Sống có ý thức

Với nhiều người nước ngoài đến du lịch hay làm ăn, sinh sống ở Việt Nam, có hai điều khiến họ sợ hãi, 'mãi vẫn chưa quen', là giao thông và tiếng ồn.

Tiếng ồn từ các xưởng sản xuất đồ gỗ gây nhiều bức xúc cho người dân.

Tiếng ồn từ các xưởng sản xuất đồ gỗ gây nhiều bức xúc cho người dân.

Giao thông thì quá “kinh khủng”, còn tiếng ồn thì cũng “kinh khủng” không kém. Nhưng điều khiến họ lạ hơn, là không thấy xử phạt những người gây ra tiếng ồn quá quy định. Phản ứng chung của họ, cũng như đại đa số người dân Việt Nam là “chấp nhận”, “ngậm đắng nuốt cay”. Những công cụ phản ánh như số điện thoại đường dây nóng cũng không có, hoặc nếu có, thì cơ quan chức năng cũng không xuất hiện kịp thời để xử lý, lập biên bản những người gây ô nhiễm tiếng ồn.

Trở lại với Marko Nikolic. Quan sát của nhà văn kiêm thầy giáo sinh năm 1987 tại Serbia, hiện chọn Việt Nam là quê hương thứ hai, cho thấy việc ứng xử của người dân với nạn ô nhiễm tiếng ồn cũng rất cần thay đổi. “Sống an phận vẫn là lựa chọn của đại đa số chúng ta, tuy nhiên tôi nghĩ rằng sự thụ động này không thực sự tốt. Chúng ta thà chịu làm nạn nhân còn hơn là chủ động, tìm cách đối mặt với vấn đề. Bao nhiêu cửa hàng mở loa, bật nhạc đinh tai mà hàng xóm cứ kệ, không động đậy. Trên xe khách 45 chỗ, tài xế bật nhạc ầm ĩ nhưng không hành khách nào lên tiếng” - Marko Nikolic viết - “Theo tôi, chúng ta cứ tiếp cận người gây tiếng ồn một cách bình tĩnh, thảo luận về vấn đề một cách văn minh và lịch sự. Lưu ý tuyệt đối không nổi giận và đổ lỗi cho họ bởi như người ta nói, bạo lực sinh ra bạo lực. Giống như xả rác nơi công cộng, việc gây tiếng ồn là một thói quen không lành mạnh, bắt nguồn từ sự thiếu ý thức về môi trường và không gian xung quanh. Người ta gây ồn ào vì ý thức chưa đủ cao chứ không phải vì có ý xấu. Và dù gì, theo tôi, điều chỉnh ý thức của con người dù khó khăn nhưng vẫn khả thi”.

Có lẽ vậy, cùng với xử phạt, mỗi người cần phải điều chỉnh ý thức. Người đó có thể là tôi, là bạn, là chủ nhà hàng, là chủ quán ăn, là chủ xưởng đồ gỗ, đồ sắt thép… cho tới những người thợ, những người chạy bàn, phục vụ… Sống có ý thức không phải là khẩu hiệu, mà là lẽ sống, được rèn giũa trong mỗi gia đình, từ khi còn thơ bé. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, cần phải tăng mức xử phạt cũng như tăng sự quyết liệt can thiệp, xử lý của người có trách nhiệm…

thư hoàng - linh anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/song-co-y-thuc-556644.html