Sống chung mối họa

Giang hồ mạng Phú Lê (Lê Văn Phú) và đồng bọn bất ngờ được TAND huyện Đan Phượng (TP Hà Nội) trả tự do, gây nghi ngại trong dư luận xã hội.

Trước đó, Phú chỉ đạo hai đàn em hành hung một phụ nữ. Nạn nhân làm đơn tố cáo, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, sau đó Phú và hai đàn em bị khởi tố với tội danh "Cố ý gây thương tích". Theo lịch xét xử thì 15-12 này là ngày nhóm bị can này hầu tòa, song theo TAND huyện Đan Phượng, vụ án được đình chỉ xét xử, các bị can được trả tự do là vì nạn nhân vừa rút đơn đề nghị khởi tố.

Phú Lê thời điểm bị bắt giữ

Phú Lê thời điểm bị bắt giữ

Theo các chuyên gia pháp lý, căn cứ theo luật hiện hành, TAND huyện Đan Phượng làm vậy không sai, thế nhưng tòa có thể chọn hướng xử lý khác để thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, đó là vẫn đưa vụ án ra xét xử, cho dù nguyên đơn thật sự có rút lại đề nghị khởi tố.

Quyết định của tòa khiến dư luận hoài nghi có hay không tiêu cực ở hậu trường? Trên tất thảy là mối lo về một tiền lệ đáng sợ, tiềm ẩn mầm mống nguy hại cho xã hội: Hễ ai phạm tội mà bằng cách nào đó khiến nạn nhân rút đề nghị hình sự hóa hoặc làm đơn bãi nại thì được trả tự do, chỉ chịu phạt hành chính rồi xem như không có chuyện gì xảy ra! Sự nghiêm minh của pháp luật theo đó chắc chắn bị suy suyển. Đối với các đối tượng giang hồ mạng, bị truy tố rồi được tha bổng kiểu vậy có khác nào thả hổ về rừng, cộng đồng không lo lắng sao được!

Trường hợp tương tự như thế tưởng hiếm có nhưng thực tế thì lại khá phổ biến. Còn nhớ, trước khi Công ty Địa ốc Alibaba bị pháp luật sờ gáy, hàng ngàn người đã dính vào cái bẫy do doanh nghiệp này giăng ra. Những người đổ tiền vào đất nền của Alibaba luôn tin sái cổ về khoản lợi kếch xù sẽ thu được sau khi dự án thành hình, bất chấp mọi cảnh báo đó là đất "ma". Công ty này thì loan tin cách thức mình kinh doanh không phải là mua bán mà là góp vốn đầu tư, tức người góp vốn (khách mua đất) cùng hưởng lợi và cùng chịu rủi ro, vì lẽ ấy luật pháp không làm gì được Alibaba. Còn các địa phương - những nơi Alibaba vẽ dự án ảo để huy động vốn - thì luôn chứng tỏ mình vô can.

Thế là Alibaba được nước làm càn, thu vào hàng ngàn tỉ đồng. Nếu vòi bạch tuộc này không bị chặt đứt thì còn khối người rơi vào cảnh tan nhà nát cửa. Nhưng nói đi cũng cần nói lại, để Alibaba làm trời làm đất trong một thời gian dài như vậy phải có trách nhiệm của một số cơ quan thẩm quyền. Trách nhiệm của nhà quản lý công là phải chặn đứng những mối nguy hướng về phía công chúng chứ không phải bỏ mặc cho người dân sống chung với những hiểm họa, dù vì bất kỳ lý do gì...

Đến bây giờ, những mối nguy như Alibaba còn không? Còn, còn nhiều nhưng quy mô nhỏ hơn. Hàng loạt giám đốc doanh nghiệp bất động sản bị bắt thời gian gần đây vì lừa bán đất "ma" cho khách hàng cho thấy điều đó. Tình trạng rao bán đất "vịt trời", mở bán đất dự án dù chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt vẫn đang diễn ra rầm rộ. Để những cái bẫy có độ sát thương cao này tồn tại trong xã hội mà chẳng ai chịu trách nhiệm, là sao?

Hoài Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/song-chung-moi-hoa-20201213223428753.htm