Sống chung với bão

Năm 2016, siêu bão Haiyang với sức gió giật 270km/giờ khiến nhiều làng chài náo loạn, đóng cửa bỏ chạy. Nhưng riêng các làng chài ở dọc tỉnh Quảng Nam thì trụ lại, đào hầm cát chui xuống. Hình ảnh người dân chui xuống hầm cát không khác gì còng gió ẩn mình trên bãi biển.

Hình ảnh đáng sợ khi sóng lớn tràn vào làng chài trong cơn bão số 9. Ảnh: Văn Chương

Hình ảnh đáng sợ khi sóng lớn tràn vào làng chài trong cơn bão số 9. Ảnh: Văn Chương

Hầm cát

Thời điểm bão số 9 và cơn bão số 13 đổ bộ vào miền Trung, người dân ở các làng chài bắt đầu nhắc đến căn hầm cát trú bão của người dân ở làng chài xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Làm hầm cát khá đơn giản, bà con chỉ cần đào một hố sâu ngang với chiếc thúng rộng hơn 2m, sau đó úp chiếc thúng xuống và phủ thêm tấm vải bạt lên trên. Chiếc thúng giống như mu rùa úp xuống, mặt cắt gần ngang với mặt đất, vì vậy người dân chui vào thúng và yên tâm chờ bão đi qua.

Khi nghe tin bão số 9 ập vào đất liền, nhiều người dân ở đây tiếp tục xây dựng hầm cát để trú bão. Gia đình anh Phạm Bình ở thôn Hà Bình đã tổ chức xây dựng hầm tránh trú bão kiên cố hơn mô hình hầm làm từ chiếc thúng úp. Đó là đào sâu xuống cát một chiếc hố sâu ngang đầu người, sau đó chèn bao xi măng dồn cát để chống sập khi nước mưa ngấm xuống. Từ trong hầm có thể quan sát ra bên ngoài qua một ô cửa nhỏ như lỗ châu mai. Chiều ngang căn hầm cát rộng từ 3 đến 4m, đủ sức chứa trên 10 người.

Người dân ở các địa phương khác dọc tuyến biển ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) cũng đào hầm cát để tránh bão. Đặc điểm chung ở các địa phương này là xóm làng nằm trên bờ cát rộng, bờ cát nằm trên những khu vực cao, rộng và vắng vẻ. Nhà cửa ở khu vực này thưa thớt, nằm thấp thoáng trong rừng phi lao. Những chiếc thúng được úp làm hầm tại các vị trí không bị cây đổ ngã đập. Miệng hầm trú ẩn được chèn thêm vài bao cát. Trong căn hầm dân giã này đặt vài phích nước sôi nấu sẵn để mọi người ăn mì tôm, mặc kệ cho gió hú.

Hầm tránh bão đào dưới nền cát và úp thúng lên trên của bà con ngư dân ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Văn Chương

Làm hầm cát trú bão là cách phòng bị và lo xa của người dân địa phương. Nếu quan sát nhà cửa của bà con ở đây thì có thể thấy, nhiều ngôi nhà được chằng chống rất kỹ, trước khi chất bao cát lên mái. Bà con buộc néo nhiều sợi dây thừng từ mái tôn xuống gốc cây dưới mặt đất. Phương pháp sử dụng lưới để úp lên mái tôn, sau đó buộc thắt mối dây xuống dưới đất là cách chèn chống nhà độc đáo và một số người dân ở tỉnh Quảng Nam đã áp dụng, sau đó kiểm nghiệm là phát huy tốt.

Lô cốt chống bão

Trước những cơn bão mạnh, gió giật cấp 15 ập vào miền Trung, người dân ở các địa phương ven biển bắt đầu lục đục dọn dẹp lại căn hầm tránh trú bão đã nhiều năm không sử dụng đến. Tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ông Võ Văn Lắm, nhà ở đối diện với mặt biển đã mở cửa căn hầm, quét dọn, đưa vào một thùng mì tôm, sau đó quay ra buộc néo hiên nhà, chặn mái tôn, sẵn sàng đối phó với cơn bão số 9. Thôn Châu Thuận Biển có địa hình giống như một eo biển lớn. Vào mùa biển động, làng quê này giống như chiếc phễu hút gió. Để khỏi phải rời bỏ nhà cửa mỗi khi nghe tin bão, ông Lắm đã xây dựng hầm tránh bão ngay trước sân. Bình thường, nóc chiếc hầm để phơi cá mực, khi có bão thì làm nơi tránh trú.

