Sông còn ở lại...!

Con cá kình to lớn lội vào cửa Đại, rồi theo Thu Bồn ngược lên nguồn. Rồi sấm chớp bão giông, mạch đất rạn vỡ, cá nằm kẹt trên trên sông Thu, hóa thân thành đất Gò Nổi, tụ khí anh linh…

(ĐS&PL) Con cá kình to lớn lội vào cửa Đại, rồi theo Thu Bồn ngược lên nguồn. Rồi sấm chớp bão giông, mạch đất rạn vỡ, cá nằm kẹt trên trên sông Thu, hóa thân thành đất Gò Nổi, tụ khí anh linh…

Huyền thoại thật đẹp. Mà đâu chỉ là huyền thoại, đất Gò Nổi như chiếc nôi dưỡng nuôi bao anh tài tuấn kiệt, là những con cá kình hiện hữu trong lịch sử xứ Quảng, Việt Nam. Kể sơ qua, đã thấy rợp bóng những cây đa Trần Cao Vân, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Lê Đình Dương, Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Khôi…

Đi ra từ sông Cái, sông Mẹ, những con cá kình của Gò Nổi đã ra đời vẫy vùng, để lại kỳ tích khắp nơi, làm sao kể hết. Riêng chỉ một người, giáo sư Hoàng Tụy, người con của châu thổ Thu Bồn, câu chuyện đương đại đã thấm đỏ phù sa trên địa hạt khoa học và giáo dục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của GS Hoàng Tụy - Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của GS Hoàng Tụy - Ảnh: Quang Hiếu

“Lá hát từ bàn chân thơm tho”, ấy là lời của nhạc, còn trong đời GS. Hoàng Tụy, bàn chân lấm bụi gian nan. Ông xa quê từ sớm và bằng đôi chân trần đi vạn dặm, từ miền Trung đến Việt Bắc, để thỏa nỗi ao ước học toán, dạy toán, rồi trở thành nhà toán học. Chỉ cần kể về “lát cắt Tụy” (Tuy’s cut), "thuật toán kiểu Tụy" (Tuy-type algorithm), lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization) , GS. Hoàng Tụy đã ghi danh là người sáng lập thêm một trường phái toán học của thế giới – trường phái Hà Nội, đặt nền móng ứng dụng cho nhiều ngành khoa học khác.

Hoàng Tụy đã tiếp bước truyền thống hiếu học, học giỏi của đất “Ngũ phụng tề phi”. Ngay gia đình ông có 7 anh em, trong đó có 5 giáo sư hàng đầu ở các lĩnh vực gồm: Hoàng Phê (Ngôn ngữ học), Hoàng Quý (Vật lý), Hoàng Kiệt (Mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (Toán học). Nhưng quan trọng hơn cả, GS Hoàng Tụy đã dồn hết tâm huyết để làm khoa học, trăn trở với việc ứng dụng khoa học để làm giàu mạnh đất nước. Đặc biệt, giáo sư đã dành nhiều năm tháng để vun đắp việc trồng người.

Không ít sóng gió đã nổi lên trong cuộc đời GS. Hoàng Tụy và cũng có lúc ông như con cá kình huyền thoại mắc giữa ba đào. May mắn thay, trên bước đường xa quê, dường như những tình cảm ấm nồng của quê hương xứ sở vẫn thấm đượm, sẻ chia cùng ông. Ví như câu chuyện thấm đượm tình đồng hương, tình trí thức giữa ông và GS. TSKH Nguyễn Đăng Hưng.

GS. Hưng đã đi cùng trời cuối đất vì sự nghiệp khoa học, từng chủ công mở các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế cho gần nửa nghìn thạc sĩ, tiến sĩ Việt Nam. Cho đến mùa hè năm 2004, khi đã 65 tuổi, GS. Nguyễn Đăng Hưng mới có dịp gặp người đồng hương mà mình ngưỡng mộ là GS. Hoàng Tụy.

Dù vậy, tình cảm hai người đồng hương nhanh chóng mặn nồng trong các dịp gặp gỡ trao đổi học thuật và trong những cánh thư. Trong một lá thư cảm ơn GS.Tụy đã dành thời gian viết lời tựa cho một tuyển tập của mình, GS. Hưng chân thành bộc bạch: “Quê của GS. Hoàng Tụy là làng Xuân Đài (nay thuộc xã Điện Quang), quê tôi là làng Bồ Mưng (nay thuộc xã Điện Thắng) huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách nhau chỉ một cánh đồng. Vậy mà tôi phải mất hơn 65 năm mới nhận diện chính xác chỗ đứng đích thực của một người đồng hương, một nhà bác học tầm cỡ thế giới, một tấm lòng cao cả, qua bao dâu bể thăng trầm, đã phấn đấu không mệt mỏi cho nền học thuật nước nhà”.

Cầu Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam quê hương của Giáo sư Hoàng Tụy

Có lẽ cũng vì khâm phục và có sự đồng cảm lớn mà GS. Hưng mới cùng 23 nhà khoa học, giáo sư đại học, trí thức trong và ngoài nước đồng lòng ký vào bản kiến nghị “Chấn hưng, Cải cách, Hiện đại hóa Giáo dục” do GS. Hoàng Tụy khởi xướng. Hành động ấy không đơn giản vì tình đồng hương, mà với một nhà cơ học xuất sắc châu Âu, Giáo sư Ưu tú của Vương quốc Bỉ, hẳn còn có thêm lý do là GS. Hưng đã nghiên cứu và thực sự kính nể các công trình của GS. Hoàng Tụy. Ông đã đánh giá “Lịch sử trí thức Việt Nam sẽ không quên một người sinh ra cách quê tôi có một cánh đồng: người ấy có tên là Hoàng Tụy”.

Những con cá kình xứ Quảng đã vẫy vùng, vang tiếng toàn cầu. Đôi chân họ đã ra đi nhưng sông còn ở lại, đó có thể là dòng sông của quê hương nhưng cũng là của quê xứ tình cảm con người, của những sẻ chia ngay cả lúc cô đơn trên bước đường sáng tạo, làm khoa học...

Hữu Đông/Sức Khỏe 365

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/xa-hoi/song-con-o-lai-a284699.html