Sống bất an bên hồ thủy lợi

Dù đã được nâng cấp, sửa chữa và đưa vào sử dụng từ năm 2013, nhưng công trình thủy lợi hồ chứa nước Chăm Bảy, thuộc bản Mường Hin, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An) vẫn chưa phát huy được tác dụng như kỳ vọng. Ngược lại, công trình đã và đang gây ra không ít khó khăn, bất an cho người dân nơi đây.

Nhiều nhà chỉ cách mặt nước vài mét, cứ mưa là ngập.

Công trình xong nhưng dân chưa thể di dời

Công trình hồ chứa nước Chăm Bảy được đầu tư theo Quyết định 5510 của UBND tỉnh Nghệ An với tổng số vốn được phê duyệt 9,73 tỷ đồng và giao cho UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư. Con đập nói trên có diện tích lưu vực 2,1 km2, dung tích gần 600 nghìn m3.

Sau khi hoàn thành đây là công trình sẽ phục vụ tưới tiêu cho 80 ha diện tích lúa và hoa màu của bản Mường Hin và Na Dến, xã Tiền Phong. Tuy nhiên, hơn 4 năm sau khi công trình hoàn thành, lợi ích của nó mang lại thì chưa thấy đâu, còn người dân sống trong lòng đập và dưới chân đê đang ngày đêm thấp thỏm lo âu.

Anh Lô Văn Quốc sống dưới chân đê của hồ chứa nước Chăm Bảy, cho biết: “Gia đình có 3 người, sống dưới thân đập rất lo lắng, do chưa di chuyển đến nơi ở mới vì chưa nhận được hết số tiền đền bù, đến nay gia đình tôi mới chỉ nhận được 42,5 triệu đồng trên tổng số 85 triệu đồng trong hồ sơ đền bù. Vì thế tôi không thể đủ tiền để dựng nhà nơi ở mới được”. Đối với các hộ dân sống trong lòng hồ thì cứ mỗi trận lụt là nhà cửa đều bị ngập, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay mới chỉ có một vài nhà nằm sát bờ đập di chuyển lên vùng đất cao an toàn hơn, số còn lại hơn chục hộ dân vẫn đang phó mặc số phận cho thiên nhiên.

Cá biệt, có một số hộ gia đình nằm sát ngay mép đập, rất nguy hiểm mỗi khi mưa lũ xuất hiện. Tuy nhiên, đến nay hiện tượng ngập lụt dưới lòng đập chưa gây thiệt hại về người nhưng mỗi khi mùa mưa lũ về thì những gia đình sống trong lòng hồ luôn có một mối đe dọa thường trực. Nguyên nhân chủ yếu được giải thích là do chưa nhận được tiền đền bù cũng như giá đền bù thấp, nên những hộ dân này chưa đủ khả năng để tìm nơi ở mới phù hợp.

Bà Lô Thị Lâm, ở bản Mường Hin có nhà và 5 sào đất bị ảnh hưởng sau khi xây dựng đập chứa nước Chăm Bảy. Thế nhưng, theo đơn giá được phê duyệt từ năm 2011, số tiền gia đình bà được đền bù chỉ là 80 triệu đồng. Đã thế, đến nay gia đình bà Tâm cũng chỉ mới nhận được số tiền 30 triệu đồng. “Áp giá đền bù thì là năm 2011 nhưng mãi năm 2016 mới trả tiền, lại chỉ trả được một phần.

Do trượt giá, số tiền đó chưa đủ để tôi thuê máy múc san lấp mặt bằng cho nơi ở mới chứ chưa nói đến dựng nhà cửa” – bà Tâm bức xúc nói. Bà Vi Thị Hoa, có nhà nằm sát lòng đập cũng cho hay: “Nhà tôi chỉ mới nhận được vài chục triệu tiền đền bù. Tiền thì tiêu đã gần hết mà không thấy họ đền bù tiếp. Từ khi đập làm xong năm nào cũng bị ngập vài lần, riêng năm nay bị ngập 3 lần rồi”.

Trượt giá đền bù

Ông Võ Khánh Toàn - chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho biết: “Hiện tại có 11 hộ dân đang trực tiếp bị ảnh hưởng do công trình hồ chứa nước Chăm Bảy gây ra. Một số hộ thì đã nhận được một phần đền bù còn một số hộ thì chưa nhận được đồng nào. Vì thế, việc di chuyển các hộ dân trong lòng hồ và dưới thân đập gặp rất nhiều khó khăn.

Do được áp giá đền bù từ năm 2011, nhưng đến năm 2016 mới có tiền đền bù nên người dân yêu cầu phải tính lại mức giá đền bù cho thỏa đáng. Đây là một vấn đề gây ra cho người dân rất nhiều bức xúc, cuộc họp hội đồng nào cũng có kiến nghị nhưng đến nay cấp trên vẫn chưa có phương án giải quyết hợp lý cho người dân. Đến nay, để tránh bị ngập lụt, chính quyền xã Tiền Phong đã chỉ đạo cho đơn vị quản lý thường xuyên xả và không tích nước quá 30% dung tích thiết kế. Thế nhưng mỗi khi trời mưa lũ, tình trạng ngập úng vẫn xảy ra. Tính riêng trong năm 2017 đã hai lần người dân sống trong lòng hồ đã phải sống trong cảnh ngập úng”.

Ông Lê Văn Giáp - chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Hiện tại địa phương đang gặp khó khăn về kinh phí, do được áp giá từ năm 2011 nên đến nay chi phí đội lên quá cao. Để tháo gỡ khó khăn, đích thân tôi đã có nhiều cuộc đối thoại với người dân để có hướng xử lý. Đến nay, huyện đã có chủ trương áp giá đền bù lại theo giá thời điểm hiện tại”. Hiện nay đang là mùa mưa lũ, 11 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi công trình hồ chứa nước Chăm Bảy đang hết sức hoang mang, lo lắng. Để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, đề nghị UBND huyện Quế Phong cần phải nhanh chóng tìm ra giải pháp hiệu quả nhất giải quyết những khúc mắc nhiều năm nay tại công trình thủy lợi nói trên.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/tieng-dan/song-bat-an-ben-ho-thuy-loi-386232