Sống chung với văn hóa tin giả

Người ta không biết 'văn hóa tin giả' đã hình thành từ lúc nào, nhưng nay tràn lan trên các mạng xã hội và cả trong phần bình luận (comment) của những trang báo mạng và các trang web nổi tiếng.

Đã qua rồi thời kỳ vàng son của những chiến dịch tuyên truyền và thông tin một chiều. Với sức sống của công nghệ, tin giả ngày nay là một thứ vũ khí lợi hại cả trong các lĩnh vực riêng tư và chính trị, và hơn hết là trong việc triệt hạ các đối thủ cạnh tranh. Nhiều công ty sản xuất tin giả trực tuyến, cũng được gọi là nhà xuất bản (publisher), cũng xuất hiện nhằm cung cấp dịch vụ cho những ai cần đến.

Facebook cho rằng có chiến lược đối xử với những người vẫn thường xuyên phát đi các tin giả.

Facebook - nạn nhân của văn hóa tin giả

Ngày nay, người dùng mạng xã hội buộc phải sống chung với văn hóa tin giả. Nạn nhân của tin giả không chỉ là những mục tiêu tấn công mà còn là cả cộng đồng và xã hội rộng lớn, và rồi chính các trang web, các mạng xã hội cũng trở thành nạn nhân. Facebook đã sa lầy vào vấn đề quyền riêng tư với vụ Cambridge Analytica và nay là quyết định không đóng cửa đối với những nhà xuất bản tin giả độc hại như InfoWars.

Các trang tin quốc tế cho biết cổ phiếu của mạng xã hội này đã giảm xuống 12% vào hôm 25-7 sau khi công bố tốc độ gia tăng người sử dụng chậm lại chỉ còn 11%/năm, đạt con số 2,23 tỉ người. Vài giờ sau, cổ phiếu Facebook lại tiếp tục giảm, tổng cộng đến 20% khi công ty đưa ra lời cảnh báo các nhà đầu tư rằng lợi nhuận trong năm tới sẽ bị giảm bởi cần nhiều ngân khoản đối phó với nạn tin giả và thực thi bổn phận bảo vệ thông tin cá nhân. Chỉ trong một ngày, giá trị tính trên cổ phiếu của Facebook đã bốc hơi 120 tỉ đô la Mỹ. Nhiều người cũng mong đây chỉ là tin giả như bao nhiều thứ tin giả tràn lan trên đó, nhưng đây lại là tin thật do chính Facebook công bố.

Sự việc trở nên nghiêm trọng từ một tuần trước đó, thứ Tư 18-7, tại sự kiện diễn ra ở New York khi Facebook cho biết họ sẽ không loại bỏ tin giả, mặc dầu trước đó đã đưa ra chiến dịch quảng cáo rằng “tin giả không phải là bạn của chúng ta”. Đại diện cho Facebook, John Hegeman, người phụ trách mảng News Feed, cho rằng: “Chúng tôi tạo ra Facebook làm chỗ cho những người khác nhau có được tiếng nói”. Hegeman tỏ ra lúng túng khi trả lời câu hỏi của phóng viên CNN Oliver Darcy về việc tại sao Facebook duy trì sự hoạt động của InfoWars, một publisher nổi tiếng với thuyết âm mưu đang tạo ra những hệ lụy to lớn và những phản đối mạnh mẽ từ nhiều người nhiều phía. Facebook đã cố thuyết phục các ký giả rằng quyết định của họ là đúng đắn, nhưng xem ra phản ứng của giới đầu tư với mức hạ giá cổ phiều kỷ lục một tuần sau đó không cho là như vậy. Người bàng quan sẽ rất ngạc nhiên với quyết định của trang mạng khi mà xã hội và người dùng cần sự trung thực, tạo nên một sức ép không nhỏ với Facebook dẫn đến việc giảm sút tốc độ đăng ký thêm và cả hạ thấp tương lai lợi nhuận của các nhà đầu tư, cùng với đó là một số người sử dụng trang mạng có ý định chuyển sang mạng khác, và nhiều người cũng bắt đầu giảm đi sự háo hức trước đây. Nhưng bên trong sự lúng túng đó là ‘văn hóa tin giả’ không đơn giản như một cái gai có thể nhổ bỏ: một vấn nạn nay đã trở thành một thứ văn hóa cưỡng bức đối với cả người sử dụng mạng lẫn chủ mạng Facebook.

