Sống có trách nhiệm!

'Sống có trách nhiệm', có 4 từ đơn giản vậy sao khó quá chú nhỉ. - Trách nhiệm là phạm trù rộng, đâu có đơn giản bác. Cái trách nhiệm ở ta xem ra còn 'xa xỉ' lắm. Mà bác nói cụ thể đi, trách nhiệm về vấn đề gì?

- Thì chú thấy đấy, tớ chỉ nói đến trách nhiệm trong tham gia giao thông cũng đã ối cái đáng nói. Đã có biết bao nhiêu lời cảnh báo, như “Sau tay lái là tính mạng con người”; “Đã lái xe thì không uống rượu, đã uống rượu thì không lái xe”… thế mà…

- Quả đúng như bác nói. Vấn đề an toàn giao thông có lẽ tuyên truyền đã nhiều, riêng đối với chuyện nồng độ cồn cao khi lái xe đã có nhiều cuộc hội thảo với chủ đề “uống có trách nhiệm”, mà hiện tượng say xỉn lái xe vẫn diễn ra thường xuyên.

- Chả thế mà trong các vụ tai nạn giao thông, rất nhiều vụ có nguyên nhân từ uống rượu, bia. Gần đây nhất là vụ một nữ doanh nhân gây tai nạn liên hoàn tại TP HCM, khiến một người tử vong và nhiều người bị thương, đã gây nhức nhối trong dư luận.

- Từ một cuộc vui, uống không có trách nhiệm đã gây nên tội ác. Từ sự vô trách nhiệm này đã tước đi cuộc sống của những người vô tội.

- Những kẻ uống không trách nhiệm này biết đâu rằng, từ sự vui quá đà của họ, đã reo rắc tội ác cho cộng đồng. Có những người đã ra đi mãi mãi chỉ vì một phút vô trách nhiệm của họ. Giá như ai cũng hiểu hành vi uống quá chén mà lái xe là vi phạm pháp luật, là dẫn đến tội ác thì sẽ không có những nỗi đau “từ trên trời rơi xuống” như thế.

- Vi phạm pháp luật, rõ ràng là thế rồi. Thế nhưng tại sao những hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra một cách vô tư như thế?

- Vì vậy bên cạnh việc kêu gọi “Uống có trách nhiệm”, cần phải thực hiện nghiêm các chế tài đã được pháp luật quy định. Tớ nhớ có dạo, CSGT cảnh báo sẽ trực tại các nhà hàng ăn nhậu để kiểm tra nồng độ cồn “các quý khách” từ bàn nhậu ra tham gia giao thông. Cứ nghĩ phen này nạn say xỉn lái xe sẽ giảm.

- Bác tính, chuyện “đầu voi đuôi chuột” ở ta không còn là chuyện lạ. Đối với chủ trương kiểm tra nồng độ cồn đối với các “khách quý” bước ra từ bàn nhậu, là một chủ trương rất đúng và chính là biện pháp giảm trừ các TNGT do say xỉn gây ra. Bởi chính từ những cuộc “chén chú chén anh” này đã gây nên bao nỗi đau cho xã hội, cho những con người vô tội, cho ngay cả bản thân người say xỉn tham gia giao thông. Thế nhưng lực lượng nào đủ để ngăn chặn cái “uông vô trách nhiệm” của những |con nhậu”, thành ra cũng khó thực hiện.

- Nếu xét về hậu quả thì rõ ràng lái xe khi say xỉn là khôn lường, song tớ nghĩ các chế tài xử phạt cho hành vi này, mặc dù đã được quy định trong cả xử phạt hành chính và luật hình sự vẫn còn là nhẹ so với hậu quả của nó gây ra.

- Đúng là thế, phạt vài triệu đồng có thấm tháp gì so với hậu quả do say xỉn gây ra. Vì thế không đủ sức răn đe. Nghe nói các nước, họ xử hành vi say xỉn lái xe rất nặng, chưa gây ra hậu quả, nếu phát hiện lái xe khi có nồng độ cồn cao quá mức cho phép đã bị tước bằng lái vĩnh viễn. Còn đã gây ra hậu quả thì tùy theo thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Do vậy bên cạnh việc tuyên truyền, vận động “uống có trách nhiệm”, cần kết hợp với chế tài mạnh. Có như thế mới ngăn chặn được tội ác từ nguyên nhân uống rượu, bia.

- Xung quanh câu chuyện “sống có trách nhiệm”, vủa rồi cũng có chuyện quá đỗi đau lòng. Một người mẹ đang tâm vứt đứa con của mình mới sinh từ tầng 31, chỉ vì sống buông thả, không muốn sự có mặt của đứa con do chính mình sinh ra.

- Nói đến sự sống vô trách nhiệm của một só trong giới trẻ là quá đáng báo động. Câu chuyện mà chú vừa nêu, đau lòng hơn người mẹ tàn ác đó, không phải là một người thiếu hiểu biết, không phải là một người mắc chứng tâm thần, mà lại là một sinh viên của một trường mang tên “văn hóa”.

- Cũng vì sống buông thả, vô trách nhiệm của một số giới trẻ bây giờ trong quan hệ tình yêu, tình dục mà số liệu thống kê cho thấy nạn phá, hút thai ở ta là một trong những nước có tỷ lệ cao nhất thế giới.

- Đúng là vậy, những đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn bị chối bỏ với bao nỗi day dứt của cộng đồng. Những người mẹ bỏ con do hoàn cảnh, có người mong gửi gắm con mình vào một người nào đó còn ít nhiều được thông cảm, chứ bỏ con bằng cách giết con thì người mẹ đó không phải là con người. Cần phải trừng trị.

- Những người vô tội bỗng dưng chết dưới tay lái của những kẻ say xỉn; những đứa trẻ vô tội phải chết bởi chính bàn tay của người mẹ sinh ra…Đó là những tội ác không thể dung thứ.

- Đúng là không thể dung thứ, song để ngăn chặn những tội ác này,trước khi xử lý bằng pháp luật, mỗi người hãy “sống có trách nhiệm”!

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/song-co-trach-nhiem-81853.html