Sông băng ở Thụy Sĩ tan chảy cảnh báo tình trạng nóng lên toàn cầu

Tốc độ tan chảy quá nhanh của các dòng sông băng ở Thụy Sĩ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nóng lên toàn cầu hiện nay.

Một loạt hình ảnh “ngày ấy và bây giờ” của các dòng sông băng từ hàng trăm năm trước cho đến ngày nay là minh chứng cho tác động của biến đổi khí hậu đối với tự nhiên.

Thay vì các dòng sông băng hùng vĩ bao phủ hầu hết các thung lũng, những gì còn lại ở thời điểm hiện tại chỉ là dòng sông suối nhỏ hay tàn dư của vạt đá màu xám mà trước kia là đáy của sông băng...

 Ảnh chụp sông băng Trient vào năm 1891 (ảnh nhỏ) và 2019 (ảnh lớn).

Ảnh chụp sông băng Trient vào năm 1891 (ảnh nhỏ) và 2019 (ảnh lớn).

Chính phủ Thụy Sĩ cho biết, nước này đã mất hơn 500 dòng sông băng và nếu các nước không cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì 90% trong số 1.500 dòng sông còn lại của nước này cũng sẽ biến mất vào cuối thế kỷ 21.

Hiện tượng băng tan nhanh có thể gây ảnh hưởng lớn tới mực nước (khi băng tan nhanh, mực nước ban đầu tăng lên nhưng sau đó sẽ nhanh chóng bốc hơi và gây cạn kiệt nguồn tài nguyên này), đồng thời có thể gây đá lở và nhiều mối nguy hiểm khác cũng như tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nước này.

Ảnh chụp khách sạn Belvedere nhìn ra sông băng Rhone năm 1938 (ảnh trên) và năm 2019 (ảnh dưới).

Thụy Sĩ đang trải qua sự ấm lên với tốc độ gấp đôi so với toàn cầu. Theo ông Matthias Huss thuộc Viện giám sát sông băng Thụy Sĩ (GLAMOS), trong năm 2018, các sông băng đã mất khoảng 2% khối lượng. Kể từ khi Viện GLAMOS đo đạc và ghi nhận dữ liệu về mức độ bao phủ băng của Thụy Sĩ từ 150 năm trước, chưa bao giờ nước này chứng kiến tốc độ băng tan nhanh như vậy.

Thí dụ rõ ràng của tình trạng trên là trường hợp của khách sạn Belvedere được xây dựng năm 1882 tại một khúc cua đẹp nhất trên đèo Furka của dãy Apls nhằm phục vụ cho du khách ngắm dòng sông băng Rhone. Công trình này từng xuất hiện trong tập phim Goldfinger thuộc loạt phim về James Bond ra mắt vào năm 1964. Tuy nhiên, khách sạn đã phải đóng cửa năm 2015 và bị bỏ hoang vì sự biến mất của sông băng. Bức ảnh nhìn từ khách sạn được chụp giữa thế kỷ 19 cho thấy sông băng Rhone đổ xuống thung lũng rộng khoảng 100m. Nhưng nay chỉ còn động vật gặm cỏ và một khúc sông chảy quanh co.

Ảnh chụp sông băng Aletsch trong khoảng năm 1860-1890 (ảnh nhỏ) và năm 2019 (ảnh lớn).

Một bức ảnh khác được chụp từ cuối thế kỷ 19 về sông băng Aletsch - sông băng lớn nhất ở dãy Alps cho thấy, một người đàn ông đang ngồi trên tảng đá trước môt nhánh băng lớn kết hợp với dòng chính của sông băng. Ngày nay, nó không còn kết nối nữa.

Hiệp hội Bảo vệ khí hậu Thụy Sĩ đã thu thập được hơn 100.000 chữ ký để yêu cầu một cuộc trưng cầu ý dân về “Sáng kiến sông băng” nhằm kêu gọi các biện pháp cắt giảm khí thải làm nóng lên toàn cầu và sẽ được gửi tới thủ đô Bern trong tuần này.

MAI HÀ (theo Yahoo News)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/song-bang-o-thuy-si-tan-chay-canh-bao-tinh-trang-nong-len-toan-cau-604398