Trao quyền chế tài tin giả vào tay người sử dụng

Sự kiện diễn ra tại văn phòng Facebook ở Manhattan đã làm cho nhiều người thất vọng khi họ muốn công ty phải đưa ra lời cam kết chống lại tin giả và các hình thức tung tin sai lạc. Rõ ràng là các nhà xuất bản trên trang mạng có thể có những quan điểm khác nhau, nhưng InfoWars không phải là một nhà xuất bản bình thường và những nội dung nó sản xuất ra không chỉ là quan điểm khác biệt mà là những chủ thuyết âm mưu tạo nên gây bất ổn xã hội. Hãng CNN cho biết khi Facebook bảo vệ quyết định cho phép InfoWars hoạt động thì nhà xuất bản này vẫn tiếp tục gieo rắc những âm mưu không căn cứ, như nhà tài phiệt George Soros muốn nắm quyền kiểm soát tất cả máy bầu cử tại Mỹ, hay như tấn công khủng bố 11-9 là chuyện nội bộ.

InfoWars với hơn 900.000 người theo dõi trên Facebook thường tổ chức các cuộc nói chuyện trực tuyến, và ông chủ của nhà xuất bản này là Alex Jones sở hữu hơn 2,4 triệu người đăng ký vào tài khoản trên mạng YouTube.

Đúng như Sara Su, chuyên gia News Feed, nói tại cuộc hội nghị rằng “có đến hàng tấn vấn đề, nào những chủ thuyết âm mưu, nào những tuyên bố gây hiểu lầm… đang làm chúng tôi đau đầu. Nhưng chúng tôi phải tìm ra một định nghĩa để loại bỏ chúng, phải hình dung ra một chính sách, và sản phẩm của chúng tôi đang nhắm đến mục tiêu đó”. Trong một thư điện tử bổ sung sau đó, người phát ngôn Facebook, bà Lauren Svensson, nói những chất vấn về InfoWars thực sự rất căng thẳng, và “chúng tôi đang làm việc cật lực để tìm sự cân bằng thích đáng giữa cổ vũ phát biểu tự do với đầy mạnh sự an toàn và trung thực cộng đồng”. Bà Svensson viết tiếp: “Trong khi chia sẻ tin giả không vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng quy định bởi chính sách, chúng tôi có chiến lược đối xử với những người vẫn thường xuyên phát đi các tin giả. Nếu nội dung của một trang hay một địa chỉ bị đánh giá là giả mạo bởi thành phần thứ ba… chúng tôi sẽ cắt quyền kiếm tiền và ưu tiên quảng cáo nhằm loại bỏ khích lệ tài chính, và mạnh mẽ giảm bớt khả năng phân tán những trang và địa chỉ này”. Nhưng trong khi Facebook cố giải thích vấn đề InfoWars cùng các công ty tương tự trên tài khoản Twitter của mình, thì những ý kiến phê phán từ giới truyền thông mỗi ngày một nhiều, một gay gắt hơn, và hậu quả là các nhà đầu tư lớn tại Facebook đặt vấn đề Mark Zuckerberg rời khỏi chức vụ, sau khi giá cổ phiếu tiếp tục bốc hơi sang ngày thứ hai, tổng cộng đến 146 tỉ đô la Mỹ.

Trong đề tựa ‘Facebook would make a martyr by banning Infowars’, Josh Constine trên trang techcrunch.com liệt kê những “thành tích” mà InfoWars đã tạo nên trên Facebook và đi đến kết luận rằng nếu mạng xã hội này đột ngột loại bỏ tài khoản của nhà xuất bản theo thuyết âm mưu này vì vô tình biến nó thành người tử vì đạo, và thiên hạ sẽ tin những gì InfoWars đã tung ra là sự thật. Con đường mà Facebook đang chọn là dựa trên sự phản ánh của người theo dõi, bao gồm những tổ chức và những người sử dụng mạng để hạ cấp các nhà xuất bản tin giả làm cho chúng ít xuất hiện trên News Feed. Đây là một hình thức khoanh khu, vì một khi tin giả ít xuất hiện lên đầu trang mạng thì thân chủ quảng cáo và người đặt hàng sản xuất tin giả cũng ít đi dẫn đến sự cạn kiệt tài chính.

