Sống để yêu thương...

Ở tuổi xế chiều, những tưởng cuộc sống của những người neo đơn, không nơi nương tựa sẽ chỉ có nỗi buồn tủi, cô đơn, thế nhưng bằng tất cả tình yêu thương, sự tận hiến, mỗi ngày họ vẫn đều đặn nhận được sự chăm sóc ân tình, vô điều kiện của những người không họ hàng, ruột thịt...

Ở tuổi xế chiều, những tưởng cuộc sống của những người neo đơn, không nơi nương tựa sẽ chỉ có nỗi buồn tủi, cô đơn, thế nhưng bằng tất cả tình yêu thương, sự tận hiến, mỗi ngày họ vẫn đều đặn nhận được sự chăm sóc ân tình, vô điều kiện của những người không họ hàng, ruột thịt...

 Các cụ ông đánh cờ, trò chuyện thân tình tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công thành phố Đà Nẵng.

Các cụ ông đánh cờ, trò chuyện thân tình tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công thành phố Đà Nẵng.

Nơi sưởi ấm những tâm hồn quạnh vắng

Lần giở 3 cuốn sổ nhật ký ghi chép đầy đủ gồm tên, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của hàng trăm người, cụ Huỳnh Đăng Trúc (88 tuổi), hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng (đóng tại Q. Ngũ Hành Sơn), nhớ vanh vách từng thời điểm mỗi người đến thăm. Cụ và vợ, cụ bà Hồ Thị Ra, năm nay vừa bước qua tuổi 83 đã chuyển về đây gần 3 năm. Yêu nhau từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng vì nhiệm vụ Tổ quốc, hai cụ sống trong xa cách, người Nam, kẻ Bắc. Mãi đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, hai cụ mới có dịp tương phùng, lặng lẽ trở về thổi chung bếp lửa, sớm tối bên nhau. Tuổi thanh xuân gắn liền với các hoạt động giao liên kháng chiến, làm kinh tế mới, khi đoàn tụ cũng là lúc tuổi già, bệnh tật ập đến, họ không còn đủ thời gian để mơ về những đứa trẻ. Đó cũng là lý do khi chuyển về sinh sống tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng, 2 cụ trông như trẻ lại... Tỉ mẩn cắt từng trái chuối để mời khách, cụ Ra cứ ép chúng tôi ăn cho được 3-4 quả. "Ăn đi các cháu, hãy cứ xem đây là nhà của mình, đừng ngại ngùng nhé. Biết nhà ông bà ở đây rồi, mai mốt rảnh ghé chơi với ông bà", cụ Ra tươi cười.

Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng tâm hồn lạc quan của cụ Trương Thị Ngự (82 tuổi, quê Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) khi nói về các căn bệnh người già khiến cho ai cũng thấy được an ủi: "Đến lúc sức khỏe không còn nữa thì bệnh tật đổ xuống, đó cũng là lẽ tự nhiên, nhưng mà cũng chẳng sao vì mình không bị bỏ rơi, những lúc cần giúp đỡ thì đã có người hỗ trợ tận tình". Tham gia cách mạng từ lúc 11 tuổi với 6 lần bị địch bắt, tra tấn đủ kiểu, cụ Ngự trở về quê khi ngấp nghé tuổi 50, cùng "góp gạo thổi cơm chung"- như lời cụ kể - với một đồng đội để dựa vào nhau lúc tuổi già. Năm 2004, khi cụ ông qua đời, bản thân không thể tự chăm sóc cho mình với các chứng bệnh huyết áp cao, hỏng mắt trái, suy tim, tắc động mạch vành, cụ Ngự chuyển vào Trung tâm Phụng dưỡng người có công để được các "con" tại đây chăm sóc. "Thương các con ở đây lắm, phải chiều lòng hết cụ này đến cụ khác. Tuổi già đau ốm, bệnh tật rồi tinh thần lại không ổn định. Người ta thường nói già ra con nít cũng là vì thế", cụ Ngự phá lên cười.

Niềm vui của người già là được gần gũi, sum vầy bên con cháu. Và sự đoàn tụ, sum vầy của cụ Phạm Thị Cúc (78 tuổi, quê Tiên Hiệp, Tiên Phước, Quảng Nam) tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng (đóng tại Q. Liên Chiểu) có lẽ đặc biệt hơn cả. 18 năm nay, cụ sống tại Trung tâm cùng người con trai mình. Anh Phùng Văn Trung, con trai cụ Cúc, 14 tuổi mới biết nói, 16 tuổi mới biết đi nên giờ đây, dù đã ở tuổi 52 nhưng vẫn như một đứa trẻ. "Nó ở phòng bên, thỉnh thoảng lại chạy sang xin mẹ cái bánh, ăn trưa xong lại chạy qua xin được ngủ cùng mẹ. Tổ cha cái thằng, già rồi mà suốt ngày cứ đòi mẹ như con nít", cụ Cúc cười móm mém. Nhìn nụ cười ấy không ai hình dung nổi, cụ đã từng bất lực trong đau đớn nhìn cả gia đình cuốn trôi theo dòng lũ ở quê vào những năm 1980, rồi cắp nách đứa con tật nguyền lang thang khắp đường phố để kiếm sống. "Tôi may mắn vì được về đây sinh sống, càng may mắn hơn khi còn mẹ, còn con. So với mọi người ở đây, đó là điều hạnh phúc hơn cả", cụ chia sẻ. Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố, nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc 70 cụ ông, cụ bà neo đơn, bệnh tật. Tuổi xế chiều của họ không có người thân bên cạnh, những tưởng sẽ chỉ có nỗi buồn tủi, cô đơn ập đến, nhưng tình yêu thương, phụng dưỡng vẫn hiển hiện theo một lẽ tự nhiên nhất, dù không cùng huyết thống...

