Sơn Mỹ hồi sinh từ nỗi đau chiến tranh

Năm 1968, tại thôn Mỹ Lai, 504 thường dân vô tội đã bị quân đội Mỹ sát hại, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Ngày nay, vùng đất này đang thay da đổi thịt từng ngày và trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách khắp nơi trên thế giới.

Ký ức buồn của những người trong cuộc.

Hằng năm, cứ đến ngày 16/3, người dân từ khắp mọi miền đất nước cùng nhiều đoàn khách nước ngoài về Khu chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) để cùng nhau cầu nguyện cho 504 linh hồn Sơn Mỹ được siêu thoát.

Những vòng hoa, những nén hương được dâng lên, thắp trước tượng đài tưởng niệm 504 thường dân Sơn Mỹ, những tiếng chuông vang lên nhắc nhở mọi người không bao giờ quên hậu quả khốc liệt của chiến tranh và sự vô giá của hòa bình.

Đã 52 năm trôi qua, thời gian có thể làm phai đi mọi thứ nhưng trong tâm trí của người dân Sơn Mỹ vẫn không thể quên được buổi sáng 16/3/1968 đau thương, mất mát. Nơi mà chỉ trong vòng 1 buổi sáng, lính Mỹ đổ bộ bằng trực thăng, điên cuồng lục sục từng gia đình, từng căn hầm và mọi ngóc gách để tìm và tiêu diệt người dân địa phương mà không vấp phải bất cứ một hành động phản kháng nào.

504 thường dân vô tội đã thiệt mạng trong vụ thảm sát kinh hoàng này nhiều ngôi nhà bị thiêu hủy, hàng ngàn gia súc, gia cầm bị giết chết, lương thực mùa màng bị đốt sạch, phá hoại hoàn toàn. Ngôi làng Sơn Mỹ thanh bình chỉ trong một buổi sáng đã chìm trong đau thương, tang tóc. Vụ thảm sát đã gây chấn động những dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trong 1 lần về thắp hương tưởng niệm tại Khu chứng tích Sơn Mỹ

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trong 1 lần về thắp hương tưởng niệm tại Khu chứng tích Sơn Mỹ

Bà Lê Thị Em, trú xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi một trong số những người sống sót ít ỏi trong cuộc thảm sát. Mặc dù bà Em đã bước qua tuổi 88, hai chân đã yếu, đôi mắt cũng đã mờ đi, nhưng khi nghe nhắc đến vụ thảm sát cách đây 52 năm, bà lại dậy lên cảm giác rùng mình.

Bà Em nhớ lại như in: “Sáng 16/3/1968 cũng bình thường như mọi ngày khác, hầu hết các gia đình đều đang ở nhà chuẩn bị cho một ngày lao động mới thì nghe tiếng pháo dồn dập kéo dài, một đoàn máy bay trực thăng chở lính Mỹ đổ bộ xuống phía Tây xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung và xóm Gò, thôn Cổ Lũy. Lính Mỹ xông vào xóm Thuận Yên, lùng sục khắp nơi và bắn bất cứ người nào mà chúng gặp. Thấy vậy, tôi sợ quá kéo 2 con vội chạy xuống hầm trú ẩn. Tuy nhiên, bọn lính lục soát khắp các căn hầm và trong nhà có người còn sống lôi ra khỏi hầm, dồn lại thành từng nhóm rồi xả súng... Lúc đó, tôi cùng 2 đứa con ngồi bẹp ở hàng phía sau sợ quá nên ôm con nằm úp xuống giữa đám người, may mắn thay lúc đó do người chết quá nhiều, xác chết ngã xuống chồng lên mẹ con tôi nên tôi cùng hai đứa nhỏ sống sót”.

Sống gần nhà bà Em, ông Đỗ Ba (61 tuổi, trú xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi) nhớ lại: “Hồi đó tôi chỉ là cậu bé 9 tuổi, nhà tôi ở ngoài khu Chứng tích Sơn Mỹ, sáng hôm đó tôi dẫn hai đứa em vào thôn Tư Cung chơi. Rồi thấy lính Mỹ đánh tạc bắn vòng quanh xóm, lúc này tôi mới dẫn 2 đứa em về lại nhà với mẹ. Lúc về đến nhà thì lính Mỹ ập vào chĩa súng bắt mẹ, anh ruột, tôi cùng 2 đứa em ra bờ kênh cùng với nhiều người trong xóm rồi xả súng. Mẹ cùng anh trai và 2 người em đã mãi mãi ra đi không trở về, riêng tôi may mắn thoát chết khi bị vùi lấp trong xác người nằm chồng lên nhau”.

