Sống chung với robot

Kỷ nguyên robot đang hiển hiện. Con người sẽ lựa chọn cách đứng cạnh người bạn mới này.

Một thế giới có robot sống cùng, điều tưởng chỉ có trong phim, truyện khoa học viễn tưởng nhưng với sự xuất hiện của các công nghệ như tương tác thực tế tăng cường (AR) trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT)... lại dần trở thành hiện thực.

Trong cuốn sách What To Do When Machines Do Everything”, tổ chức tư vấn kinh doanh Cognizant từng dự đoán trong vòng 10-15 năm tới, 12% số lượng công việc tại Mỹ sẽ được tự động hóa, không cần đến sự tham gia của con người nữa. Còn theo Tiến sĩ Ian Pearson, điều hành Futurizon, một viện nghiên cứu về tương lai, đến năm 2050, các robot thông minh sẽ giúp chúng ta thực hiện phần lớn công việc nhà.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự đoán đến năm 2022, robot và AI có thể tạo ra hơn 130 triệu việc làm trên toàn cầu, gần gấp đôi số 75 triệu việc làm có thể bị những công nghệ này cướp mất. Dưới góc nhìn của ông Ian Pearson thì cuộc sống hằng ngày của chúng ta, sau 30-40 năm nữa, có thể sẽ không còn giống với bây giờ. Khi đó, robot sẽ thay con người làm việc, lo các việc nhà cửa, chợ búa, giữ trẻ, quản gia... Lúc ấy, việc mua sắm thực phẩm hằng tuần sẽ chỉ là kỷ niệm quá khứ vì robot, với trí thông minh cài đặt sẵn, sẽ biết chính xác khi nào thì người dùng cần nguyên liệu gì. Robot sẽ tái đặt hàng các món trong nhà sử dụng gần hết.

Viễn cảnh robot gắn bó với con người trong cuộc sống thường nhật được hình dung đậm nét đến mức, David Levy, nhà nghiên cứu người Anh, trong một luận án tiến sĩ đã tin rằng, vào năm 2050, robot và con người có thể kết hôn hợp pháp.

Thực tế, số lượng robot toàn cầu đang ngày càng gia tăng, trung bình 15%/năm, theo số liệu của các nhà sản xuất robot như FANUC (Nhật). HBSC ước tính, “dân số” này sẽ tăng lên 414.000 vào năm 2019. Trung Quốc là nước mua nhiều robot nhất, còn Nhật, châu Âu là những nhà cung cấp robot hàng đầu. Khi robot trở nên đông đúc, là một phần không thể thiếu trong thế giới tương lai, như Brett King từng nhận định, thì chính robot sẽ là đối tượng sử dụng chủ yếu các máy móc, thiết bị. Điều này đặt ra bài toán mới cho các nhà sản xuất.

Thay đổi đầu tiên, theo mường tượng của Samsung là sẽ có nhiều nhà siêu cao tầng, có thể lên đến 8.000 tầng. Khi đó, con người sẽ phải dùng những máy bay tự lái để di chuyển giữa các tầng, vì thang máy không thể hoạt động đảm bảo.

Trong thành phố với những tòa nhà chọc trời, ông Ian Pearson cho rằng, các ngôi nhà sẽ mang đậm dấu ấn cá nhân. Trong ngôi nhà đó, công nghệ AR sẽ có mặt khắp nơi, tạo ra các hình ảnh mô phỏng, theo sở thích cá nhân. Về phần thiết bị gia dụng, sẽ giao tiếp với nhau nhờ kết nối công nghệ. Trước mắt, người ta đã thấy những hãng gia dụng nổi tiếng thế giới như Beko tạo ra máy giặt có thể giặt nhanh hơn tới 50% so với thông thường. Hay tủ lạnh Beko có thể bảo quản trái cây, rau quả trong hơn 30 ngày.

Ông Ian Pearson tin rằng: “Công nghệ sẽ giúp con người giải phóng thời gian và cho phép mỗi người quyền kiểm soát cuộc sống tốt hơn”. Những vấn đề về robot, 4.0 tưởng chừng như quá xa vời tại một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhưng lại đang hiện diện ngày càng rõ nét.

Phát biểu về công nghệ 4.0, CEO VietJet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng nhìn nhận: “Công nghệ chỉ là công cụ, phương tiện để hiện thực hóa ước mơ của con người. Vì thế, đừng e ngại công nghệ 4.0 làm mất đi công ăn việc làm mà nên đón nhận xu hướng, ứng dụng vào thực tiễn để tăng năng suất lao động, tạo ra việc làm ở các lĩnh vực sáng tạo và văn minh hơn”.

Mặc dù vậy, theo ông Klaus Schwab, Chủ tịch WEF, muốn nhận được những lợi ích về việc làm từ công nghệ đòi hỏi phải tăng cường đầu tư vào công tác đào tạo và giáo dục để giúp người lao động thích nghi.

Kỷ nguyên của robot đang đến. AI sẽ thay đổi tương lai của công việc mãi mãi. Nhưng cho đến khi robot đạt tới mức giống người hơn một chút, chúng vẫn sẽ cần có con người bên cạnh. Việc của con người là tự nâng cấp bản thân và tiếp tục học cách điều khiển những robot ngày càng thông minh hơn.

Thủy Ngọc

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-601-3326138