Sống chung với ngập

Câu chuyện trong suốt tuần qua trong lĩnh vực dân sinh là mưa lũ, ngập lụt và tìm cách để chống đỡ, vật lộn với tình trạng này.

Hình minh họa

Nếu như đợt mưa trước đã làm ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ,... thì đến đợt mưa này ảnh hưởng của nó đã lan rộng đến trung du và đồng bằng, đáng kể nhất là thành phố Hà Nội.

Không ai có thể ngờ Thủ đô lại là rốn lũ, cho dù chỉ thuộc ngoại vi như Quốc Oai, Chương Mỹ. Nội đô thì khỏi phải bàn bởi sau bất kỳ một cơn mưa lớn nhỏ nào đường đã biến thành sông không nhiều thì ít, người dân và công chức Thủ đô đã quá quen thuộc với việc đó rồi. Đáng chú ý là hiện tượng “biển nước” ở cửa ngõ thành phố và tuy nắng đã lên mà nước không chịu rút đi.

Hàng nghìn căn nhà đã ngập sâu trong nước, gia súc và gia cầm được ưu tiên lên nơi cao ráo còn con người thì buộc phải thích nghi với cuộc sống trong nước. Đủ các loại vật dụng trở thành thuyền bè đi lại từ hộp xốp, thùng phi, chậu tắm đến xăm, lốp ô tô, bể bơi trẻ em hoặc bất cứ thứ nào có thể nổi được. Hình ảnh một người phụ nữ bơi trên cái lốp ô tô đến trụ sở UBND xã là một hình ảnh khó quên mặc dù nó rất đáng quên.

Nếu như ở Lào Cai, đến ngày 1/8 mới tạm khai thông được những con đường sạt lở thì ở Hòa Bình, hàng chục căn nhà kiên cố của người dân đổ ụp xuống sông trước con mắt bất lực của chủ nhân và gia đình. Quảng Ninh với những con đường huyết mạch ngập sâu trong nước nhưng đáng kể nhất là cư dân thành phố Hạ Long phải hứng dòng bùn từ những công trình xây dựng dở dang trút xuống, làm biến màu cả nước vịnh trong xanh. Dân ở đây phải sống chung với bùn đất!

Tính đến ngày 31/7 đã có 193 người chết, mất tích hoặc bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 6000 tỷ đồng trong lũ lụt kể từ đầu năm. Chính quyền địa phương đã tập trung sức người, sức của chống lũ lụt, cố gắng đảm bảo để dân không bị cô lập, không bị đói, không lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Song, có lẽ những cố gắng đó chỉ là giải pháp nhất thời, cái quan trọng hơn là về lâu dài không để tình trạng ngập lụt tái diễn nữa.

Nguyên nhân thì mọi người đều biết, không thể đổ tại trời mưa lớn vì đó cũng chỉ là một nguyên nhân, còn lại là do con người với những hành vi tàn phá thiên nhiên, xâm hại môi trường, lấp hồ ao, cống rãnh, bức tử những dòng sông,...

Trong ngập lụt, cũng bộc lộ cách ứng xử và ý thức của nhiều người “chưa vượt khỏi lũy tre làng” khi những chiếc xe cậy mình máy khỏe, gầm cao băng băng xé nước, xô đổ hàng loạt xe máy và người lái trên đường phố. Người lớn, trẻ em tắm táp và đùa giỡn trên đại lộ trước ngay các phương tiện đang qua lại, các xe ô tô, xe máy không theo làn nữa mà dàn hàng ngang lội nước, khiến giao thông tê liệt. Thậm chí, nhân lũ lụt thanh nữ Hà thành có dịp “bung lụa” khoe thân trên những con đường đã hóa thành sông, ngay bên cạnh những ngôi nhà chìm trong biển nước.

Dân phải tập để thích nghi sống chung với ngập nhưng chính quyền thì không thể để điều này xảy ra nhiều lần nữa. Tình trạng này làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt người dân, thiệt hại về kinh tế rất lớn, sinh mạng con người bị đe dọa thì dứt khoát không để nó tái diễn được rồi!

Khánh An

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/song-chung-voi-ngap-405847.html