Sống chủ quan là dễ 'kết bạn' với ung thư

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa khiến mạng xã hội “sôi sục” khi cho rằng “Không có căn cứ nói bệnh ung thư chết nhiều là do an toàn thực phẩm”. Nhiều chuyên gia y tế cũng khẳng định, thực phẩm bẩn chỉ là một trong nhiều nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ ung thư.

Chủ yếu do lối sống

PGS –TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K T.Ư có nhiều năm nghiên cứu về ung thư từng khẳng định, khoa học chứng minh có trên 80% nguyên nhân gây ra ung thư là do môi trường bên ngoài mà tác hại to lớn nhất là thuốc lá. Theo PGS Thuấn, có đến 30% các ca ung thư có liên quan đến thuốc lá. Còn nếu tính riêng ung thư phổi thì 90% liên quan đến thuốc lá. Ngoài ra, thuốc lá còn gây ra nhiều ung thư khác như khoang miệng, vòm họng, thực quản, thậm chí cả ung thư vú, ung thư cổ tử cung.

Đa số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn (Ảnh: Chờ khám bệnh tại Bệnh viện K T.Ư). Ảnh: D.L

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, những nguy cơ gây ung thư phổ biến nhất có thể phòng tránh được lần lượt là: Hút thuốc lá, uống rượu bia, thừa cân béo phì và thiếu hoạt động thể lực, nhiễm virus HPV lây truyền qua đường tình dục, các tác nhân ung thư nghề nghiệp. Ngoài ra còn các yếu tố quan trọng khác làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như nhiễm virus viêm gan B, C (gây ung thư gan), ô nhiễm môi trường, thực phẩm, chất phóng xạ…

Ngoài ra có thể kể đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý nhiều thịt, ít rau xanh, đặc biệt là dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm dùng các hóa chất bảo quản không được phép hoặc vượt ngưỡng cho phép. Các thói quen sinh hoạt hoặc chủ quan của người dân như ăn nhiều cà, dưa muối, ăn gạo mốc, bánh mốc… cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Hiện nay, tình trạng gia tăng các bệnh nhiễm trùng cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Cụ thể, người nhiễm virus viêm gan B, nhiễm virus HPV cổ tử cung, nhiễm vi khuẩn HB dạ dày đều có nguy cơ mắc ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày cao hơn người khỏe mạnh. Và chỉ một tỷ lệ nhỏ các ca ung thư liên quan đến yếu tố di truyền.

Theo PGS Thuấn, những lao động làm việc liên quan đến môi trường độc hại, tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá, thuốc trừ sâu, môi trường có tia phóng xạ… đều làm tăng nguy cơ ung thư.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân làm gia tăng bệnh nhân ung thư là do tuổi thọ của người dân Việt Nam ngày càng cao. Người già cơ thể cũng sẽ bị lão hóa, nhiều bệnh mãn tính, nhiễm trùng nên nguy cơ ung thư cao hơn. Đơn cử, nam giới càng cao tuổi càng dễ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Còn ở phụ nữ, tuổi càng cao nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và ung thư vú càng lớn, đặc biệt ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh (45-50 tuổi).

“Trước đây chúng ta ít thấy ung thư, vì chúng ta sống không đủ lâu để ung thư phát tác. Nếu 30-40 tuổi ung thư thì đáng ngại nhưng trên 60 tuổi ung thư là chuyện bình thường” - một bác sĩ nhận định.

Rượu - thủ phạm hàng đầu gây ung thư

Theo GS-TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), rượu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều bệnh ung thư. Theo GS Khoa, ngày càng nhiều bệnh nhân bị ung thư mà nguyên nhân có sự tác động của rượu, đặc biệt là những bộ phận cơ thể rượu “đi qua” như vòm họng, thực quản, gan, dạ dày, trực tràng, rồi đến các nội tạng khác, kể cả xương.

Còn PGS-TS Trần Thanh Hương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng, chống cứu ung thư (Bộ Y tế) chia sẻ, cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế căn cứ trên các bằng chứng khoa học đã đưa ra kết luận: Rượu bia là tác nhân nguy cơ gây mắc ít nhất 7 loại ung thư ở người, gồm: Ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.

Theo ông Trương Đình Bắc - Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam, số ca tử vong vì ung thư chiếm khoảng 18% tổng số ca tử vong trên cả nước, chỉ xếp thứ hai sau số tử vong do các bệnh tim mạch. Mỗi năm, nước ta có khoảng 126.000 ca mới mắc bệnh ung thư các loại và 95.000 người tử vong do ung thư. Năm bệnh ung thư thường gặp nhất ở nam giới là ung thư phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng và vòm họng, còn 5 bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới là ung thư vú, phổi, gan, cổ tử cung và dạ dày.

GS Khoa khuyến cáo, đa số các nguyên nhân gây ung thư đều do lối sống chủ quan của người dân. Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ gây ung thư cho mình và các thành viên trong gia đình thì mỗi người đều cần tự dựng barie để bảo vệ mình như: Không hút thuốc lá, không uống rượu bia, không ăn quá mặn, ăn nhiều rau ít thịt, luyện tập thể thao, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc… Đồng thời, người dân phải thường xuyên đi khám để tầm soát ung thư, phát hiện bệnh từ sớm để kịp thời chữa trị.

“Hầu hết các bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Khi đó, chi phí chữa bệnh cũng thấp. Nếu để đến khi đau đớn, sụt cân mới đi khám thì ung thư đã ở giai đoạn muộn, có khi mất tiền tỷ vẫn không cứu được” – GS Khoa cho biết.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/song-chu-quan-la-de-ket-ban-voi-ung-thu-764210.html