Sơn Mỹ không nguôi khát vọng hòa bình

52 năm về trước, chỉ trong sáng 16-3-1968, tại làng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), 504 đồng bào Sơn Mỹ, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em đã vĩnh viễn lìa giã cõi đời một cách bi thương. Từ ấy, Sơn Mỹ trở thành nỗi đau khôn nguôi của toàn thể nhân dân Việt Nam và những người có lương tri trên trái đất. Sau ngày đất nước hòa bình, người dân Sơn Mỹ đã vượt qua nỗi đau, khép lại quá khứ để cùng hướng đến tương lai.

Trẻ em Sơn Mỹ với khát vọng hòa bình.

Trẻ em Sơn Mỹ với khát vọng hòa bình.

Làng quê Sơn Mỹ, từ lâu đã trở thành điểm hẹn của những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. Họ đến đây để cảm nhận sự hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ của một vùng quê nghèo khó, về lòng bao dung, chân tình của những người dân chân chất luôn yêu chuộng hòa bình. Dù chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng người dân Sơn Mỹ luôn sẵn lòng vị tha. Đó cũng là thông điệp mà người dân Sơn Mỹ muốn gửi đến nhân dân trên toàn thế giới: Một thế giới hòa bình, không có chiến tranh.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 16-3, bà Phạm Thị Thuận, ở xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung (xã Tịnh Khê), một trong những nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát, lại dẫn đứa cháu ngoại đến thắp nén tâm hương cho người thân của mình và những dân làng bị thảm sát. Hơn nửa thế kỷ đi qua, thời gian có thể làm mọi vật đổi thay nhưng trong tâm trí của bà Thuận vẫn nhớ tường tận buổi sáng 16-3-1968 đau thương và oan nghiệt. Với bà, nhắc lại quá khứ không phải để gieo vào con trẻ lòng hận thù mà đó như là một lời nhắn gửi cho thế hệ mai sau, hãy lấy đó làm tấm gương để không lặp lại sai lầm, không để xảy ra những vụ thảm sát đau thương như vậy nữa.

Còn cậu bé Đào Tấn Phước (cháu ngoại bà Thuận) cũng như thế hệ trẻ Sơn Mỹ hôm nay rồi sẽ hiểu, rồi sẽ biết nhiều hơn về nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho quê hương mình qua những tư liệu lịch sử, qua lời kể của cha, ông để tự biết làm gì cho quê hương, cho đất nước, cho một thế giới luôn luôn hòa bình.

“Chiến tranh gây ra nhiều đau thương mất mát. Giờ thế hệ trẻ Sơn Mỹ như chúng cháu cố gắng học thật tốt để sau này góp phần đóng góp xây dựng quê hương. Cầu mong trên thế giới không có chiến tranh để không xảy ra những thảm cảnh như quê hương cháu cách đây 52 năm”,cậu bé Đào Tấn Phước chia sẻ.

Trên quê hương Tịnh Khê hôm nay, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu, khởi nghiệp thành công. Dù lựa chọn những con đường khởi nghiệp khác nhau, nhưng thế hệ trẻ Sơn Mỹ đều có chung khát vọng vươn lên, khẳng định mình và cống hiến cho quê hương. Điển hình như, thanh niên Phạm Hồng Nhật, ở thôn Trường Định đã lựa chọn sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ là mô hình khởi nghiệp. Với sự năng động, dám nghĩ dám làm, Nhật quyết định vay vốn gần một tỷ đồng đầu tư máy móc hiện đại, giảm bớt các công đoạn làm thủ công. Những sản phẩm gỗ của Nhật có độ tinh xảo, sắc nét nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Cơ sở sản xuất của anh đã giải quyết việc làm cho bốn lao động địa phương với mức thu nhập từ 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng.

Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo trong đoàn viên thanh niên ở địa phương, Đoàn xã Tịnh Khê phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ thanh niên vay vốn, đầu tư sản xuất. Hiện, toàn xã có 17 mô hình thanh niên khởi nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho gần 100 lao động ở địa phương.

52 năm qua, kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát, người dân Sơn Mỹ không nguôi khát vọng hòa bình, khát vọng vươn lên. Họ biến đau thương thành hành động, chung tay vượt qua gian khó, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, sự góp sức quý báu của đồng bào cả nước, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự cần cù, chăm chỉ chịu thương chịu khó của đồng bào nơi đây, Sơn Mỹ đã dần dần hồi sinh.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân Sơn Mỹ ngày càng khởi sắc với mức thu nhập ổn định từ 40 đến 45 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, các công trình phúc lợi dân sinh, trường học, bệnh xá cũng được xây dựng khang trang.

Trong tiến trình không ngừng vươn lên đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tịnh Khê đang tiếp tục nỗ lực chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, Trần Quang Minh cho biết, để phát huy những lợi thế vốn có, địa phương tiếp tục chú trọng phát triển dịch vụ, du lịch. Đồng thời, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư, tạo công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho người dân trung bình từ 60 triệu/người/năm.

Đường về Sơn Mỹ hôm nay đã khác xưa. Những cánh đồng lúa trĩu hạt. Những mảnh vườn cây trái tốt tươi. Sơn Mỹ, vùng đất bị cày xới của bom đạn chiến tranh thuở nào giờ phủ một màu xanh thắm. Màu xanh của sự no ấm và đủ đầy.

Khu chứng tích và Tượng đài Sơn Mỹ, ngày ngày đón dòng người đến thăm viếng, thắp hương tưởng niệm các nạn nhân, năm sau đông hơn năm trước. Điều đó chứng tỏ niềm thương mến, sự cảm thông, chia sẻ với Sơn Mỹ không hề phôi phai theo thời gian, năm tháng.

Khép lại quá khứ để cùng hướng đến tương lai, kết thân bè bạn với các quốc gia, các dân tộc trong cùng khát vọng hòa bình, tiến bộ không chỉ là chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mà còn là lẽ sống, là đạo lý thấm đậm trong cách ứng xử của mỗi người dân Việt, trong đó có những người dân Sơn Mỹ còn mang trên da thịt và cả tâm hồn mình những vết thương chiến tranh.

Những cựu binh Mỹ cầu nguyện trước Tượng đài Sơn Mỹ.

Thân nhân gia đình các nạn nhân Sơn Mỹ bật khóc trước vong linh người thân.

Du khách đến thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ năm sau đông hơn năm trước

Làng quê Sơn Mỹ đã có nhiều đổi thay.

Bãi biển Mỹ Khê, một thế mạnh để xã Tịnh Khê phát triển dịch vụ, du lịch.

BÀI, ẢNH: HIỂN CỪ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43631102-son-my-khong-nguoi-khat-vong-hoa-binh.html