Sống dậy lối ngâm độc đáo từ kiệt tác ''Truyện Kiều''

Nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng những người yêu mến giá trị truyền thống dân tộc vừa hoàn thành và chuẩn bị cho ra mắt dự án 'Ngâm Kiều toàn truyện'. Với quy mô, sự công phu, tâm huyết của những người thực hiện, 'Ngâm Kiều toàn truyện' không chỉ một lần nữa tôn vinh 'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du, mà còn làm sống dậy lối ngâm độc đáo gắn liền với kiệt tác văn học bất hủ này trong đời sống hiện đại.

“Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ người Việt Nam sáng tạo với nhiều hình thức, thể loại khác nhau. Trong âm nhạc truyền thống, từ tác phẩm này, ông cha ta đã sáng tạo riêng một lối hát gọi là ngâm Kiều. Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long cho biết, trước đây, ngâm Kiều phổ biến rộng rãi trong đời sống. Các bà, các mẹ, các ông có thể ngâm Kiều khi ru con, ru cháu ngủ, dạy dỗ con trẻ, khuyên răn người đời hay thư giãn sau một ngày làm việc vất vả... Hiện nay, ngâm Kiều vẫn còn tồn tại nhưng chỉ là một phần nhỏ trong các tác phẩm kịch hát và âm nhạc truyền thống như chèo, cải lương, chầu văn, ca trù, xẩm… Vì thế, từ lâu, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long đã ấp ủ thực hiện dự án, nhằm đưa hình thức này trở lại trong đời sống hiện đại.

Từ tháng 3-2020, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long kết hợp với nghệ sĩ Phạm Đình Dũng bắt đầu triển khai dự án “Ngâm Kiều toàn truyện”. Cho tới thời điểm hiện tại, đây là dự án đầu tiên giới thiệu toàn bộ 3.254 câu trong “Truyện Kiều” hoàn toàn theo đúng lối ngâm Kiều truyền thống. Dự án nhận được sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của nhiều thế hệ nghệ sĩ, từ những nghệ sĩ nhân dân đến thế hệ 9X. Đó là các giọng ngâm: Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài, Nghệ sĩ nhân dân Thúy Ngần, Nghệ sĩ ưu tú Quốc Khanh, nghệ sĩ Văn Phương, Thúy Nga, cùng dàn nhạc, gồm: Nghệ sĩ ưu tú Xuân Hải (đàn nhị), nghệ sĩ Trần Quế Hương (đàn tranh), nghệ sĩ Phạm Đức Bình (đàn nguyệt), nghệ sĩ Lê Hữu Trung (sáo, bầu). Toàn bộ “Truyện Kiều” được chia làm 12 phần.

Tùy theo sắc thái giọng ngâm và nội dung, mỗi người sẽ thể hiện một hoặc hai phần phù hợp. Theo nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, ngâm Kiều khác với các hình thức diễn xướng, âm nhạc truyền thống ở cách rung, nhấn nhá, nảy, đặc biệt là ngâm xong một đoạn buộc phải có câu “vay”, tức là tiếp hai chữ đầu của đoạn sau. Để hoàn thành và có được tác phẩm gồm 10 giờ âm thanh, các nghệ sĩ đã mất nhiều tháng luyện tập, thu âm mới đạt được sự hòa quyện, đúng tiết tấu, đúng sắc thái nội dung. Tác phẩm hoàn thiện dưới dạng video sẽ được giới thiệu trên kênh YouTube để khán giả tiếp cận và thưởng thức miễn phí. Trong đó, hình ảnh sẽ là tranh 2D vẽ theo nội dung từng phần, kết hợp với hiệu ứng sinh động, do các nghệ sĩ trẻ thực hiện.

Tham gia dự án ở tuổi ngoài 70, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài hào hứng chia sẻ: “Đây là một dự án cộng đồng ý nghĩa, vừa khẳng định sức sống trường tồn của “Truyện Kiều”; đồng thời khơi dậy, lưu giữ hình thức sinh hoạt văn hóa ngâm Kiều mà ông cha đã dày công sáng tạo, góp phần để những giá trị truyền thống dân tộc không bị mai một trong đời sống hiện đại”.

Từ nguồn kinh phí cá nhân và một phần xã hội hóa, với dự án “Ngâm Kiều toàn truyện”, các nghệ sĩ đã có những đóng góp giá trị cho việc gìn giữ giá trị truyền thống dân tộc.

Thụy Du

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/994107/song-day-loi-ngam-doc-dao-tu-kiet-tac-truyen-kieu