11-1973, trong trận đánh tại Bù Bông-Kiên Đức, Mặt trận Quảng Đức, ông được lệnh chở đạn A27 và đạn pháo mặt đất lên sát tuyến lửa. Trên đường tiếp tế thì xe ông trúng đạn. Trong ký ức của ông trước mắt nháng lên một quầng lửa rồi tất cả chìm vào vô thức. Khi tỉnh dậy ông thấy mình nằm giữa các đồng chí thương binh, tử sĩ. Ánh mắt vừa trìu mến, vừa âu lo của những y tá, bác sĩ khiến ông cảm thấy vừa quen vừa lạ. Ông lại ngất đi không biết gì nữa.

Đến sau này đồng đội mới cho biết rằng, chính đồng chí y tá trưởng trạm phẫu tiền phương K20 đã tiếp máu cho ông, lượng máu tiếp nhiều khiến cô bị ngất lên ngất xuống mấy lần. Sau trận đánh, đơn vị ông (Đoàn 770 Cục Hậu cần Miền) chuyển địa điểm nhiều lần nên ơn cho máu của người nữ y tá nọ ông chỉ biết để trong lòng. Cuộc chiến còn ác liệt, hy vọng gặp lại người y tá đó tắt dần. Suốt những năm tháng sau này ở miền Bắc, cuộc sống vô cùng vất vả, vết thương tái phát hành hạ, nhiều di chứng do ảnh hưởng từ chất độc da cam tái phát nhưng ông chưa một lần nảy sinh ý nghĩ tiêu cực. Hơn thế, ông còn tự động viên mình: Sinh mạng này có nửa phần sinh mạng của đồng đội, phải sống thật có ích cho mình, cho đồng đội đã khuất.

Đầu tiên, từ những công việc giản đơn là tự đứng ra giữ gìn trật tự giao thông, an ninh tại cổng Trường THPT Đông Hưng Hà ở gần nhà. Sau dần ông còn tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của nhiều em học sinh có lối sống buông thả, bất cần, phá phách. Ông cứu chúng bằng nhiều cách, lúc thì khuyên giải động viên, lúc thì hỗ trợ kinh phí, thậm chí ông còn kêu gọi nhiều người cùng chung tay giúp đỡ. May mắn là hầu hết những học sinh này đều biết tiếp thu, nhiều em đã nên người. Từ việc làm tại trường học đó, ông có thêm uy tín trong cộng đồng, những việc tranh cãi, gây gổ đều được ông giải quyết ổn thỏa. Năm 2014 ông còn cho ra mắt câu lạc bộ hát chèo, giành nhiều giải cao ở các hội diễn quần chúng.

Đồng chí Trần Ngọc Lan, Chủ tịch UBND xã Hùng Dũng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nói một cách đầy hình ảnh rằng, nếu mỗi xóm làng chỉ cần có một ông Hòe thì công an chẳng có việc gì để làm. Đến nay, mô hình tổ tự quản của ông Hòe đã được nhân lên toàn xã rất hiệu quả.

Khi chúng tôi đang viết những dòng này thì bất ngờ nhận được tin vui từ cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe, ấy là ông vừa tìm được người nữ y tá cho máu cứu sống ông năm nào. Đó là cựu chiến binh Huỳnh Thị Tuyết Lan, hiện sống tại tỉnh Bình Phước. Cầu mong những con người đại diện cho một thế hệ ưu tú của đất nước có một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc.

Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/song-dep-cho-minh-cho-dong-doi-546844