Tôi thử cảm giác khi chui vào căn hầm rộng khoảng 8m2. Khi chui vào trong góc hầm, âm thanh ầm ầm của gió biến mất. Mái hầm chỉ cao trên mặt đất khoảng 1m, cửa ra vào chỉ vừa lọt người. Kết cấu vách hầm được xây dựng bằng đá núi. Căn hầm chắc chắn như một boong ke. Ông Lắm cho biết, cứ có bão lớn là chuẩn bị sẵn phích nước sôi, thùng mì tôm, bát đĩa, nước uống. Vậy là cho con cháu chui vào ngồi, ăn mì tôm lót dạ, chờ khi bão đi qua.

Tại địa phương này, có những gia đình xây dựng lô cốt chống bão, nhưng vị trí lô cốt nằm chung trong kết cấu của ngôi nhà, như một căn hầm bí mật, đó là nhà bà Nguyễn Thị Hòa. Tôi xin nêu chi tiết về căn hầm này để người dân ở vùng thường chịu ảnh hưởng của thiên tai học hỏi và áp dụng. Ngôi nhà của bà Hòa có chiều ngang khoảng 7m2, nhà được xây dựng theo kiểu nhà ngang. Chính giữa nhà đặt một bàn thờ, bên trái đặt một giường ngủ của chủ nhà. Miệng cửa hầm nằm ngay vị trí giường ngủ.

Tác giả thử cảm giác khi chui vào hầm tránh trú bão được xây dựng như boong ke ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Chương

Bà Hòa cho biết, nếu lỡ bão lớn thì vào hầm tránh bão. Căn hầm của gia đình bà cũng được xây dựng như một boong ke chắc chắn. Nhưng từ trong căn hầm này có thể quan sát ra ngoài qua các ô cửa sổ nhỏ giống như lỗ châu mai. Hơn 20 năm trước, khi người dân ở địa phương chủ yếu sinh sống trong các ngôi nhà cấp 4 được xây dựng bằng đá ong, rất ít nhà có kết cấu tường gạch xi măng, cột bê tông, gia đình bà đã xây dựng căn hầm để phòng khi có bão lớn.

Đi đến các ngôi làng nằm ven biển được người dân xây dựng hầm tránh bão, có một điểm chung là nhiều năm trước, hầm tránh trú bão được người dân sử dụng khá thường xuyên, cứ đến mùa đông thì quét dọn sạch sẽ. Còn hiện nay, do đời sống kinh tế phát triển, nhiều ngôi nhà có kết cấu bê tông chắc chắn được xây dựng ở làng chài. Vì vậy bà con thường tập trung sang các ngôi nhà này để trú bão, khi nghe tin cấp siêu bão thì mới quét dọn, vào hầm tránh bão để trú ẩn.

Trường học, đồn Biên phòng

Việc xây dựng nhà tránh trú bão ven biển cho người dân có thực sự cần thiết hay không? Trong thực tế thì những ngôi nhà này có thể chỉ gây ra sự lãng phí, vì có khi cả năm mới đưa vào sử dụng một vài lần, nhà cửa không có người ở thường xuyên càng mau xuống cấp. Trong những cơn bão mạnh vừa qua, các điểm trường, đồn Biên phòng chính là nơi tránh trú bão cho người dân. Quan sát thiệt hại của các ngôi trường sau những trận bão lớn, chính quyền các địa phương ven biển rút ra kinh nghiệm, khi người dân vào trú bão tại trường học thì chỉ ở dưới tầng 1, còn tầng 2 thường bị tốc mái nên khóa cửa dẫn lên cầu thang.

Đồn Biên phòng nằm trên tuyến biển, nhất là đồn Biên phòng nằm ở các đảo đều là điểm tránh trú bão cho người dân. Tại Đồn Biên phòng Nhơn Châu, BĐBP Bình Định nằm trên đảo Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định, mỗi khi có bão thì người dân chạy vào đồn, trước sân đồn còn trở thành điểm tập kết thuyền thúng của ngư dân. Sau những trận bão lớn vừa qua, các đồn Biên phòng không bị hư hại, nên người dân càng yên tâm và xem đây cũng là bong ke để tránh bão tốt nhất.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/song-chung-voi-bao-bai-truyen-thong-post435451.html