Như thế, trên nguyên tắc, việc chế tài đối với tài khoản tin giả nay thuộc về bổn phận của người sử dụng mạng.

Tin giả đang bào mòn niềm tin của người sử dụng những trang mạng xã hội.

Bào mòn niềm tin của người sử dụng

Có thể nói, nhiều mạng xã hội hiện đang phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến số người sử dụng tăng chậm hơn hoặc đang giảm bớt, kéo theo sự suy sụp tức thời của giá cổ phiếu và giá trị doanh nghiệp. Những chính sách đề ra từ lâu đã không được cập nhật, và những mối quan tâm của công chúng đã không được giải đáp. Mạng xã hội cho rằng mình đang làm chủ văn hóa, mà một trong những thứ đó là “văn hóa tin giả” đang bào mòn niềm tin nơi người sử dụng.

Theo sau tình trạng tuột dốc giá cổ phiếu tại Facebook, dẫn tới giá trị doanh nghiệp từ 630 tỉ đô la Mỹ tụt xuống còn 510 tỉ đô la chỉ sau một ngày, thì tại Twitter độ dốc tuột giá cổ phiếu cũng không kém. Trang bbc.co.uk cập nhật ngày 27-7 cho biết giá cổ phiếu của Twitter đã tụt xuống 20% sau khi mạng xã hội này công bố họ chỉ còn 335 triệu người dùng thường xuyên, đã không tăng mà còn thấp hơn một triệu so với quý trước. Trước đó Twitter đã nhanh tay loại bỏ các tài khoản tin giả, nhưng xem ra hiệu ứng mất niềm tin từ Facebook đang lan tràn đến các mạng xã hội lớn khác. Xã hội được tạo ra bởi tương tác trên căn bản niềm tin, một khi niềm tin bị khủng hoảng dù là tạm thời cũng dẫn đến khủng hoảng xã hội.

Tình trạng khủng hoảng cũng xảy ra trước đó một tuần với Netflix khi số người đăng ký sử dụng mạng này giảm xuống. Về căn bản Twitter hay Facebook vẫn sinh lời, nhưng về giá trị, các mạng xã hội này ở trong tình trạng choáng váng. Trước đây khi vấn đề quyền riêng tư đặt ra bởi sự kiện Cambridge Analytica ở vào đỉnh điểm, giá cổ phiếu của Facebook cũng đã tụt dốc và phải mất nhiều tháng sau mới gượng lại được. Các chính sách của mạng xã hội đã trở nên lỗi thời vì chính sự độc đoán của họ đối với người sử dụng, và rồi một khi người sử dụng chán ngán thì ngay lập tức gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư và kéo giá cổ phiếu đi xuống, thậm chí nhiều người đã vội bán cổ phần của mình vì không hy vọng lợi nhuận cao.

Trong ngắn hạn, các nhà phân tích đang cố tìm xem những nhân tố nào đang gây ảnh hưởng, ít hay nhiều lên sự tuột dốc của các mạng xã hội. Nhưng về lâu về dài, các nhà lập pháp đang kêu gọi biện pháp quản lý các mạng nhằm đối phó với nạn tin giả, đúng hơn là một thứ ‘văn hóa tin giả’. Ủy ban Thể thao, Truyền thông, Văn hóa và Kỹ thuật số thuộc Quốc Hội Anh đề nghị xem xét các biện pháp căn bản nhằm luật hóa vấn đề tin giả như sau: Một là các mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung tác hại của dịch vụ mình cung cấp; hai là quy định nguyên tắc tranh cử thích hợp với thời đại kỹ thuật số; ba là đánh thuế các công ty công nghệ để dùng cho việc giáo dục và quản lý; và bốn là đưa các mạng xã hội vào diện kiểm toán. Châu Âu có nhiều kinh nghiệm luật hóa hoạt động mạng, sau khi họ đã cho ra đời luật bảo vệ quyền riêng tư GDPR.

Anh Vũ

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276877/song-chung-voi-van-hoa-tin-gia-.html