Sơn Tây bứt phá về đích, đã có 5/6 xã đạt chuẩn

Trước đây, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở thị xã Sơn Tây gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi triển khai Chương trình 02/CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Sơn Tây đã có 5/6 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người tăng.

Chú trọng ứng dụng công nghệ cao

Đến nay, Sơn Tây đã có 5/6 xã (chiếm 83,33%) được công nhận xã đạt chuẩn NTM gồm Cổ Đông, Xuân Sơn, Sơn Đông, Đường Lâm, Thanh Mỹ. Xã Kim Sơn đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2018, hiện cũng đã đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt gần 36 triệu đồng/ năm; 95% hộ dân có nhà kiên cố, khang trang; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 6/6 xã có nhà văn hóa, chợ nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,75%.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi gà mía đặc sản ở Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: H.Đ

Ông Nguyễn Quang Sơn - Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết, trong quá trình xây dựng NTM, cùng với việc tập trung phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, thị xã Sơn Tây xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, từ năm 2016 đến nay, thị xã đã tiếp nhận và tổ chức xét duyệt cho 56 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Địa phương đã chuyển đổi được 82,4ha, trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng rau an toàn là 11,21ha; trồng cây ăn quả là 4,5ha; sang mô hình chăn nuôi xa khu dân cư là 1,5ha; diện tích chuyển đổi sang hoa, cây cảnh là 15,5ha...

"Đặc biệt, thị xã còn chú trọng đến việc xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, điển hình là mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Công ty cổ phần PanFarm. Hiện nay, công ty đang trồng dưa lưới, mỗi năm thu hoạch 3 vụ, lợi nhuận hàng năm ước đạt 600 triệu đồng hay mô hình nuôi thỏ New Zealand tại xã Cổ Đông cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm” – ông Sơn nói.

Thị xã cũng đang từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu gà mía Sơn Tây và mô hình liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ gà mía của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà mía Sơn Tây. Mô hình thực hiện các hoạt động sản xuất con giống, chăn nuôi gà thương phẩm, gà thịt sơ chế bao gói cấp đông đưa ra thị trường với sản lượng khoảng 90.000 con/năm, gà bố mẹ khoảng 65.000 con/năm, gà thương phẩm khoảng 25.000 con/năm...

Theo ông Sơn, có thể thấy, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở thị xã Sơn Tây không chỉ là sự vào cuộc của chính quyền mà còn thể hiện tính chủ động của nhân dân, làm cho phong trào ngày càng lớn mạnh.

Nuôi gà đồi đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng

Được biết, thị xã Sơn Tây đang đặt mục tiêu đưa xã Kim Sơn về đích NTM vào năm 2018 và hoàn thành Chương trình số 02 vào năm 2020; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 41,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2020; giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn dưới 0,5%.

Phấn đấu đưa xã cuối cùng về đích

Theo ông Sơn, hiện nay, thị xã Sơn Tây đang vận động 6 xã chủ động phối hợp, triển khai các mô hình khuyến nông và đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực như mô hình sản xuất hoa Chi Mai thế trồng chậu; nuôi cá rô phi giống mới; chăn nuôi gà mía thả vườn theo hướng an toàn sinh học; trồng măng tây ứng dụng công nghệ tưới phun mưa…

Bên cạnh đó, thị xã sẽ tập trung phát triển thương hiệu gà mía, tiến tới xây dựng thành công nhãn hiệu “Mật ong Kim Sơn”. Huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất, cần tranh thủ tối đa những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố. Xây dựng NTM gắn với xây dựng công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị.

Đánh giá về công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM, ông Hà Việt Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Sơn Tây cho biết, ngoài công tác tuyên truyền vận động chung về các quan điểm, chủ trương, chính sách, MTTQ còn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xã hội hóa sức người, sức của, hiến đất mở đường làm phong trào nòng cốt trong cuộc vận động chương trình xây dựng NTM, trọng tâm là xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh, đường làng, ngõ xóm.

"Từ năm 2016-2018, MTTQ thị xã đã vận động các cá nhân tổ chức, doanh nghiệp đóng góp công trình hiện vật và các hộ gia đình đóng góp hơn 41.000 ngày công, cùng với 1,125 tỷ đồng tiền mặt, đặc biệt là nhân dân trên địa bàn đã hiến 26.109m2 đất để xây dựng NTM" - ông Phong chia sẻ.

Ông Khuất Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Cổ Đông, một trong những xã cán đích NTM sớm ở Sơn Tây, cho biết, để đạt mục tiêu xã chuẩn NTM, Cổ Đông đã tiến hành rà soát hiện trạng đến từng thôn, đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn, từng năm và đề ra giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể.

Hải Đăng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/son-tay-but-pha-ve-dich-da-co-5-6-xa-dat-chuan-911958.html