Cho đi là còn mãi

Bữa ăn hôm nay của 3 cụ Huỳnh Thị Cắt, Huỳnh Thị Nhạn và Hồ Thị Ba tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công sẽ được nấu theo một thực đơn hoàn toàn khác. Lý do là 3 cụ vừa bị bệnh đường ruột kết hợp tiểu đường lâu năm nên cần giảm bớt lượng tinh bột vào thực đơn. Chỉ với điều này thôi đã nói lên được sự tỉ mẩn, không những thấu hiểu tâm lý mà sức khỏe của 55 cụ tại đây đều được đội ngũ cán bộ, nhân viên tại Trung tâm theo dõi hết sức kỹ lưỡng. Họ thường xuyên họp bàn, trao đổi để nắm rõ bệnh tình, tâm trạng hàng ngày, hàng giờ của các cụ. Nếu sức khỏe không đảm bảo, các cụ phải vào viện chăm sóc thì không ai ngoài những nhân viên hộ lý là những người túc trực bên các cụ cả ngày đêm tại bệnh viện. "Cũng có lúc nghĩ về cha mẹ mình, rằng mình đã làm tròn chữ hiếu với cha mẹ mình bằng những công việc hàng ngày như thế này hay chưa? Nhưng rồi sau đó lại quên đi tất cả để tập trung lo cho các cụ. Bởi suy cho cùng, mình không chăm sóc được cho cha mẹ thì còn có anh em mình thay thế, còn các cụ đây chẳng có ai. Nếu đặt bản thân vào hoàn cảnh các cụ, mình sẽ hiểu rõ hơn. Vì thế, chăm sóc cho các cụ, chính là chăm sóc cho cha mẹ mình", cô Nguyễn Thị Toàn, hộ lý tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công chia sẻ.

Ở tuổi 24, Phan Thanh An (trú P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ) đã có một quyết định mà không phải một nam thanh niên nào cũng làm được: xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố để có cơ hội chăm sóc các cụ ông, cụ bà tại đây. "Tất cả chỉ là lựa chọn của bản thân và em thoải mái vì sự lựa chọn đó", An mở lời câu chuyện của mình. Gần 1 năm làm việc tại Trung tâm, An quen và thân với rất nhiều cô, chú, được chia sẻ những bài học làm người tưởng như đơn giản, hiển nhiên nhất. Công việc của An là tập vận động cho những bệnh nhân bị tai biến, khuyết tật vận động. Mỗi bước đi chập chững của họ là cả một kỳ công, gồm sự nỗ lực của bản thân, động viên của người đồng cảnh và sự hỗ trợ tận tâm của những người như An. "Lâu dần thành quen, các cô chú cũng xem em như con như cháu. Và điều quan trọng nhất đối với em, mình cảm nhận được niềm vui của các cô chú, để những lúc mệt mỏi nhất, mình vẫn kịp nghĩ ra rằng, bản thân còn may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều người", An tâm sự.

Điều "may mắn, hạnh phúc" theo suy nghĩ của An, cũng là phương châm sống của những nhân viên hộ lý, cấp dưỡng, y tế tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng mà chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện. Gần 20 năm sống tại Trung tâm Phụng dưỡng với vai trò là hộ lý, trực tiếp chăm sóc sức khỏe, phục vụ từng bữa ăn cho các cụ, cô Nguyễn Thị Toàn (54 tuổi) dường như quên mất mình đã bước sang tuổi cũng cần được chăm sóc. Thấu hiểu tâm lý, tính tình của các cụ, lặng lẽ đón nhận những cơn bực tức, giận hờn khi không vừa ý, đáp lại tất cả là sự tận tụy, chiều chuộng không điều kiện. "Các cụ đã đi qua thời gian khó nhất của cuộc đời mình, cống hiến cho đất nước, cho xã hội, giờ tuổi già lại sống trong cảnh cô đơn. Vượt qua khỏi nhiệm vụ được giao, đó là sự thấu hiểu, chia sẻ. Trong chúng ta ai cũng có và cũng cần một gia đình để đi về và được yêu thương, riêng các cụ chỉ duy nhất ở chỗ này. Dù lắm lúc giận dỗi, quát mắng nhưng mình biết các cụ rất thương nhân viên ở đây như con cái mình. Mà đã là con, thì đương nhiên phải có hiếu với cha mẹ", cô Toàn trải lòng.

D.Hùng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_197638_song-de-yeu-thuong.aspx