Sơn Mỹ hồi sinh mạnh mẽ

Chiến tranh đi qua để lại trên mảnh đất này nỗi đau xé lòng. Cái nghèo hiển hiện trong từng ngôi nhà, trên từng ngả đường làng và cả trên từng khuôn mặt người dân. Nhưng nén lại những đau thương đó, bằng ý chí và nghị lực phi thường, người dân Sơn Mỹ quyết chí bám đất, bám làng, chung tay xây dựng lại quê hương, phủ một màu xanh trù phú lên vùng đất đầy dấu tích lịch sử này.

Chúng tôi đến Sơn Mỹ vào những ngày giữa tháng 4, nhìn khung cảnh yên bình với những cánh đồng lúa trải dài, những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát, khó có thể tin được, cách đây 52 năm về trước mảnh đất này đã từng phải gánh chịu nỗi đau thương đến tận cùng bởi lính Mỹ đã gây ra.

Thấm thoắt cũng đã 52 năm trôi qua, từ một nơi được mệnh danh là “vùng đất chết”, Sơn Mỹ giờ đây đã xanh thắm trở lại. Cuộc sống của người dân đang dần thay da đổi thịt, sự mất mát, đau thương giờ đã ẩn sâu trong ký ức của mỗi con người, mỗi gia đình và biến thành động lực xây dựng lại vùng quê như hôm nay. Trên con đường bê tông cắt qua những ngôi mộ tập thể từng là nỗi ám ảnh của nhiều người giờ đây là một cánh đồng xanh tươi, trù phú.

Với ý chí vượt qua tất cả, mấy chục năm qua, gia đình ông Đỗ Ba đã ra sức trồng trọt, chăn nuôi, để lo cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Nhờ đó, gia đình ông trở thành một trong những hộ có thu nhập khá trong làng, các con ăn học đến nơi đến chốn.

Những cựu binh Mỹ đến dâng hương tưởng niệm 504 thường dân vô tội bị giết hại ở Sơn Mỹ

Bằng đôi tay cần cù, chịu thương chịu khó, người dân Sơn Mỹ đã xây dựng lại quê hương từ đống tro tàn, đổ nát và tạo nên sức sống mới cho quê hương. Đến nay quê hương Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi đã có những bước khởi sắc đáng mừng. Cuộc sống của người dân bây giờ tương đối đầy đủ từ vật chất cho đến tinh thần.

Từ khát vọng vươn lên chiến thắng đói nghèo, đến nay hơn 200 gia đình là nạn nhân hoặc có người thân bị sát hại trong vụ thảm sát Sơn Mỹ đều đã có cuộc sống ổn định, với mức thu nhập cao. Đó là nỗ lực của chính quyền và người dân, đồng thời còn có cả sự góp sức từ những cựu binh Mỹ, những người muốn sửa lỗi lầm mà họ đã gây nên cho vùng đất này.

Về Sơn Mỹ hôm nay có thể thấy người dân vốn yêu lao động hăng hái tăng gia sản xuất. Mỗi sáng sớm, Sơn Mỹ với biển xanh, cát trắng, những con thuyền rẽ sóng ra khơi, những người nông dân ra đồng làm việc... Sơn Mỹ ngày nay còn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Quảng Ngãi, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Ông Trần Quang Minh – Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân xã nhà đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho việc kết nối lưu thông và đi lại của người dân thêm thuận lợi. Trên các tuyến đường trục chính hầu như đã có điện chiếu sáng. 100% con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, hệ thống trường lớp học các cấp từ mần non đến trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống kênh mương nội đồng được chính quyền đầu tư kiên cố hóa. Đời sống của người dân Sơn Mỹ vì thế cũng được nâng lên đáng kể”.

Minh Quân

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/son-my-hoi-sinh-tu-noi-dau-chien-tranh-43003.html