Sông Chảy quằn quại vì vấn nạn tàu cuốc 'móc ruột'

Vùng bưởi tiến vua nằm bên bờ sông Chảy nổi tiếng của miền núi phía Bắc đang tan vỡ từng mảng trôi xuống sông Chảy do nạn đào cát sỏi...

Tàu hút cát tập kết tại bến Cửa Ngòi của Cty Trường Phát

Nỗi uất nghẹn của người dân hàng ngày nhìn thấy của cải và mồ mả cha ông trôi xuống sông mà không làm gì nổi trước những chiếc tàu cuốc to như những ngôi nhà hai, ba tầng ngày đêm móc ruột dòng sông đinh tai, nhức óc…

Vùng bưởi tiến vua

Thôn Khả Lĩnh nằm ven bờ sông Chảy giáp gianh 3 tỉnh: Yên Bái, Tuyên Quang và Phú Thọ. Nơi đây còn có tên gọi là Khả Lĩnh Trang, gắn với tên tuổi vị quan lương Ngô Vi Lã thời vua Lê trung hưng. Do chán ghét nhà vua bạc nhược, triều chính rối ren, dân tình khốn khổ, nhân một lần Ngô Vi Lã được triều đình cử đi thu lương thảo khu vực phía Bắc sông Hồng, ông mang theo gia đình, vợ con và những người thân tín trên mấy chiếc thuyền ngược sông Hồng, sông Lô với ý định theo chúa Bầu đang trấn trị ở Tuyên Quang chống lại triều đình. Trên đường đi gần tới nơi thì nghe tin chúa Bầu bị bại, nên vội rẽ vào sông Chảy ngược lên, tới Khả Lĩnh thì dừng lại lập làng, đổi tên là Nguyễn Viết Lãng. Tại đây ông phá rừng làm ruộng nương, biến vùng đất vắng vẻ ven bờ sông Chảy thành xóm làng trù phú. Khả Lĩnh Trang bắt nguồn từ đó.

Thôn Khả Lĩnh có những cây bưởi cổ thụ, quả mọng múi đều, tôm mọng nước, ăn ngọt mát ngon nổi tiếng. Cháu con của Ngô Vi Lã về mùa thu hái bưởi đã thả những bè bưởi xuống dòng sông Chảy như muốn gửi thông điệp cho những người ở cuối dòng sông về một vùng quả ngọt nơi này. Lần theo dấu vết những bè bưởi đó, người ta biết tới Khả Lĩnh một vùng bưởi ngon ngọt. Quan lại địa phương hàng năm đều chọn những trái bưởi ngon nhất mang về tiến vua. Từ đó người ta gọi bưởi Khả Lĩnh là bưởi tiến vua. Nơi đây còn một số cây bưởi cổ thụ hơn trăm tuổi, như chứng thực mảnh đất tổ tiên của giống bưởi quý này.

Tàu cuốc móc ruột lòng sông

Dòng sông Chảy sau khi băng qua hai ngọn thác hung dữ nhất là Thác Bà và Thác Ông bỗng trở nên hiền hòa khi chảy qua hai xã Hán Đà và Đại Minh, bao nhiêu năm nay người dân đã nuôi cá lồng bè trên dòng sông. Không hiểu lý do nào, ngày 7/10/2010, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp cho Cty CP khai thác chế biến khoáng sản Trường Phát (Phú Thọ) được quyền khai thác cát sỏi trên đoạn sông Chảy ở hai xã này trên diện tích 22 ha, thời gian 17 năm, công suất 20.000m3/năm, trữ lượng được phép khai thác 313.352m3 cát sỏi. Sau khi hoàn tất các thủ tục năm 2014 Cty Trường Phát tiến hành khai thác. Theo nguồn tin của chúng tôi, tỉnh Phú Thọ trước đó cũng đã cấp phép cho Cty Đô Thị khai thác cát sỏi trên đoạn sông này thuộc địa phận xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng.

Tàu cuốc, những hung thần móc ruột, tàn phá dòng sông

Với chiều dài hơn 2km mà có tới mấy chục chiếc tàu hút cát và dăm sáu tàu cuốc hoạt động suốt ngày đêm, tiếng máy nổ đinh tai nhức óc khiến cuộc sống của người dân cạnh đó bị tra tấn bởi tiếng ồn. Trẻ em nửa đêm khóc thét lên vì hoảng loạn. Người già không ngủ được vật vờ như những bóng ma. Nhiều người nhìn bờ sông lở ùm ùm xuống nước mà khụy xuống vì đau đớn và xót xa.

Bà Lê Thị Hòa, thôn Quyết Tiến 12, người gầy tong teo như que củi, do nhiều đêm mất ăn mất ngủ vì bờ sông lở nuốt gần hết vườn tược của gia đình. Thấy đoàn công tác của huyện Yên Bình ra thị sát dòng sông, giọng bà như khóc: "Các ông bà cán bộ ơi, hãy thương người dân chúng tôi với, bãi ngô, vườn bưởi của chúng tôi bị sụt lở hết xuống lòng sông do những chiếc tàu ngày đêm hút cát thì chúng tôi sống sao nổi?".

Chỉ những gốc bụi tre và bưởi còn nằm trên sông cách bờ hơn 30m bà Hòa nói: "Bờ sông mấy năm trước nằm ở ngoài kia, ngoài cùng là rặng tre, tiếp đến là những hàng keo sau mới đến bãi ngô và vườn bưởi. Bây giờ các ông bà nhìn xem sạt lở đến tận đây, cứ kiểu khai thác cát sỏi như thế này thì chả mấy chốc chỗ này cũng bay xuống lòng sông mất".

