Sống chậm trong quán cà phê sách

Mô hình cà phê sách hình thành và phát triển ở Hà Nội khoảng 10 năm trở lại đây. Mỗi cửa hàng đều sáng tạo những nét đặc trưng riêng để thu hút người đến thưởng thức cà phê và tìm đọc những cuốn sách họ yêu thích. Qua đó, mô hình cà phê sách tạo ra những không gian văn hóa đa dạng, pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng xu hướng, thói quen đọc sách của người dân Thủ đô.

Mô hình cà phê sách tại cửa hàng “Hoa 10 giờ”. Ảnh: Lại Tấn

Mô hình cà phê sách tại cửa hàng “Hoa 10 giờ”. Ảnh: Lại Tấn

Đa dạng xưa và nay

Những năm 2000, mô hình cà phê sách bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội. Lúc đó, cà phê sách thường tập trung nhiều ở những khu vực có nhiều trường học như quận Đống Đa, Cầu Giấy. Các nhà xuất bản sách như: Đông Tây, Nhân văn, Cá chép… là những đơn vị tiên phong trong việc sáng tạo ra mô hình này. Những quán cà phê như thế luôn rất đông khách vào những ngày cuối tuần hay buổi tối. Sinh viên bỏ ra 7.000 – 15.000 đồng để mua một cốc nước, cà phê rồi được thỏa thích đọc sách miễn phí; hay chờ đợi cả ngày để được gặp nhà văn, nhà thơ họ thần tượng cùng xin chữ ký qua các buổi giới thiệu sách. Đơn giản hơn, sinh viên có thể mang giáo trình, sách vở đến cà phê sách để tìm không gian yên tĩnh, học tập cùng bạn bè.

Hơn 10 năm qua, mô hình cà phê sách ngày càng phát triển với sự tham gia nhiều hơn của các đơn vị tư nhân. Nhờ đó, mô hình này cũng được đa dạng hơn. Cà phê sách không chỉ xuất hiện ở gần các trường học, dành chủ yếu cho đối tượng là học sinh, sinh viên mà len lỏi vào từng con ngõ phố của Hà Nội, tiếp cận mọi tầng lớp người dân Thủ đô và mang đậm nét văn hóa Hà thành. Đơn cử, quán cà phê “Hoa 10 giờ - Floral Book Café” tại 26 Hàng Vôi được thiết kế độc đáo khi tầng một là một cửa hàng hoa tươi và quầy pha chế đồ uống; tầng hai là không gian cà phê mộc mạc. Số lượng sách, truyện tại đây cũng khá đa dạng, hấp dẫn. Đặc biệt, cửa hàng có riêng một giá sách “Hà Nội, sách và hoa” - là bộ sưu tập các tác phẩm nói về Hà Nội như: “Thăng Long – Hà Nội những điều tôi muốn biết”, “Chuyện cũ Hà Nội”...

Văn hóa cà phê sách

Tìm đến cà phê sách, khách hàng thường có nhu cầu được yên tĩnh, thu mình trong không gian tri thức. Nắm bắt điều này, mô hình cà phê sách ngoài việc dành không gian riêng cho độc giả đọc sách còn sáng tạo ra cách thức bán hàng đặc trưng để hấp dẫn người đọc. Nằm trên phố Nguyễn Quang Bích, “Tranquil book & coffee” ngoài việc tạo ấn tượng với khách bằng không gian ấm cúng, đồ uống đa dạng, nhạc Jazz đặc trưng còn khuyến khích mọi người đổi sách lấy đồ uống.

Ngoài ra, khách hàng có thể tự tạo ra những trang sách của mình thông qua những cuốn “notebook” – sổ tay ghi chép. Trong những cuốn sách này, khách hàng ngoài góp ý về sách, đồ uống, âm nhạc còn tâm sự, chia sẻ những câu truyện về bản thân, về Hà Nội. Dạ Ngân – khách hàng của Tranquil cho biết: “Lọt thỏm trên sofa, nhấp một ngụm trà và thưởng thức sự tĩnh lặng của mọi người xung quanh, tôi được phép thu mình lại chân thực nhất. Tôi cảm thấy đủ riêng tư, đủ ấm áp bởi những gương mặt chưa hề quen trong quán. Tôi yêu cách mọi người làm việc ở đây. Yêu cách mọi người thư giãn. Yêu cả cách nhiều người trốn vào hang của mình”.

Cà phê sách đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Hà Nội. Lựa chọn cà phê sách là điểm đến, người dân Hà Nội có thể tách biệt với không gian ồn ào của đô thị, sống chậm bên cốc cà phê và trang sách. Và kho tàng tri thức vẫn được thu nhận với những đặc trưng văn hóa riêng có của Hà Nội.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/song-cham-trong-quan-ca-phe-sach-358028.html