Sông Đà thoái vốn để tái cơ cấu đầu tư?

Năm 2017, Tổng công ty Sông Đà xác định chuyển sang mô hình cổ phần, mở ra cơ chế linh hoạt trong hoạt động SXKD, thoái vốn ở các doanh nghiệp nhằm tái cơ cấu đầu tư.

Theo báo cáo kinh doanh năm 2016, doanh thu công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà đạt 2.949 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức doanh thu 7.212 tỷ đồng của năm 2015. Giá vốn kinh doanh chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu, nhờ có thu nhập từ hoạt động tài chính, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà đạt 112 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của công ty mẹ Sông Đà giảm 1.260 tỷ xuống còn 15.032 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả lên tới 12.360 tỷ đồng. Đáng chú ý, cơ cấu nợ của công ty mẹ Tổng công ty sông Đà chủ yếu là nợ ngắn hạn với 6.715 tỷ đồng, gồm chi phí phải trả người bán ngắn hạn, người mua trả tiền tước, vay và nợ thuê ngắn hạn là 2.449 tỷ đồng. Nợ dài hạn lên tới 5.645 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay tài chính dài hạn với khoảng 4.481 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động đầu tư của công ty mẹ Sông Đà cũng không hiệu quả khi ghi nhận khoản lỗ 514 tỷ năm 2016.

Tổng công ty Sông Đà tiền thân là Tập đoàn Sông Đà.

Tổng công ty Sông Đà vừa qua đã có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng về phương án thoái vốn đầu tư tại Ngân hàng TMCP Quân đội (Mã CK: MBB). Theo đó, Tổng công ty Sông Đà kiến nghị Bộ Xây dựng phê duyệt việc thoái toàn bộ số cổ phần 9.068.181, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, với tổng giá trị mệnh giá là 90.681.810 đồng theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM.

Tổng công ty Sông Đà cũng đề xuất Bộ Xây dựng ủy quyền cho Hội đồng thành viên Tổng công ty được quyết định mức giá chuyển nhượng, lựa chọn thời điểm chuyển nhượng, nhà đầu tư phù hợp để việc nhượng cổ phần được thực hiện nhanh chóng, kịp thời cũng như có thể đạt được giá trị chuyển nhượng tốt nhất.

Được biết, số cổ phần Tổng công ty Sông Đà đang nắm giữ chiếm 0,529% vốn điều lệ Ngân hàng TMCP Quân đội, tương đương 9.068.181 cổ phiếu. Số cổ phiếu này bao gồm 6.636.363 cổ phiếu được hoán đổi từ 19.000.000 cổ phiếu SDF (cổ phiếu công ty tài chính CP Sông Đà) mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần và 431.818 cổ phiếu nhận được từ việc chia cổ tức.

Theo thống kê giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, trong vòng một tuần qua, tính từ ngày 30/6, cổ phiếu MBB có 1 phiên giữ giá, 4 phiên giảm, 1 phiên tăng nhẹ. Chốt phiên giao dịch ngày 7/7, cổ phiếu MBB giảm 450 đồng/cổ phiếu (2,06%) xuống còn 21.350 đồng/cổ phiếu.

Cùng với đó, Tổng Công Ty Sông Đà cũng đã đăng ký bán toàn bộ hơn 3,2 triệu cp của CTCP ĐT & PT Điện Miền Trung (HNX: SEB), tương đương 16,17% vốn, nhằm mục đích tái cơ cấu đầu tư.

/**/

Trong một diễn biến liên quan, từ 14/08 đến 12/09, CTCP Sông Đà 9 (HNX: SD9) thuộc Tổng công ty Sông Đà cũng đăng ký thoái hết 14.82% vốn, tương đương hơn 2 triệu cp của CTCP Chứng khoán Artex (UPCoM: ART).

Hiện SD9 là cổ đông lớn nhất của ART, sau đó là hai cá nhân ông Lê Thành Vinh (9.88%) và ông Nguyễn Văn Thanh (7.48%).

Ngày 02/08/2017, 13.5 triệu cp ART chính thức lên UPCoM với giá tham chiếu 5,000 đồng/cp. Sau 8 phiên liên tục tăng trần, đến nay giá cổ phiếu ART đã tăng gần 160% so với giá đóng cửa cuối ngày giao dịch đầu tiên và hiện đang giao dịch ở mức 18,100 đồng/cp.

Được biết, trong quý 2/2017, doanh thu hoạt động của ART đạt gần 50 tỷ đồng, đột biến gấp nhiều lần so với mức 355 triệu đồng của cùng kỳ 2016. Lợi nhuận sau thuế 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 2.9 tỷ đồng. Nâng lũy kế 6 tháng ghi nhận 46 tỷ đồng lãi ròng, khả quan hơn mức lỗ 5.6 tỷ của cùng kỳ.

Artex được Sở GDCK Hà Nội –HNX chấp thuận đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM kể từ ngày 2/8/2017 với mã chứng khoán ART. Hiện, công ty có vốn điều lệ 135 tỷ đồng, tương ứng 13,5 triệu cổ phiếu lưu hành. Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của ART là 5.000 đồng/cp.

Được biết, Artex chính thức thành lập và hoạt động từ năm 2008. Trong 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động kinh doanh của công ty này khởi sắc, đặc biệt ghi nhận lãi ròng kỷ lục 46 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2017, Artex đứng thứ 8 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên HoSE với thị phần 4,94%.

Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, TCT Sông Đà cũng như các doanh nghiệp nhà nước khác đang phải đối mặt với những thách thức về tài chính, chiến lược, vận hành và quản trị. Việc thoái vốn ở những doanh nghiệp đó để tái cơ cấu có thể tạo ra một guồng máy hoạt động thuận lợi hơn đối với Sông Đà.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/song-da-thoai-von-de-tai-co-cau-dau-tu-205249.htm