Tàu chở cát bên bãi cát đã được kè lấn bờ sông xã Đông Khê

Trong lúc bà Hòa đang nhảy lên đanh đách vì xót xa, thì 5-6 người dân từ đâu kéo đến, tranh nhau bày tỏ nỗi bất bình và sự cay đắng vì những chiếc tàu cuốc đào hút cát làm sạt lở bờ sông. Bà Đoàn Thị Mai dẫn tôi đến khu nghĩa địa của gia đình, nói như khóc: "Vườn bưởi nhà tôi mấy chục gốc lở hết xuống sông rồi, đến mồ mả cha ông cũng sắp trôi xuống sông. Mấy hôm mưa to bà Huyền (Chủ tịch xã Đại Minh) đến tận nhà bảo: Gia đình chuyển mộ các cụ vào phía trong ngay đi, mưa gió thế này không biết thế nào đâu. Gia đình chúng tôi vội vàng bốc vội mộ các cụ vào phía trong mà xót xa quá"...

Anh Trần Xuân Liên nói với giọng bức xúc: "Ba năm nay khi tàu cuốc đến khai thác cát sỏi, khiến bãi soi nhà tôi dài 100m, sâu 40-50m lở hết xuống sông. Gia đình có 8 cây bưởi cổ thụ, năm ngoái thương lái đến đặt 100 triệu đồng, gia đình phải trả lại tiền vì 5 cây trôi mất xuống sông". Nói rồi anh dẫn tôi đến 2 cây bưởi còn lại, trong đó một cây đã chặt sát gốc để giảm bớt trọng lượng làm lở bờ sông, nhưng rễ thì chìa ra bờ sông quá nửa.

Người dân phản ánh kể từ khi các tàu khai thác cát sỏi kéo nhau tới, bờ sông Chảy bị lở dữ dội. Lòng sông sâu hun hút, bờ sông không còn thoai thoải mà dựng đứng, nhiều đoạn nứt toác đợi ngày đổ ùm xuống sông.

Lấn sông làm bãi chứa cát sỏi

Bà Nguyễn Thanh Huyền- Chủ tịch xã Đại Minh chỉ dòng sông Chảy, cho hay: "Theo bản đồ 364 thì đất Đại Minh nằm sát lũy tre bờ sông thôn Thượng Khê, để có chỗ chứa cát sỏi, các tàu hút cát phía bên ấy đã xếp đá lấn ra sông, thành ra dòng nước tạt sang bờ bên Đại Minh càng mạnh gây ra sạt lở ngày càng dữ dội hơn. Diện tích sạt lở hơn 2 ha, tiếp tục đe dọa hàng chục ha và nhiều nhà cửa cũng như cuộc sống của các hộ dân sống dọc bờ sông".

Từ đền Cửa Ngòi nhìn sang bờ sông phía Phú Thọ, người ta xả núi để lấy đất đắp lấn dòng sông Chảy làm bãi tập kết cát sỏi. Từ đó ngược lên thôn Khả Lĩnh chúng tôi đếm vội có đến gần chục bãi tập kết cát sỏi, bãi nào cũng cao lớn như những trái núi khổng lồ, có bãi còn đặt trạm trộn bê tông. Theo một cổ đông Cty Trường Phát: Tất cả các bãi cát phía bờ sông xã Đông Khê là của Cty Đô Thị, tỉnh Phú Thọ.

San gạt núi để lấn dòng chảy làm bãi chứa cát sỏi

Ông Đoàn Hữu Phung đảm nhận chức Bí thư huyện Yên Bình từ ngày 1/6/2018. Sau khi nghe dân tình ca thán, chiều Chủ nhật 29/7 ông không thể ngồi nhà nghe báo cáo mà đến tận nơi xem sạt lở bờ sông Chảy như thế nào. Sau khi tận mắt thấy hiện trạng sạt lở bờ sông và tiếng nói của người dân, ông chỉ đạo UBND huyện thành lập ngay đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra việc khai thác cát sỏi của Cty Trường Phát có đúng với quy định và đề ra phương án bảo vệ bờ sông.

Đó là một tin vui cho người dân xã Đại Minh. Nhưng… hãy chờ xem.

Núi cát sỏi trên đất thôn Thượng Khê

Sạt lở bờ sông Chảy

Ông Đoàn Hữu Phung (phải) lắng nghe tiếng kêu xót xa của bà Lê Thị Hòa

Ngày 23/5/2018, Sở Tài nguyên- Môi trường có báo cáo số 152/BC-STNMT gửi UBND tỉnh Yên Bái chỉ ra 6 lỗi của Cty Trường Phát: Chưa hoàn thành thủ tục thuê đất, thuê mặt nước phục vụ khai thác mỏ theo quy định. Chưa thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường tại mỏ. Chưa có văn bản chấp thuận về phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền. Bến thủy nội địa không có giấy phép hoạtt động, chưa có đủ trang thiết bị của bến thủy theo quy định…

Báo cáo này chỉ ra 4 nguyên nhân gây sạt lở bờ sông: Khu sạt lở là đất phù sa; Do tác động của mưa bão; Do hoạt động của các phương tiện vận tải thủy. Nguyên nhân khai thác cát sỏi bị đẩy xuống hàng thứ tư, ngược với ý kiến của người dân: Bờ sông bị sạt lở chủ yếu do khai thác cát sỏi.

THÁI SINH/NNVN

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/song-chay-quan-quai-vi-van-nan-tau-cuoc-moc-ruot-50681.htm